Để nhiệm vụ trồng rừng 2016 hoàn thành

08:06, 14/06/2016

Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Lâm Đồng tối thiểu đạt 55%. Đây là mục tiêu đặt ra, theo đó UBND tỉnh đã có Văn bản số 2102/UBND-LN ngày 21/4/2016 chỉ đạo các sở NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT, TN&MT, các chủ rừng phối hợp xây dựng kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2016-2020. Nhưng ngay năm đầu của kế hoạch này đặt ra liệu có hoàn thành như đã định?

Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Lâm Đồng tối thiểu đạt 55%. Đây là mục tiêu đặt ra, theo đó UBND tỉnh đã có Văn bản số 2102/UBND-LN ngày 21/4/2016 chỉ đạo các sở NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT, TN&MT, các chủ rừng phối hợp xây dựng kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2016-2020. Nhưng ngay năm đầu của kế hoạch này đặt ra liệu có hoàn thành như đã định?
 
Năm 2016, ưu tiên trồng rừng phòng hộ
Năm 2016, ưu tiên trồng rừng phòng hộ

Khởi đầu một giai đoạn mới
 
Năm 2016 là năm khởi đầu kế hoạch 5 năm (2016-2020), đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai xong tổng điều tra kiểm kê tài nguyên rừng; Đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT và Kế hoạch hành động REDD+ đã được phê duyệt và đang triển khai... Đồng thời tổ chức trồng rừng trên 3 đối tượng rừng, trong đó ưu tiên đối tượng rừng phòng hộ. 
 
Từ thực tế trên và căn cứ phân bổ chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT, kế hoạch trồng rừng năm 2016 của Lâm Đồng có tổng diện tích 3.350 ha. Bao gồm, trồng rừng phòng hộ từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ 50 ha; trồng rừng sản xuất 1.240 ha; trồng rừng thay thế 2.059 ha. Tuy nhiên, Chi cục Lâm nghiệp (CCLN) cho biết, do nguồn vốn hỗ trợ quá thấp, khả năng thành rừng và đảm bảo chất lượng không cao; thực tế năm 2015, các đơn vị chủ rừng gặp khó khăn khi triển khai nên chỉ đạt 55% (113 ha/205 ha). Vì vậy, tỉnh không phân bổ chỉ tiêu triển khai hạng mục 50 ha trồng rừng phòng hộ năm 2016. Về rừng sản xuất phải trồng, có 200 ha trồng lại rừng sau khai thác trắng và 1.040 ha là diện tích của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thuê đất trồng rừng; các hộ gia đình nhận khoán đất lâm nghiệp trồng rừng. Đối với trồng rừng thay thế, chiếm tỷ lệ lớn nhất: 61,5% chỉ tiêu trồng rừng Bộ NN&PTNT giao cho tỉnh. Trong đó, thay thế diện tích chuyển sang xây dựng công trình thủy điện 1.974 ha; thay thế diện tích chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng của 23 dự án thuê đất thuê rừng đầu tư 85 ha. 
 
Sau khi UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu, đầu năm 2016, CCLN đã tham mưu Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chủ rừng trồng rừng thay thế công trình thủy điện triển khai các khâu như cây giống, hiện trường, hồ sơ thẩm định,... Đến nay, theo dự kiến có 14 đơn vị chủ rừng tham gia trồng rừng thay thế với tổng diện tích điều chỉnh 599,32 ha; đã thẩm định hồ sơ với diện tích 518,22 ha; đạt 86,46% so với kế hoạch. Riêng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên không thực hiện. 
 
Đối với diện tích trồng rừng thay thế diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: công trình thủy điện; khai thác khoáng sản; bố trí đất sản xuất, đất ở cho hộ dân; các công trình công cộng và xây dựng các hạng mục công trình dự án đầu tư của các DN thuê đất, thuê rừng. Hạng mục này liên quan đến công tác rà soát của 6 Hạt Kiểm lâm: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đà Lạt và Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên, đến nay, cũng theo CCLN, chỉ mới nhận được báo cáo của Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm và 2 Hạt Kiểm lâm Đức Trọng và Bảo Lâm. Vì vậy, “Chưa tổng hợp và đề xuất Sở NN&PTNT số liệu và giải pháp cụ thể triển khai trồng rừng thay thế”. Với 1.240 ha trồng rừng sản xuất, chỉ tiêu 200 ha trồng lại sau khai thác trắng, CCLN đang đôn đốc 7 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp triển khai với diện tích 218,43 ha. Phần còn lại 1.040 ha thuộc các DNTN thuê đất thuê rừng và hộ dân trồng rừng sản xuất đến nay chưa báo cáo kết quả. 
 
Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc
 
Trong năm 2016, để hỗ trợ cho hoạt động trồng rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng từ các nguồn vốn, CCLN tiếp tục thực hiện triển khai Đề án giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2013 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định 2571/QĐ-UBND ngày 01/10/2008 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Chi cục này cho biết hiện còn vướng mắc ở tài chính và quỹ đất. Vì vậy, diện tích trồng rừng thay thế công trình thủy điện chủ yếu là diện tích phải trồng rừng thay thế của Công ty thủy điện Đồng Nai (CTTĐ ĐN) cho công trình thủy điện Đồng Nai 3 và 4 với tổng diện tích 2.401,19 ha. Năm 2015, CTTĐ ĐN nộp 61,829 tỷ đồng về Quỹ BV&PTR và UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch trồng rừng thay thế cho 20 đơn vị chủ rừng, phê duyệt dự án lâm sinh trồng rừng tương ứng diện tích 729,89 ha. Diện tích còn lại phải thực hiện tiếp là 1.671,31 ha. Theo Thông tư 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2015 của Bộ NN&PTNT quy định, diện tích này chỉ thực hiện trên rừng phòng hộ và đặc dụng. Nhưng căn cứ kết quả kiểm kê tài nguyên rừng tỉnh Lâm Đồng năm 2014 thì diện tích đất trống thuộc đối tượng này manh mún, rải rác không liền vùng liền khoảnh và nằm ở địa hình khe sâu, đất lấn chiếm nương rẫy. CCLN cho rằng, khả năng trồng rừng thay thế tập trung vì vậy không khả thi. Nếu không trồng rừng trên đối tượng rừng sản xuất thì việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng thay thế ngay trong năm 2016 sẽ khó thực hiện. Hơn nữa, với diện tích phải tích cực thiết kế để triển khai ngay trồng rừng cần thêm 1.059,5 ha nên sẽ không kịp hoàn thành hết trong năm 2016. 
 
Đối với hạng mục trồng rừng sản xuất là rừng trồng kinh tế, trồng cây cao su, cần đôn đốc các chủ rừng rà soát và triển khai hướng dẫn hộ dân trồng rừng theo chính sách khoán rừng Nghị định 135. Theo đó, cần khắc phục những tồn tại đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Đối với hộ dân, Sở NN&PTNT cần chỉ đạo triển khai các nội dung lập kế hoạch hỗ trợ. Các DNTN thuê đất thuê rừng cần nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo trồng rừng của các dự án đầu tư. Mặt khác, các Hạt Kiểm lâm phải nâng cao năng lực và trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát chỉ tiêu trồng rừng, kiên quyết tham mưu đối với những DN không thực hiện tiến độ trồng rừng theo Giấy chứng nhận đầu tư để UBND tỉnh thu hồi dự án...
 
MINH ĐẠO