Phát huy vai trò công tác dân vận trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Đức Trọng

09:05, 17/05/2016

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" của huyện Đức Trọng đã góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Trung tuần tháng 4/2016, trong chuyến công tác làm việc với Huyện ủy Đức Trọng, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận TW đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác dân vận của Đảng, của chính quyền, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện Đức Trọng, đã góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
 
Đức Trọng là một trong bốn địa phương trọng điểm kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: VĂN BÁU
Đức Trọng là một trong bốn địa phương trọng điểm kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: VĂN BÁU

Tại buổi làm việc với Trưởng ban Dân vận TW Trương Thị Mai, đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết, xuất phát từ nhận thức: Công tác dân vận, “Dân vận khéo” đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, bởi Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mà muốn được “dân liệu” thì phải làm tốt công tác dân vận để tạo sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân. Từ nhận thức đó, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Đức Trọng chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, các xã không ngừng củng cố, kiện toàn bộ máy cả về chất lẫn lượng, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, để tổ chức triển khai thực hiện NQ 7 của BCH TW Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; về công tác tôn giáo; về công tác dân tộc; tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Đồng thời thực hiện hiệu quả NQ 25/NQ-TW của BCHTW Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. 
 
Cùng với đó, triển khai thực hiện đạt kết quả công tác dân vận của chính quyền theo tinh thần QĐ 217, 218/QĐ-TW của BCT về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị”, Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận chính quyền, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN-TTATXH. Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác dân vận để tạo sự đồng thuận xã hội trong mọi lĩnh vực CT-KT-XH, góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Tích cực tham gia phát triển kinh tế, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK theo các chương trình 33, 134, 135. Tuyên truyền, vận động bà con giáo dân, dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tích cực lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Đặc biệt, trong thực hiện công tác dân vận của Đảng, của chính quyền, BTV Huyện ủy Đức Trọng đã chỉ đạo Ban Dân vận các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, nhất là trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Theo đó, cán bộ dân vận các cấp đã sâu sát thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và những yêu cầu bức thiết của thực tế tại các địa phương cơ sở để đầu tư phát triển KT-XH có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, các công trình phúc lợi xã hội theo phương châm “Nhân dân đầu tư công trình, Nhà nước hỗ trợ”, “Dễ làm trước, khó làm sau” trên cơ sở có sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất, quyết định của nhân dân. Bằng cách làm đó, hơn 5 năm qua, huyện Đức Trọng đã vận động nhân dân thực hiện thành công chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc: Chuyển diện tích lúa một vụ sang trồng rau, hoa công nghệ cao, tái canh cà phê giống cũ sang ghép chồi, trồng mới giống cà phê cao sản Robusta, catimo. Đến nay, toàn huyện có 3.022,85ha rau hoa công nghệ cao và 17.812ha cà phê (có khoảng 20% đã tái canh), trong đó có 15.939ha đã cho kinh doanh ổn định, với năng suất bình quân 29,9 tạ/ha. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng phúc bồn tử của ông Bùi Trung Quân (Bắc Hội, Hiệp Thạnh) đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng ớt sừng, ớt ngọt của các ông Nguyễn Thành Chung (Kim Phát, Bình Thạnh), Võ Thái Hiệp (Tân Trung, Tân Hội) cho thu nhập 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao của đoàn viên Nguyễn Hữu Bình (Phú Trung, Phú Hội) được Ban Dân vận Tỉnh ủy biểu dương; mô hình nuôi ong sữa, nuôi heo trang trại lạnh của các ông Nguyễn Bá Kinh (Thanh Bình 3, Bình Thạnh), Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Quốc Vinh (Thanh Bình 1, Bình Thạnh), Nguyễn Bá Cư (Tản Đà, Tân Hội) cho thu nhập 120 triệu - 1 tỷ đồng/năm... Hoặc như hàng chục, hàng trăm hộ tình nguyện hiến đất làm đường GTNT, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đã làm dấy lên phong trào thi đua “Chung tay xây dựng NTM” như: Thôn Phú Cao, xã Tà Hine nhân dân hiến 3.600m 2; thôn An Ninh, xã Liên Hiệp nhân dân hiến 4.200m 2; thôn R Chai, xã Phú Hội nhân dân hiến 6.500m 2… Nhiều mô hình điển hình tiêu biểu khác trong phong trào BVANTQ, trong xây dựng văn hóa ở khu dân cư, trong vay vốn, thực hành tiết kiệm, trong xây dựng các tuyến đường “xanh-xạch-đẹp”, trong xây dựng TCCS Đảng, hệ thống chính trị TSVM... đã phát huy vai trò to lớn trong đời sống CT-KT-XH.
 
Nhờ vậy, những năm qua, huyện Đức Trọng luôn giữ vững vị trí là 1 trong 4 địa phương trọng điểm KT-XH của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong hơn 5 năm (từ năm 2010 đến tháng 3/2016) đạt 15,07%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,94%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 2,17%; tỷ lệ thôn, TDP văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đạt trên 83-90%, hộ gia đình văn hóa trên 90%, QP-ANCT-TTATXH luôn được giữ vững, ổn định. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng đã có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, 3 xã sẽ hoàn thành tiêu chí NTM vào năm 2016 để đề nghị TW công nhận Đức Trọng là huyện NTM vào cuối năm 2016, đồng thời nâng cấp huyện thành thị xã trong thời gian gần đây.
 
HOÀNG KIẾN GIANG