Hiệu quả từ 10 năm quân dân y kết hợp

08:04, 11/04/2016

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 25/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác kết hợp quân dân y, dự án đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về an ninh chính trị của tỉnh.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 25/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác kết hợp quân dân y, dự án đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về an ninh chính trị của tỉnh.
 
Quân dân y kết hợp cứu hộ tại công trình Đạ Dâng - Đạ Chomo. Ảnh: V.BÁU
Quân dân y kết hợp cứu hộ tại công trình Đạ Dâng - Đạ Chomo. Ảnh: V.BÁU

Hình ảnh ấn tượng nhất về quân dân y kết hợp tại Lâm Đồng là việc huy động lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng thuộc xã Lát - huyện Lạc Dương từ ngày 16 - 19/12/2014 và đã giải cứu thành công 12 người mắc kẹt trong đường hầm bị sập. Hàng năm, vào mùa mưa bão, tại các vùng thường xảy ra lũ lụt như: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Quân y tỉnh Lâm Đồng đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ. BS Vũ Thanh Hương - Giám đốc TTYT Đạ Tẻh cho biết, từ năm 2010 đến nay, TTYT đã thực hiện kết nghĩa với Bộ Chỉ huy Quân sự huyện triển khai nhiều chương trình hoạt động đạt kết quả tốt, đây cũng là nét đặc biệt trong chương trình quân dân y kết hợp trong tỉnh.
 
Trong 10 năm qua, Ban Quân Dân y tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 10 đợt công tác (từ 2 - 4 đợt/năm) vào các dịp lễ lớn của đất nước, với những hoạt động như: Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; làm công tác dân vận... Qua đó, khám bệnh cho 18.652 người, tặng quà 5.860 suất, tổng số tiền 1,363 tỷ đồng. Các lực lượng Quân y phối hợp với ngành Y tế trong việc tuyên truyền, tổ chức các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và các tình huống khẩn cấp khác trong quân và dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng...
 
Đặc biệt, huyện Đam Rông là 1 trong 16 huyện nghèo của cả nước đã xây dựng Phòng khám Quân Dân y kết hợp khu vực Phi Liêng với 2 lực lượng quân và dân tham gia hoạt động theo mô hình quân dân y kết hợp. Tại Phòng khám đa khoa Quân Dân y kết hợp Phi Liêng có 20 giường bệnh, 183 loại trang thiết bị được đầu tư từ 3 nguồn (y tế công lập, dự án 30a, quân đội), một số trang thiết bị y tế hiện đại như: máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động, máy siêu âm 2D, máy điện tim, Xquang. Phòng khám Quân Dân y Phi Liêng hoạt động theo mô hình phòng khám đa khoa lồng ghép với Trạm y tế xã, có 1 phân trạm trực thuộc, có tổng số 19 cán bộ (quân y 5, dân y 14), trong đó 3 bác sĩ (2 dân y, 1 quân y). Ngoài nhân lực thường xuyên, Phòng khám Phi Liêng có 5 cán bộ quân y tăng cường (1 bác sĩ). Hàng năm, Phòng khám Quân Dân y kết hợp Phi Liêng tổ chức khám chữa bệnh cho khoảng 10.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú và ngoại trú cho khoảng 700 lượt bệnh nhân... Trong 10 năm qua, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho các chiến sĩ, Phòng khám Bệnh xá H32 trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tham gia khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn với tổng số khám, cấp cứu, điều trị cho trên 3.000 lượt người. 
 
Ban Quân dân y kết hợp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tính đến hết năm 2015, đã có 89 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt 60,5%. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y. Thực hiện công tác kết hợp quân dân y trong xây dựng y tế quân sự tại địa phương và hoạt động xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên và lực lượng huy động ngành Y tế, xây dựng lực lượng cơ động quân dân y, xây dựng Bệnh viện Dã chiến. Ban Quân dân y tỉnh đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn Địa lý y tế quân sự tỉnh Lâm Đồng năm 2011. Tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự và gọi công dân nhập ngũ, tuyển sinh. Các Trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp với cơ quan quân sự địa phương trong việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm, góp phần đảm bảo chất lượng công tác tuyển quân và giao quân theo quy định. 
 
Về nội dung kết hợp quân dân y trong lĩnh vực đào tạo nhân lực: Ngành Y tế đã tiếp nhận 105 bác sĩ về công tác tại địa phương trong 6 khóa đào tạo, huấn luyện và bổ túc chuyên môn tại các trường học, bệnh viện trong quân đội theo Đề án “Đào tạo 600 bác sĩ cho vùng Tây Nguyên” tại Học viện Quân Y, các bác sĩ này được phân công công tác tại các Trung tâm y tế và các trạm y tế trong tỉnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh của Lâm Đồng đã hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các y bác sĩ lực lượng vũ trang, đã giúp đào tạo 12 cán bộ thuộc lực lượng vũ trang về lĩnh vực cấp cứu, khám chữa bệnh, cận lâm sàng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Trường Trung cấp Quân y II và Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng đào tạo 5 khóa y tá thôn bản cho 214 lượt học viên. 
 
TS Phạm Thị Bạch Yến - Trưởng Ban Quân dân y tỉnh cho biết: Trong 10 năm qua, hoạt động kết hợp quân dân y đã đem lại nhiều kết quả tốt như: tổ chức Phòng khám Phi Liêng, Bệnh viện Dã chiến, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện khác, khám bệnh cho nạn nhân chất độc da cam, người nghèo, vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như: đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động quân dân y còn hạn chế; các trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho Bệnh viện Dã chiến chưa đáp ứng nhu cầu...
 
Đại tá Tôn Huy Vinh, Phó Trưởng Ban Quân dân y - Quân khu 7 cho biết: “Công tác quân dân y kết hợp đem lại hiệu quả, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, đến với người dân và các lực lượng vũ trang. Cần tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và tiếp tục gắn kết thêm các sở, ban, ngành với Sở Y tế và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng và các địa phương để xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Cụ thể như đến năm 2020 sẽ xây dựng xong, hoàn chỉnh các trang thiết bị, con người cho 3 xã gồm Sơn Điền, Tân Thượng (huyện Di Linh) và Đạ Chais - huyện Lạc Dương; sẵn sàng tăng cường công tác huấn luyện để đáp ứng, ứng phó tình huống xảy ra, như vụ sập hầm Đạ Dâng vừa rồi; trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng hoàn thành nhiệm vụ. Quân khu 7 xây dựng đề án phát triển mạng lưới quân dân y trong toàn quân khu, trong đó có lực lượng vũ trang, quân dân y kết hợp tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quân Dân y tỉnh Lâm Đồng xây dựng chương trình để thực hiện đề án này của quân khu và nội dung quan trọng từ nay đến 2020 là củng cố kiện toàn Ban Quân dân y của các tỉnh, hoàn chỉnh các Bệnh viện Dã chiến theo quy định”.
 
AN NHIÊN