Đoàn kết, chung sức, đồng thuận là sức mạnh của phong trào thi đua

08:03, 24/03/2016

Năm 2015, cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng với tinh thần "Đồng thuận cao - Thi đua giỏi - Về đích sớm" đã hăng say thi đua lao động, sản xuất và công tác lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thi đua yêu nước năm 2015 trở thành phong trào tương đối toàn diện; trong đó nổi bật là phong trào thi đua trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Năm 2015, cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng với tinh thần “Đồng thuận cao - Thi đua giỏi - Về đích sớm” đã hăng say thi đua lao động, sản xuất và công tác lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thi đua yêu nước năm 2015 trở thành phong trào tương đối toàn diện; trong đó nổi bật là phong trào thi đua trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). 
 
Nông thôn mới ở Đức Trọng. Ảnh: VĂN BÁU
Nông thôn mới ở Đức Trọng. Ảnh: VĂN BÁU
Phong trào được đẩy mạnh, lan rộng
 
Trong năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn đưa kinh tế địa phương tiếp tục phát triển; GRDP (theo giá 2010) tăng 7,3; GRDP bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý. Phong trào thi đua trong xây dựng NTM được tổ chức triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, theo đúng phương châm gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng CNC, giảm nghèo bền vững được Trung ương đánh giá cao. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển, du lịch, dịch vụ có những chuyển biến tích cực với nhiều sản phẩm mới. Các chương trình, sự kiện của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI - năm 2015 được tổ chức thành công theo kế hoạch đã đề ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không để xảy ra các vụ việc phức tạp trở thành “điểm nóng”.
 
Các hoạt động và phong trào thi đua trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng; góp phần vào thành công của đại hội chi bộ, đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã tạo ra khí thế phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năng lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
 
 Để nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng công tác tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Trong đó, đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức được 12 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 1.318 cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở. Chuẩn bị điều kiện phục vụ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 250 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung trong đầu tháng 11/2015.
 
Xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng CNC, đạt hiệu quả kinh tế cao
 
Kết quả khen thưởng
1. Về khen thưởng bậc cao:
* Khen thưởng bậc cao: 
- Khen thưởng thành tích kinh tế - xã hội: 
+ Huân chương Lao động các hạng: 26 trường hợp. 
+ Huân chương Đại đoàn kết: 1 cá nhân.
+ Cờ thi đua của Chính phủ: 10 tập thể.
+ Bằng khen Thủ tướng Chính phủ: 100 trường hợp.
* Khen thưởng chính sách:
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: 1 phường (phường 11, thành phố Đà Lạt).
+ Khen thưởng thành tích cống hiến: 19 cá nhân.
+ Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: 49 cá nhân.
+ Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày: 14 cá nhân.
+ Khen thưởng thành tích kháng chiến: 138 huân, huy chương các hạng.
* Khen thưởng của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh:
- Cờ thi đua của UBND tỉnh: 75 tập thể
- Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc: 534 tập thể
- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh: 2.301 tập thể, cá nhân.
- Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh: 132 cá nhân.

Với chủ đề thi đua “Lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới” của ngành NN-PTNT đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; tổng giá trị sản phẩm của ngành tăng 7,4% so năm 2014; đưa giá trị sản phẩm thu hoạch năm 2015 trên một đơn vị diện tích (ha) bình quân đạt 145 triệu đồng/năm. Phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tiếp tục nhân rộng và có sự lan tỏa lớn trong sản xuất; đã khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức kinh tế tích cực mạnh dạn đầu tư để nâng cao giá trị và giá trị gia tăng nông sản hàng hóa; tăng thu nhập cho người dân gắn với xây dựng NTM. Thông qua phong trào xuất hiện nhiều mô hình mới áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao. Đó là mô hình chế biến nông sản rau, hoa của: Công ty TNHH Trường Hoàng, Trang trại Phong Thúy, HTX Anh Đào, Công ty An Phú Đà Lạt, Công ty BIOFRSH với doanh thu đạt từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng rau thủy canh CNC của Công ty Kim Bảng; mô hình trồng cam không hạt của gia đình ông Nguyễn Trọng Bình, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt… Các công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất giống, công nghệ tưới, các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và các công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất.

Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất giao rừng gắn với chương trình giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững. Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác trồng mới; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng; giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm, trồng lại rừng; tăng cường công tác trồng rừng mới, trồng bù, trồng cây phân tán; tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,5%. Đặc biệt, ngày 9/6/2015, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO, Langbiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Lâm Đồng cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới 
 
Năm 2015, Lâm Đồng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng phối hợp thực hiện chương trình NTM; chủ động lồng ghép chương trình xây dựng NTM với các chương trình, dự án khác và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đặc thù. 
 
Nhiều địa phương đã có những cách làm hay được sự đồng thuận của nhân dân tham gia hiến đất làm đường hoặc trường học. Tiêu biểu như hộ ông Điểu K’ Trang, thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên; hộ bà Rơ Ông K’ Thủy, thôn Păng Tiên, xã Lát, huyện Lạc Dương; hộ ông Nguyễn Kim Khuê, thôn Tân Trung, xã Tân Hà, hộ bà K’ Én, thôn R’Lâm, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà…; các huyện tiêu biểu như Đơn Dương, Đức Trọng. Từ thực tiễn những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo của Lâm Đồng trong xây dựng NTM đã khẳng định chủ trương đã và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cư dân nông thôn. 
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương và sự đồng thuận  hưởng ứng của nhân dân và các tổ chức của tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 43 xã/117 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia được công nhận xã NTM. Đơn Dương là huyện đầu tiên của khu vực Tây Nguyên và miền Trung đạt chuẩn và được Thủ tưởng Chính phủ công nhận huyện NTM; hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thành tích xuất sắc trên đây của nhân dân và cán bộ tỉnh Lâm Đồng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; và huyện Đơn Dương đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; có 7 tập thể và 6 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 49 tập thể, 27 cá nhân và 11 hộ gia đình...
 
Tăng cường vai trò của người đứng đầu
 
Năm 2016, năm tiếp tục đẩy mạnh chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng - Với tinh thần của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng của tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thuộc cấp mình. Tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng (trong đó có công tác tập huấn nghiệp vụ) có phương pháp để cho người học tiếp thu nhận thức được quan điểm, chủ trương của Đảng, những điểm mới của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng. Việc tổ chức phong trào thi đua phải thực hiện tốt ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư; cần khuyến khích, động viên khen thưởng các cá nhân như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, các cá nhân, hộ gia đình - nhân tố điển hình tiên tiến của phong trào thi đua ở cơ sở. 
 
Phát huy kết quả đạt được phong trào thi đua năm 2015, với tinh thần tiếp tục đổi mới, khí thế mới của đất nước hội nhập và phát triển; thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, chung sức, đồng thuận, phấn đấu thi đua với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương năm 2016.
 
LAN HỒ