Thị trấn trên chiến khu xưa

09:05, 17/05/2016

Cứ mỗi lần từ Đạ Huoai lên dốc Ma Thiên Lãnh đổ xuống Đạ Tẻh, tôi cứ hình tượng một không gian trầm lắng. Nơi ấy, bà con ở ba miền đi kinh tế mới vào đây sống trong muôn vàn khốn khó. Rồi từ chiến khu giữa rừng già trở thành phố thị, vùng nông thôn mới.

Cứ mỗi lần từ Đạ Huoai lên dốc Ma Thiên Lãnh đổ xuống Đạ Tẻh, tôi cứ hình tượng một không gian trầm lắng. Nơi ấy, bà con ở ba miền đi kinh tế mới vào đây sống trong muôn vàn khốn khó. Rồi từ chiến khu giữa rừng già trở thành phố thị, vùng nông thôn mới. Đó cũng là kết quả từ mồ hôi và nước mắt của hai anh em Kinh Thượng trong thời bình.
 
Chủ xe người Mạ
Chủ xe người Mạ

Ở Lâm Đồng, những người chưa có dịp đến phía Nam của tỉnh, họ có thể hình tượng các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh là vùng hoang vu hiểm trở, nhưng khi xuống hết dốc Ma Thiên Lãnh vượt qua cầu Đạ Tẻh là phố xá đường rộng nhà tầng, người và xe xuôi ngược. Nhìn phố thị sầm uất ngày nay, không phải nhiều người trong chúng ta ai cũng biết rằng, vào năm 1958 trên bản đồ quân sự của chế độ cũ ghi hàng chữ “khu Mạ hoang”. Và chính vùng đất vô danh trên bản đồ không ảnh kia là các căn cứ cách mạng. Nơi ấy là hành lang chạy dọc các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, còn được gọi là vùng 3 sau này là K4. Từ giữa năm 1976, thực hiện chủ trương của tỉnh, Đạ Tẻh được chọn là khu kinh tế mới tiếp nhận dân từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp. Trải qua nhiều đợt di dân, hiện nay huyện Đạ Tẻh có 47.827 người, với diện tích 527,9km 2, gồm 1 thị trấn và 10 xã. 
 
Chị Tạ Thị Ngọc Hiền - một cựu sĩ quan quân đội, người đã sống ở Đạ Tẻh trên 20 năm dẫn tôi đi một vài địa danh huyện mới. Lúc trở về, chị nói: “Muốn biết lịch sử vùng này nên gặp già làng K’Oanh, một cán bộ người Mạ bản địa”. Tìm nhà ông K’Oanh không khó, tuy ở mặt phố nhưng ông trồng một cây xoài to. Ông K’Oanh sinh năm 1940 tại buôn Đạ Kla (trung tâm thị trấn ngày nay), tham gia cách mạng 1960, ông là một trong những giao liên cừ khôi nhất ở Nam Tây Nguyên. Có người nói nếu cộng hết chuyến đi trong đời làm giao liên của ông thì gấp mấy lần từ Sài Gòn ra Hà Nội. Sau khi thôi làm giao liên, ông trở thành trung đội trưởng du kích vùng 3. Đến năm 1987, ông mang hàm Trung tá, Phó Chỉ huy chính trị huyện đội cho đến ngày nghỉ hưu. 
 
Khi chúng tôi đến, ông Trung tá già mang bình trà ra gốc xoài tiếp khách. Ông kể: “Đạ Tẻh thay đổi đến mức mình không tưởng nổi. Thời chiến tranh, từ đây ra đường dầu (QL20) phải mất 2 ngày, bây giờ chỉ mất hơn tiếng đồng hồ. Còn nếu nói ở sóc Bom Bo người Stiêng giã gạo nuôi quân góp sức góp công cho kháng chiến, thì các chị em người Mạ ở Đạ Tẻh vào đầu năm 1975 chỉ trong hai tuần lễ đã giã 1.500 gùi lúa phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lâm Đồng cũ. Cũng vào đầu năm 1975, thực hiện chủ trương khôi phục và mở đường từ vùng 3 lên đồi B’Rá (Bảo Lâm) để đặt trọng pháo, cũng chỉ trong hai tuần bà con người Mạ đã hoàn thành con đường dài 12km, rồi dùng sức người kéo hai khẩu pháo 130 ly và hàng trăm quả đạn đến trận địa góp phần mở đường chiến dịch. Cũng chính con đường này trở thành đường hành quân cho Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7. Bây giờ gọi là tỉnh lộ 725 rộng đẹp, chứ ngày xưa gian khổ lắm”. 
 
Đến khi từ biệt, ông Trung tá già tiễn khách ra cửa cầm tay lắc lắc “Bà con người Mạ của mình bây giờ có nhiều nhà xây ở phố rồi. Đây là nhà bà Ka Ló, kia là nhà ông K’Lỏi...”. Ông chỉ tay giới thiệu hướng nhà trong niềm vui của người già đã qua một thời hoa lửa.
 
Ông linh mục ở vùng kinh tế mới
 
Đầu năm 2016 về lại Đạ Tẻh, ghé UBND huyện, được gặp ông Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Việt, 45 tuổi. Ông cho biết: “Ở huyện mình, ngoài chú Sáu là một trong những người lãnh đạo đầu tiên có nhiều quyết sách táo bạo thời chân trần đi mở đất, còn có linh mục Dương Công Hồ cũng là một trong những người có công lớn trong việc vận động giáo dân xây dựng nông thôn mới. Các anh nên ghé thăm và hỏi thêm. Chắc chắn có thêm nhiều sự kiện thú vị”. Ông Việt còn điện thoại giới thiệu tôi với linh mục Hồ.
 
Buổi chiều, tôi được linh mục dẫn đi dạo trong khuôn viên giáo đường. Cha Hồ chậm rãi kể: “Năm 1978, khi mới 22 tuổi, còn ở Ðại chủng viện Minh Hòa, mình tình nguyện đi thanh niên xung phong khai hoang theo lời kêu gọi của Tỉnh Đoàn Lâm Ðồng tại vùng sâu Tà Hine, Tà Năng. Năm 1992 thụ phong linh mục rồi được cử đi học chuyên ngành phát triển cộng đồng ở Philippines. Đến 1998 được phân công về Đạ Tẻh, lúc ấy là vùng kinh tế mới đời sống bà con còn rất khó khăn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, năm 2006, nhà thờ đứng ra thành lập hợp tác xã mang tên Hiệp Nhất sản xuất và kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu từ lâm sản phụ như mây, tre. Sau ba năm đi vào hoạt động, Hiệp Nhất đã trở thành đối tác cung cấp hàng thủ công mỹ nghệ cho nhiều công ty xuất khẩu lớn”.
 
Được hỏi về ý nghĩa Hiệp Nhất, ông giải thích: “Khi đặt tên cho hợp tác xã, chúng tôi muốn cơ sở này là nơi mà tất cả mọi người cùng nhau lao động, cải thiện cuộc sống”.
 
Để chứng minh thành quả của xứ đạo mình, Cha Hồ dẫn tôi thăm các cơ sở của giáo hạt. Điểm đầu tiên là ngôi trường tiểu học tư thục mang tên Việt Anh. Đó là ngôi trường sạch, đẹp 3 tầng tọa lạc gần cánh đồng ruộng, cách đường liên tỉnh lộ 725 vài trăm mét. Đứng trước sân trường rộng thênh thang, ông huơ huơ tay nói: “Tiền thân nơi đây là ngôi trường mẫu giáo. Năm 2012 mới chuyển lên cấp 1 với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2014 - 2015. Trường hiện có gần 100 học sinh, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số đều được trường miễn học phí và phần lớn tiền ăn”.
 
Ngoài cơ sở gia công và các công trình phúc lợi văn hóa trong thị trấn, ông còn có dự án trồng chuối đang được triển khai tại buôn Đạ Nha nhằm hỗ trợ cho cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây phát triển sinh kế lâu dài. Trên đường vào buôn đã thấy chuối, những vạt đất với vườn điều giã cỗi thưa thớt nay đã thay bằng màu xanh của loại cây ăn quả này.
 
Cánh đồng lúa An Nhơn
Cánh đồng lúa An Nhơn

Ký ức của người đi mở đất
 
Bảy giờ sáng, tôi tìm đến nhà riêng nguyên Bí thư Huyện ủy Trương Văn Sáu. Đó là ngôi nhà Thái nhỏ nhắn, trước cổng là giàn hoa tím. Ông Sáu gốc Đồng Tháp, nhưng sống và công tác ở Đạ Tẻh từ năm 1970 đến lúc về hưu. Ông có vóc người xương xương, nói năng nhỏ nhẹ nhưng có giọng cười thoải mái của dân Nam Bộ. 
 
Khi được hỏi về “thời xa vắng”, ông xoay xoay ly trà nóng, nhíu mày chép miệng “Việc lãnh đạo huyện kinh tế mới giống như cặp vợ chồng ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Lúc ấy, bà con từ các nơi nườm nượp kéo đến. Việc bố trí thế nào để bà con tồn tại là một bài toán. Có dân rồi giữ được dân bám trụ nơi mới lại càng quyết liệt hơn. Sau năm 1986, bà con các nơi tiếp tục kéo đến trong khi huyện mới thành lập, kinh phí dự phòng chưa có nên nhiều lúc lãnh đạo địa phương cũng mất ăn mất ngủ. Công việc đầu tiên lo giải quyết là nguồn điện, theo dự toán trên 2 tỉ đồng. Tỉnh đành cho chủ trương bán trụ sở ủy ban huyện trị giá 670 triệu đồng cho Sở Giáo dục - Đào tạo để có nguồn kinh phí kéo điện, huyện vay thêm ngân hàng đến bây giờ còn nợ 500 triệu chưa trả được. Đồng thời, từ trụ sở ấy, Sở GD-ĐT thành lập trường dân tộc nội trú cho các huyện phía Nam. UBND huyện chuyển qua làm việc chung trụ sở với Huyện ủy. Có điện rồi quay sang lo cái ăn cho bà con bằng cách phát triển công trình thủy lợi, có ăn rồi lại lo làm chợ, huyện đuối sức phải tìm cách xoay xở, tận dụng nguồn vốn nhân dân mà không vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng”. 
 
Ông Sáu vẫn xoay xoay ly trà, ông đưa lên đưa xuống mấy lần nhưng không uống nổi. Có lẽ, cả một thời gian khó từ những năm đầu lại trở về trong ông. Buổi sáng khí trời Đạ Tẻh khá lạnh, gió từ các khu vườn, ruộng thoang thoảng thổi về, ông vào nhà mang thêm chiếc áo khoác, tiếp tục: “Bà con dân tộc Mạ trên dưới 5.000 người từ các buôn Đạ Kla, buôn Gô, Đăng Mít, Bà Sar, Kon Oh... là những người một thời theo cách mạng tiếp tế nuôi quân, tải đạn... Thời bao cấp tỉnh mình phát không sổ gạo tem phiếu cho bà con, sau này khi Nông trường Hà Giang giải tán cũng giao lại hết cho bà con từ ruộng đến trâu bò tiếp tục canh tác. Tuy nhiên, thời ấy, bà con không quen trồng lúa nước nên chính quyền phải tổ chức cày bừa gieo hạt để bà con thu hoạch, nhưng sau đó bà con lại bán, rủ nhau về lại buôn Tố Nha, Tố Lang, Kon Oh trong rừng. Sau này chính quyền xây dựng buôn làng mới với diện tích 500ha tại xã Đà Pan, trồng sẵn cà phê để cho bà con chủ động cơm áo”. 
 
Để chứng minh việc thay đổi ở huyện mới, ông Sáu dẫn tôi đi vòng quanh thị trấn. Đến đâu, từ người Kinh cho đến bà con dân tộc thiểu số, ai cũng vui vẻ tiếp ông. Ông K’Lái ôm ông hỏi: “Anh Sáu nhớ năm 1972, tôi với anh đi cày bằng máy không! Ngày ấy, anh là người lái chiếc máy cày đầu tiên ở khu công doanh Đạ Tẻh, bây giờ anh cũng là người xây dựng vùng đất này trở thành phố thị. Anh đúng là người bí thư của Kon Duôn (người Kinh) và Kon Chao (người dân tộc thiểu số) ở đây rồi”. 
 
 * * *
 
Rời Đạ Tẻh vào buổi chiều mùa khô gió lộng, tôi đứng trước cánh đồng 600 mẫu trồng lúa cao sản KC06-1 và nếp quýt ở xã An Nhơn. Trong tâm thức tôi cứ chập chờn hình ảnh những người tha hương năm xưa nay trở thành những ông, bà chủ. Tôi nhớ đến Trung tá K’Oanh, K’Lái, ông Sáu bí thư, linh mục Hồ rồi các vị lãnh đạo trẻ như Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Việt. Lớp trẻ bây giờ ban đêm phóng xe máy dưới bóng đèn cao áp ở vùng căn cứ cách mạng xưa, trong các em có ai còn nhớ nơi đây được gọi là vùng Mạ Hoang sau này xuất hiện những đoàn người đi kinh tế với nước da xanh xao cố vượt qua dốc Ma Thiên Lãnh ngày nào.
 
Phóng sự: Trần Đại