Thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:03, 09/03/2016

Để giải quyết kịp thời khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc, các vùng, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xác định một số chỉ tiêu phấn đấu để đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số làm cơ sở hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.

Để giải quyết kịp thời khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc, các vùng, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xác định một số chỉ tiêu phấn đấu để đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm cơ sở hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
 
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh tuyên truyền về hạn chế sinh con thứ ba trở lên - Ảnh: PHAN NHÂN
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh tuyên truyền về hạn chế sinh con thứ ba trở lên - Ảnh: PHAN NHÂN

Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ gồm 8 nội dung được 189 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, trong đó có Việt Nam nhất trí phấn đấu đạt được gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Nâng cao sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác; Đảm bảo bền vững về môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển. Các mục tiêu trên cũng là phần cơ bản trong mục tiêu, nội dung các Nghị quyết của Đảng, chiến lược, chính sách, chương trình dự án của nước ta đã và đang thực hiện nhằm phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nói chung và phát triển toàn diện, giảm nghèo tại vùng đồng bào các DTTS nói riêng. Do vậy, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ cũng góp phần quan trọng thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục và các khía cạnh khác cho đồng bào các DTTS. 
 
Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ trương phát triển toàn diện vùng dân tộc năm 2016, giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo. 
 
Ông Bon Yo Soan - Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Để phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong vùng đồng bào DTTS cần xác định một số chỉ tiêu để tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực làm cơ sở phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
 
Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS sau năm 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 3-4%/năm nhằm phấn đấu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Phổ cập giáo dục tiểu học trên 80% vào năm 2020 và trên 85% vào năm 2025, quy định tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi và hoàn thành chương trình tiểu học. Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Tăng cường sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác. Đảm bảo bền vững về môi trường, phấn đấu tới năm 2020, có 90% tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và tới năm 2025, con số này sẽ đạt mốc 100%. 
 
Để đạt được những chỉ tiêu trên, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã đề ra những giải pháp như: Cụ thể hóa những mục tiêu trên vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của các sở, ban, ngành và các huyện, thành trên toàn tỉnh; đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành giữa các ngành và các địa phương để cùng thực hiện mục tiêu. Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ làm cơ sở hướng tới một số mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS. Huy động nguồn lực, tập trung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế... Tăng chi ngân sách hợp lý, đặc biệt là với các lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục; góp phần thực hiện và duy trì bền vững các mục tiêu trên, nhất là ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. 
 
Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS hiện nay được đánh giá là khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng đồng bào DTTS và vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, một số chính sách còn thiếu đồng bộ. Hiệu quả và tác động của chính sách còn chưa đạt yêu cầu. Việc phân công quản lý, chỉ đạo, điều hành một số chính sách còn chồng chéo. Bởi vậy để hướng đến hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững trong vùng đồng bào DTTS cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát chính sách từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu. Các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào các DTTS về bình đẳng giới, vệ sinh, môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục hướng tới giảm nghèo bền vững.
 
NGỌC NGÀ