Đào tạo nghề: Cơ hội lớn phát triển nông nghiệp và nông thôn

09:03, 29/03/2016

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt vừa ký Quyết định 536 phê duyệt Đề án "Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020" với hướng khuyến khích cho người học và người đào tạo. Vấn đề hiệu quả của việc sử dụng ngân sách đối với công tác này càng được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt vừa ký Quyết định 536 phê duyệt Đề án “Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020” với hướng khuyến khích cho người học và người đào tạo. Vấn đề hiệu quả của việc sử dụng ngân sách đối với công tác này càng được đặc biệt quan tâm.
 
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của các nhà tuyển dụng lao động ở Lâm Đồng
Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của các nhà tuyển dụng lao động ở Lâm Đồng
Tăng cường chính sách khuyến khích
 
Mục tiêu từ nay đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đào tạo được 35.000 lao động có trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, 70% phục vụ sản xuất nông nghiệp; 30% chuyển đổi ngành nghề, cung ứng cho các khu công nghiệp, các ngành sản xuất phi nông nghiệp và xuất khẩu lao động. Cùng đó, phải từ 80% trở lên số người sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Quý Uy cho rằng: Để đạt con số 80% trở lên này, Đề án hướng đến đối tượng học đã có tư liệu sản xuất hoặc những ngành nghề phi nông nghiệp thì phải chọn lựa những ngành nghề xã hội có nhu cầu việc làm. Thiết nghĩ, tính hữu ích của đào tạo là sự đồng bộ, từ chương trình nội dung truyền thụ đến năng lực, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ truyền thụ, trong đó, chú trọng phương pháp dạy nghề cụ thể đến tận cơ sở và tăng cường tính thực hành...
 
Theo Đề án, đối tượng được đào tạo là lao động nam tuổi từ 15 đến 60 và nữ đến 55 tuổi; có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề học và hộ khẩu ở Lâm Đồng. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên đào tạo đối với những người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi là người có công với cách mạng (NCCCM), thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật (NKT), dân tộc thiểu số (DTTS), người thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong 5 năm này cũng sẽ ưu tiên đào tạo 700 lượt cán bộ, công chức chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và chuyên môn xã, cán bộ nguồn bổ sung thay thế. 
 
Như đã nêu, Đề án khuyến khích ưu đãi cả 2 đối tượng học và dạy. Với người học, hỗ trợ chi phí đào tạo cho NKT tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học; DTTS thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Với các đối tượng như DTTS, thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi NCCCM, thuộc hộ nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và lao động nữ bị mất việc làm tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Còn lại, người thuộc hộ cận nghèo 2,5 triệu đồng và lao động khác 2 triệu đồng/người/khóa học. Các đối tượng theo học thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi NCCCM, NKT, DTTS, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng NKT cư trú ở xã, thôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 5km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học. Với giáo viên, giảng viên, Đề án cũng tăng mức tiền trả cao hơn trước, ví dụ hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung; trả tối thiểu 250.000 đồng/giờ hoặc 300.000 đồng/giờ tùy đối tượng. Đề án còn quan tâm những chính sách khích lệ đối với cơ sở tham gia đào tạo nghề; đối với cán bộ, công chức cấp xã...
 
Chất lượng và hiệu quả đặt lên hàng đầu 
 
Trước hết là công tác tuyên truyền phải khẳng định vai trò của đào tạo nghề là đem lại nhiều lợi ích đồng thời, từ tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững đến xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khu vực nông thôn. Theo đó, chính kế hoạch đào tạo hàng năm của các UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng phải gắn sát với thực tiễn những yêu cầu của thị trường lao động. Thực tế lâu nay, không ít lớp đào tạo ngắn hạn kết thúc đối tượng không có việc làm sau đào tạo vì nguyên nhân chính nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu ở địa bàn cư trú. Mặt khác, cũng do còn những chương trình chưa đạt được tính hữu dụng cao so với yêu cầu; một số người dạy chưa trở thành những chuyên gia tinh thông nghề mà chủ yếu lý thuyết suông. 
 
Những nhiệm vụ Đề án đặt ra rất quan trọng, vấn đề là quá trình thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát và sát hạch, thẩm định của các tổ chức chuyên môn, các đơn vị chức năng như thế nào? Đó là: “Tổ chức đào tạo cho lao động chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học; Các nghề đào tạo đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp...”. 
 
Để chất lượng và hiệu quả đào tạo thực chất còn là sự phối hợp giữa các ngành liên quan, đặc biệt là ngành LĐTB&XH và NN-PTNT. Tránh được lãng phí trong đào tạo, việc triển khai kết hợp lồng ghép linh hoạt giữa các chương trình, đề án, giữa các nguồn lực hỗ trợ cũng là những bài giải cần quan tâm thích đáng. Theo Đề án “Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020”, tổng kinh phí thực hiện là 67,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương 52,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 10 tỷ đồng và nguồn kinh phí khác 5 tỷ đồng. Trở lại việc trao đổi với Giám đốc Đỗ Quý Uy, ông cho rằng: Vấn đề chúng tôi quan tâm là có tiền rồi nhưng sử dụng kinh phí như thế nào để có hiệu quả. “Phải khắc phục những hạn chế đang tồn tại, phải kiểm tra kỹ, đó là trách nhiệm của Sở LĐTB&XH về mặt quản lý nhà nước”, ông Uy nhấn mạnh.
 
MINH ĐẠO