Mở rộng liên kết trong đào tạo

09:04, 25/04/2016

Bên cạnh mở các lớp nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện trong tỉnh để đào tạo tại chỗ, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng còn liên kết với các đại học trong nước để đào tạo liên thông bậc đại học.

Bên cạnh mở các lớp nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện trong tỉnh để đào tạo tại chỗ, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng còn liên kết với các đại học trong nước để đào tạo liên thông bậc đại học.
 
Hướng dẫn sinh viên du lịch thực hành tại trường
Hướng dẫn sinh viên du lịch thực hành tại trường

Đào tạo nghề tại chỗ
 
Nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật (KTKT) Lâm Đồng niên học này có trên 2.000 sinh viên, học sinh (SV, HS) đang theo học tại 2 hệ trung cấp và cao đẳng trong 8 nghề chính: điện - điện tử; công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, kế toán, tiếng Anh, tin học, quản trị - hướng dẫn du lịch và nhà hàng khách sạn. Trường có cơ sở vật chất khá tốt (trên 40 phòng học), đội ngũ giáo viên tích cực và khá năng động (gần 100 cán bộ, giáo viên, giảng viên, công nhân viên với trên 50% giáo viên đứng lớp có trình độ thạc sỹ, 1 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh), công tác tuyển sinh hằng năm tốt nên trung bình mỗi năm có khoảng 600 - 800 sinh viên, học sinh đăng ký học. Không chỉ là người trong tỉnh, nơi đây còn có rất đông SV, HS ở các tỉnh lân cận, trong khu vực Tây Nguyên theo học.
 
Bên cạnh các lớp học chính quy tại trường, lâu nay Trường Cao đẳng KTKT Lâm Đồng còn mở các lớp liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện trong tỉnh để đào tạo nghề tại chỗ. Hiện trường đang liên kết với 4 Trung tâm ở huyện gồm Bảo Lâm, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà để tổ chức các lớp. Học viên chủ yếu là học sinh hoàn thành bậc trung học cơ sở muốn chuyển sang học nghề cùng một số cán bộ công tác ở cơ sở xã, phường. 
 
Theo ông Trần Đăng Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KTKT Lâm Đồng, đăng ký học nghề tại huyện có nhiều mặt rất thuận lợi cho học viên. Trước nhất là tiết kiệm được chi phí khá nhiều, thay vì phải học tập trung tại Đà Lạt, thuê chỗ ăn ở đi lại; học ở huyện gần nhà, tiết giảm được nhiều chi phí, đặc biệt là cho những trường hợp gia đình khó khăn, học viên có thể theo chương trình nhưng vẫn phụ giúp công việc gia đình được trong thời gian rảnh. 
 
Để thu hút học viên ở các huyện, trường chú ý đến các ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động thực tiễn đang cần tại địa phương. Trong ngành điện - điện tử là sửa chữa điện dân dụng, thiết bị đồ dùng điện trong gia đình, cách vận hành an toàn lưới điện công nghiệp tại các doanh nghiệp, bảo trì điện… Trong du lịch là nghề hướng dẫn viên du lịch, nghề chế biến món ăn, cách tổ chức bếp ăn, kỹ thuật nấu ăn cho các bữa tiệc đông người, nhà hàng khách sạn, các quán ăn, nấu ăn với thang dinh dưỡng cho học sinh ở các trường bán trú... Trong nông nghiệp là cách chăm sóc, cắt tỉa cây trồng, kỹ thuật nuôi cấy mô, ghép giống cây... để khi học xong, người học có thể làm việc cho các vườn ươm, các cơ sở sản xuất...
 
Trung bình mỗi năm, Trường Cao đẳng KTKT Lâm Đồng đào tạo từ 300 - 500 học viên các lớp nghề ở các huyện. Trong đào tạo nghề, nhà trường luôn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng đến các kỹ năng nghề nghiệp cho học viên.
 
Liên thông bậc đại học
 
Bên cạnh mở các lớp nghề ở huyện, những năm gần đây, Trường Cao đẳng KTKT Lâm Đồng còn liên kết với các trường đại học trong nước để đào tạo liên thông bậc đại học. Việc liên thông này nhằm đáp ứng nhu cầu học lên bậc đại học của nhiều SV, HS của trường hiện nay. 
 
Hiện nhà trường đang liên kết với nhiều đại học trong nước như Đại học Đà Lạt, Đại học Nha Trang, Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng TP HCM, Đại học Huế... liên kết đào tạo cho tất cả các ngành mà trường đang đào tạo. HS từ trung cấp muốn liên thông lên bậc đại học phải học thêm 2,5 năm, từ bậc cao đẳng liên thông lên đại học mất 1,5 năm. Theo ông Hải, mỗi năm trung bình có khoảng 200 SV, HS sau khi tốt nghiệp liên thông lên bậc đại học, đông nhất vẫn là các ngành kinh tế, kế toán... 
 
Điểm thuận lợi trong liên thông đại học là SV, HS của trường sẽ học ngay tại Đà Lạt. Các trường đại học trong nước sẽ cử giảng viên đến trường dạy tại chỗ, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho người học. Bên cạnh liên thông các ngành kinh tế như lâu nay, trường sẽ đẩy mạnh việc liên thông đào tạo các ngành kỹ thuật. 
 
Cùng đó, một hướng mới mà Trường Cao đẳng KTKT Lâm Đồng đang hướng đến gần đây là đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động sang các thị trường có yêu cầu cao về nhân lực như Hàn Quốc, Nhật Bản... Hiện trường đã liên kết thành lập một trung tâm dạy Nhật ngữ tại đây để dạy cho SV, HS. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho SV, HS nâng cao kỹ năng nghề nghiệp lẫn học ngoại ngữ và thực hành ở trường để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài cần” - ông Hải cho biết.
 
Để là một trường cao đẳng hàng đầu hiện nay tại Lâm Đồng, theo ông Hải, nhà trường đang rất cần được đầu tư thêm nhiều hạng mục như hệ thống sân chơi, bãi tập thể dục, một nhà thi đấu để tổ chức các hoạt động TDTT. Trường cũng đề nghị tỉnh xem xét cấp đất vùng ngoại ô quanh Đà Lạt để làm một vườn thực nghiệm nông nghiệp cùng phát triển cơ sở thực hành về công nghệ sinh học.
 
VIẾT TRỌNG