Cần quản lý chặt sản xuất rượu vì lợi ích của người tiêu dùng

09:01, 18/01/2016

Từ nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, vấn đề làm sao để thắt chặt công tác quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh theo quy định của nhà nước đang đặt ra đối với ngành công thương Lâm Đồng, nhất là rượu, một mặt hàng khá nhạy cảm trong đời sống của con người.

Từ nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, vấn đề làm sao để thắt chặt công tác quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh theo quy định của nhà nước đang đặt ra đối với ngành công thương Lâm Đồng, nhất là rượu, một mặt hàng khá nhạy cảm trong đời sống của con người.
 
Sản xuất rượu vang tại công ty cổ phần Rượu Bia Đà Lạt
Sản xuất rượu vang tại công ty cổ phần Rượu Bia Đà Lạt
Là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất và phân phối rượu vang làm từ trái cây, rượu vang mang thương hiệu Đà Lạt không chỉ phân phối rộng rãi trong nước mà ra cả thị trường nước ngoài như Thái Lan, thậm chí bắt đầu xuất khẩu thử nghiệm rượu vang Đà Lạt sang Nhật Bản. Sản xuất loại rượu cao cấp này là các công ty lớn, có tiềm lực đầu tư, quy trình sản xuất công nghiệp. Theo quy định của Nhà nước, Sở Công thương tỉnh, thành được cấp giấy phép sản xuất rượu quy mô công nghiệp dưới 3 triệu lít/năm; cấp giấy phép bán buôn sản phẩm rượu. Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, đến nay, Sở đã cấp 5 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp dưới 3 triệu lít/năm cho 4 đơn vị sản xuất rượu vang gồm Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng,  Công ty cổ phần Rượu Bia Đà Lạt, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm và đồ uống Cadaco Đà Lạt và Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Tổng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trên xấp xỉ 2,5 triệu lít/năm, trong đó chủ yếu là sản phẩm rượu vang từ trái cây. Với các đơn vị này, Sở thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị chấp hành nghiêm túc những quy định của nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. 
 
Khó khăn trong quản lý rượu của Lâm Đồng lại nằm ở cơ sở. Theo phân cấp, Phòng Kinh tế, Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố thực hiện việc cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn quản lý. Năm 2015, cấp 1 giấy phép tại thành phố Đà Lạt nâng tổng số giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong tỉnh đến nay là 27 giấy phép ở tại 10/12 huyện, thành phố. Đánh giá con số cụ thể, số lượng cơ sở, đơn vị lập hồ sơ đăng ký để được cấp giấy phép sản xuất rượu chiếm tỷ lệ xấp xỉ 4% so với số lượng thực tế đang sản xuất. Các tổ chức, cơ sở, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công với quy mô nhỏ lẻ, sử dụng sản phẩm liên quan để chăn nuôi nên không khai báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Sản phẩm rượu chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình và người dân địa phương và phần lớn rượu chưa được kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, số lượng các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh mặt hàng rượu chưa có giấp phép vẫn còn nhiều, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa được bày bán công khai nhưng việc xử phạt rất khó do các hộ có quy mô quá nhỏ. Việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu chưa được quan tâm thực hiện theo đúng quy định.
 
Thực chất, ngay cả trong tâm lý và nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh rượu về việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất còn hạn chế, bà con vẫn làm theo thói quen, tự nấu rượu cung cấp cho thị trường hoặc mua lại về bán lẻ, không chú ý tới trách nhiệm đăng ký với nhà nước. Hoạt động kiểm tra, tuyên truyền, giám sát của chính quyền địa phương đối với các đơn vị, cơ sở, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cũng chưa sâu sát, chưa kịp thời phát hiện xử lý các đơn vị sản xuất rượu chưa có giấy phép sản xuất rượu theo quy định. Nếu xảy ra ngộ độc hay các biến chứng liên quan tới sử dụng rượu, chủ yếu là rượu có nguồn gốc từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như trên. Siết chặt quản lý từ cơ sở xã, phường, công bố rượu hợp quy là mục tiêu ngành công thương hướng tới để bảo đảm thị trường sản xuất và kinh doanh rượu an toàn, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
 
DIỆP QUỲNH