Thay đổi thói quen canh tác vì môi trường xanh

09:04, 13/04/2016

Đạ Tẻh, vùng quê thuần nông của Lâm Đồng, bà con xưa nay sống với cây lúa, cây điều. Vấn đề vệ sinh môi trường, đồng ruộng cũng như sinh hoạt vốn còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp, bà con vẫn có thói quen để mặc bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bệnh cho cây trồng ngay bờ ranh hay thậm chí bỏ xuống sông, suối cho trôi đi. 

Đạ Tẻh, vùng quê thuần nông của Lâm Đồng, bà con xưa nay sống với cây lúa, cây điều. Vấn đề vệ sinh môi trường, đồng ruộng cũng như sinh hoạt vốn còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp, bà con vẫn có thói quen để mặc bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bệnh cho cây trồng ngay bờ ranh hay thậm chí bỏ xuống sông, suối cho trôi đi. 
 
Tại các xã xa thị trấn, nơi công ty vệ sinh môi trường chưa triển khai dịch vụ, rác thường để chất đống quanh thôn. Mọi việc nay đã thay đổi rất nhiều chính từ những hành động rất nhỏ của người nông dân. Ở đầu các bờ ruộng, bà con hò nhau đặt các bi cống làm nơi chứa rác thải sản xuất, khi nhiều thì đốt cho sạch. Tại nơi sinh hoạt, bà con gom rác về một địa điểm tập kết chung, một tuần xe của ngành vệ sinh môi trường sẽ xuống thu thập từ một tới hai lần. Tuy chưa đạt mức độ thu gom rác thải như mong muốn nhưng so với thời gian trước, lượng rác thải vung vãi đã giảm khá nhiều, riêng môi trường tại các khu trồng lúa, trồng màu được giữ gìn rõ rệt, cảnh rác thải bay trắng bờ ruộng đã giảm rất nhiều. Ở những khu dân cư xa hơn, nơi xe rác không tới được, Hội Nông dân vận động các gia đình đào hố chôn lấp rác tại sau vườn, giúp một phần rác thải sinh hoạt hóa mùn, giảm mùi, giảm gây hại cho môi trường. Đây là một trong những hoạt động rất hữu ích của người nông dân trong bảo vệ môi trường sống của chính bản thân họ. 
 
Nông dân trao đổi với cán bộ kỹ thuật Công ty Bayer về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Nông dân trao đổi với cán bộ kỹ thuật Công ty Bayer về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Hoạt động thu gom rác thải nông nghiệp hiện đã là hoạt động bình thường của nông dân  toàn Lâm Đồng. Từ vùng điều Đạ Huoai, vùng cà phê, chè Bảo Lâm, Bảo Lộc  hay Lâm Hà..., vấn nạn rác thải đều giảm rõ rệt. Vừa đưa khách thăm vùng cà phê Tân Thanh, Lâm Hà, ông Hoàng Đông Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh vừa chia sẻ, gần như toàn bộ số vườn cà phê đều sạch bóng rác, nhất là rác bao bì nông nghiệp. Ông Cường bảo, nông dân bây giờ cũng ý thức được, làm sạch vườn cũng là bảo vệ sức khỏe của chính họ nên bà con rất tích cực giữ vệ sinh. Không chỉ có vậy, nông dân còn chủ động bảo vệ nguồn sông suối, như bà con Xuân Trường, Trạm Hành bảo vệ suối chảy từ nguồn xuống Đức Trọng; nông dân phường 12, phường 8, phường 9, Đà Lạt bảo vệ đầu nguồn Cam Ly. Việc xả rác thải nông nghiệp xuống sông, suối đã được cải thiện rất nhiều. 
 
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, nông dân đúng là xưa nay ít chú ý tới chuyện môi trường, thói quen sản xuất còn khá tùy tiện. Tuy nhiên, càng ngày bà con càng quan tâm tới  việc bảo vệ môi trường và hoạt động này chủ yếu do tuyên truyền để thay đổi nhận thức. Bà Vi cho biết thêm: “Thực tế mà nói thì tiền dành cho các dự án môi trường nông thôn rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi xác định bảo vệ môi trường là một chỉ tiêu hoạt động của Hội và thường xuyên tuyên truyền cho hội viên về các hoạt động bảo vệ môi trường. Thay đổi nhận thức, bà con sẽ thay đổi hành vi và với những chi phí rất nhỏ như đặt bi cống, vấn đề thu gom rác thải sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt đạt kết quả rất đáng kể”. Bà Vi cũng cho hay, trong quá trình đào tạo, tập huấn nghề cho hội viên, các kỹ thuật sản xuất rau hoa, chè, cà phê, điều... đều chú trọng tới việc sử dụng thuốc, phân bón, vệ sinh đồng ruộng theo tiêu chuẩn bền vững. Và từ đó, việc bảo vệ môi trường được nông dân thấu hiểu, thực hiện vì chính lợi ích của bản thân và cộng đồng. Với tổng số trên 150 ngàn hội viên, với việc thay đổi nhận thức trong sản xuất, người nông dân sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ một môi trường bền vững.
 
DIỆP QUỲNH