Trưởng thôn nhận bằng khen

10:01, 18/01/2016

Được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Phú An năm 2012, ông Bình mừng thì ít mà lo thì nhiều. Không lo sao được khi chưa từng qua khóa đào tạo nào mà ông phải đảm trách công việc của một thôn trưởng với trên 2.000 hộ dân cùng hàng chục cơ sở tôn giáo. 

Được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Phú An năm 2012, ông Bình mừng thì ít mà lo thì nhiều. Không lo sao được khi chưa từng qua khóa đào tạo nào mà ông phải đảm trách công việc của một thôn trưởng với trên 2.000 hộ dân cùng hàng chục cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, với tinh thần không ngừng học hỏi, những công việc của thôn, của xóm đều được ông Bình giải quyết êm thấm. Khi Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về tiếp tục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được ban hành, ông như có “kim chỉ nam” hành động, càng vững hơn trong quá trình điều hành và xử lý công việc tại thôn. Ban đầu, ông Bình có những phân vân vì không biết học, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cụ thể sẽ học điều gì, làm gì, làm như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Qua nhiều lần tiếp cận với phương tiện thông tin đại chúng và thực tế công việc, ông đã hiểu được những việc mà người đứng đầu thôn phải làm. Giờ đây, với kinh nghiệm gần 4 năm làm thôn trưởng, khi được hỏi bí quyết trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ông chia sẻ: “Học Bác dễ thôi. Cứ việc gì đúng pháp luật dù nhỏ nhất mà có lợi cho dân, vì dân, vì cộng đồng thì mình làm”.      
 
Ông Bình bên tấm bằng khen của mình
Ông Bình bên tấm bằng khen của mình
Cũng vì quan điểm việc gì có lợi cho dân thì phải gắng làm hết sức mà đã bao lần ông Bình phải bỏ lỡ bữa cơm đầm ấm gia đình, bỏ những ngày lên nương, bỏ lại những vườn cà phê đang khát nguồn nước tưới để đi giải quyết việc của thôn. Có những việc giờ nhắc lại chỉ là quá khứ nhưng ông đã phải kiên trì lắm. Đó là những kỷ niệm không quên về những tháng ngày đi gõ cửa từng nhà vận động người dân đóng góp tiền xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho thôn. Cứ sau một ngày lên nương, lên rẫy; người dân trong thôn lại thấy ông trưởng thôn “ghé thăm” nhà mình. Và thế là ngoài việc thăm chơi, ông lồng ghép luôn việc vận động góp tiền làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Theo như ông nói: “có nhiều người mình không phải đến một lần mà họ đưa tiền cho mình ngay. Mình cứ thực hiện “mưa dầm thấm lâu”, có khi ngồi cả tiếng đồng hồ, phân tích tường tận mục đích và lợi ích của dự án, người ta mới bằng lòng”. Rồi niềm vui cũng đã đến, sau 2 tháng miệt mài vận động, ông Bình cũng đã có được 200 triệu đồng để xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng có tiền vẫn chưa phải là xong việc, quá trình làm nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn đã “tiêu tốn”  rất nhiều thời gian của ông trưởng thôn. Hôm thì đào đất, hôm thì san mặt bằng, phụ hồ... Sau hơn 1 tháng thi công, ngôi nhà chung của cả thôn Phú An đã được trọn vẹn niềm vui. Ngày khánh thành đi vào hoạt động, bà con đến rất đông. “Nếu không có ông Bình đi vận động nhiệt tình để xây dựng thì bà con làm gì có được cái nhà sinh hoạt, hội họp khang trang như thế này”, ông Nguyễn Kim người dân thôn Phú An nói trong phấn khởi.
 
Mục đích cái gì có lợi cho dân thì gắng làm hết sức luôn thường trực trong ông. Từ làng trên đến xóm dưới ở vùng đất Phú An không việc gì là vắng bóng dáng của trưởng thôn. Nếu như việc xây nhà sinh hoạt cộng đồng, ông Bình đã làm cho dân phục thì trong việc giữ nếp sống văn minh đô thị, trưởng thôn đã được dân tin, dân yêu. Để có một môi trường sạch đẹp, ông đã quyết tâm thành lập đội vệ sinh môi trường của thôn. Định kỳ hàng tháng, ông huy động mọi người trong thôn đi nhặt rác. Cũng để dân tin, dân hiểu; trưởng thôn cùng làm với dân. Nói như cách của ông: “Mình tự giác làm việc thì bà con mới tự giác được, làm trưởng thôn mà chỉ đứng nói lý thuyết thì dân không nghe đâu”. Rồi như thành thông lệ, hình ảnh ông trưởng thôn tay cầm bao, tay nhặt rác đã thành ấn tượng đẹp đối với dân làng.
 
Làm thôn trưởng, theo ông, công tác dân vận là khó nhất bởi vì nếu nói không thuyết phục thì dân sẽ không nghe. Cũng qua công tác dân vận mà ông trưởng thôn đã được người dân ủng hộ nhiệt tình để xây nhiều tuyến đường giao thông từ 100% vốn do dân góp. Rồi đến công tác tôn giáo tại địa bàn cũng vậy. Ông Bình nói rằng, đây là lĩnh vực nhạy cảm và cam go nhất đối với một người trưởng thôn như mình. Là địa bàn rộng, dân cư đông, đa tôn giáo, ông phải theo sát tình hình và nắm vững tâm tư về đời sống tinh thần của bà con trong thôn. Để người dân thôn mình sống “tốt đời, đẹp đạo”, thông qua những đêm họp thôn, họp xóm, ông phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để bà con nhân dân hiểu và chấp hành. Những tháng ngày ông Bình làm thôn trưởng là những ngày đong đầy những kỷ niệm, vui có, buồn có, việc quan trọng có mà việc “cỏn con” cũng rất nhiều, tất cả ông đều phải làm hết mình. Từ chỗ vay vốn cho những đứa học sinh cơm chưa đầy bụng, áo chưa ấm lưng mà mê lắm con chữ nơi giảng đường đại học cũng nhờ đến ông làm mấy bộ hồ sơ; rồi cũng vì muốn cho bữa cơm gia đình vơi đi vị mặn của muối, vị chát của cà mà mấy người hàng xóm ở quê chạy sang nhà ông trưởng thôn hay chữ nhờ biên cho mấy tờ đơn để vay vốn tái canh cà phê; rồi tranh chấp đất đai; rồi tổ chức Tết Trung thu, các chính sách với người có công, người già cả; thậm chí có những vụ mất gà, mất vịt cũng nhờ ông giải quyết. Theo ông, việc dù nhỏ cũng không để cho người dân mình mất đoàn kết, mất đi cái tình, cái nghĩa nơi làng quê.
 
Nếu như công việc xã hội, ông Bình được dân tin, dân mến thì làm kinh tế gia đình ông cũng gương mẫu đi đầu. Ngoài mấy mẫu cà phê, ông còn làm la ghim, trồng dâu nuôi tằm. Là một “nông dân thứ thiệt” ham học hỏi, công nghệ mới chỗ nào ông cũng biết. Ngày xưa, khi trồng mặt hàng la ghim, ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp tưới tiêu tự động, cho đến bây giờ, nuôi tằm theo hướng hiện đại thì trưởng thôn Lê Văn Bình cũng là người nuôi trước bà con trong thôn. Kinh tế gia đình của ông ổn định, con cái đi học đến nơi đến chốn. Từ việc áp dụng thành công những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, ông Bình lại đi phổ biến cho bà con trong thôn để cùng nhau làm, cùng nhau tiến bộ. “Từ khi ông Lê Văn Bình làm trưởng thôn, bộ mặt của thôn thay đổi hẳn. Quan trọng là ông ấy nói, người dân họ nghe rồi làm theo”, ông Đào Xuân Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Hội, huyện Đức Trọng tự hào về những đóng góp của ông Bình.
 
Thành Nam