"Dũng sĩ thời bình" ở Cát Tiên

09:06, 23/06/2016

Năm 2015 nhân họp đồng hương Quảng Ngãi ở huyện Cát Tiên, tôi gặp được vợ chồng Nguyễn Trần Diệu - Minh Ánh Ngọc là võ sư, nên có ý định đến nhà thăm chơi, nhưng phải đi theo đoàn nên không thể. Trên chuyến xe về, được anh em cho biết, gia tộc anh Diệu có 4 đời theo nghiệp võ.

Năm 2015 nhân họp đồng hương Quảng Ngãi ở huyện Cát Tiên, tôi gặp được vợ chồng Nguyễn Trần Diệu - Minh Ánh Ngọc là võ sư, nên có ý định đến nhà thăm chơi, nhưng phải đi theo đoàn nên không thể. Trên chuyến xe về, được anh em cho biết, gia tộc anh Diệu có 4 đời theo nghiệp võ. Trong đó, đời ông nội vô địch cấp tỉnh, đời cha vô địch vùng miền, đời anh chị Diệu vô địch quốc gia, các con anh là “dũng sĩ thời bình”, trong đó Nguyễn Trần Duy Nhất 5 lần vô địch thế giới.
 
Duy Nhất vô địch lần thứ 6 tại Thụy Điển năm 2016
Duy Nhất vô địch lần thứ 6 tại Thụy Điển năm 2016

Gia tộc Nguyễn Trần
 
Đầu tháng 6, võ sư Diệu điện thoại báo tin con trai mình vừa giành được vô địch thế giới Muay Thai tại Thụy Điển đang trên đường về nước, anh mời vợ chồng tôi xuống nhà uống ly rượu mừng. 
 
Tiếp tôi tại nhà riêng ngay ngã ba mang tên nhà thơ Lâm Anh, thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên là võ sư Nguyễn Trần Diệu. Thời niên thiếu, tôi hình tượng võ sư là một mẫu người gân guốc, đôi mắt tinh tường, có giọng nói vang rền và xem người xung quanh như cỏ rác. Nhưng sự đời không giống như thế. Trước mặt tôi là một thầy võ tuổi ngũ tuần, cao ráo, phúc hậu kèm theo những mẩu chuyện nhỏ nhẹ đặc quánh tình người. Ngôi nhà riêng của anh cũng khiêm tốn như chủ nhà. Đó là một căn nhà cấp 4 không có dáng vẻ bề thế. Lúc tôi đến, mùi nhang trầm từ trong tư thất tỏa ra kỳ bí như hồn thiêng Đại Việt. Trên bức tường chính diện trong nhà treo một chữ “Nhẫn” viết theo kiểu thư pháp, bên phải là một tủ kính đầy ắp khoảng 50 huy chương đồng, vàng, và bên trái là dãy đao kiếm được xếp thẳng hàng.
 
Nhìn số lượng huy chương với nhiều kiểu dáng, ngôn ngữ khác nhau được mang về từ những đấu trường thấm máu và nước mắt, bên cạnh những thanh kiếm, đao ngả màu đã tự nó minh chứng sự bề thế của một gia tộc. Trong nghề võ, bất kỳ võ sĩ nào giành được huy chương quốc gia, quốc tế đều phải trải qua khổ luyện không những về chiến thuật mà còn về thể lực như: Thân pháp, thủ pháp, cước pháp, bộ pháp, trí pháp và tuệ pháp nữa.
 
Võ sư Nguyễn Trần Diệu sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi, định cư ở Cát Tiên năm 1982, là con trai đầu của cựu võ sư Nguyễn Trần Diêu. Cụ Diêu theo nghề võ trước năm 1945 với chú ruột mình là ông Nguyễn Trần Tiếp, một trong những cây cổ thụ trong làng võ Việt Nam ở thập niên 40 tại miền Trung. Đến thế hệ thứ ba, vào cuối thập niên 70, ông Diệu mở đầu cho những giải vô địch ở tầm võ sĩ hạng gà. Đến đời thứ tư võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất sinh năm 1989 tại Cát Tiên, con trai đầu của võ sư Nguyễn Trần Diệu đã và đang viết thêm trang sử mới cho dòng tộc ở tầm quốc tế. Có lẽ, trong họ tộc này, Duy Nhất mang về cho đất nước nhiều huy chương vô địch thế giới từ các đấu trường Thailand, Myamar, Indonesia, Sweden, Uzbekistan, Russia… ở hạng long (từ 57 đến 60kg). Tài năng của Nhất ngoài nguồn gien của dòng tộc còn là sự phối hợp hai trường phái Tấn - Minh. Mẹ của Duy Nhất là võ sư Minh Ánh Ngọc. Bà Ngọc sinh năm 1963 tại Nha Trang, là hậu duệ của võ sư Minh Cảnh đệ nhất quyền Anh Đông Dương vào thập niên 40. Võ sĩ Ngọc Ánh có lối đá liên hoàn cước rất nguy hiểm. Thời con gái, bà đã tham gia hàng chục trận đấu giành vô địch toàn quốc trong hạng cân của mình, đến khi không còn đấu thủ mới kết hôn với võ sư Nguyễn Trần Diệu, trở thành cặp vợ chồng võ sĩ có danh hiệu tại miền Trung thời bấy giờ. Nguyễn Trần Duy Nhất là phiên bản của hai người. Nhất thừa kế món quyền đánh cận chiến cấp tập của bố, lối đá liên hoàn cước của mẹ và món chỏ tấp, chỏ chặt của ông nội. Trong nhà những chiếc đai to bề thế treo trên tường dành cho vô địch quốc tế đều là của Nhất. Tuy nhiên, trong đời thường, Nhất hiền lành, nhã nhặn, khiêm tốn giống như cha mẹ, khác hẳn với chất máu lửa hay mang cờ đỏ sao vàng chạy hiên ngang trên võ đài quốc tế.
 
Chuyến thăm tư gia người bạn võ sư đồng hương này, tôi may mắn gặp được 3 thế hệ từ thầy Diêu đến vợ chồng anh chị và các cháu Nguyễn Trần Duy Nhất, Nguyễn Trần Tự Do... Vì thế tôi mang hết những thắc mắc về võ thuật “đặt trên bàn” với mục đích tìm hiểu nghề võ mà trong đời chưa có duyên gặp gỡ. Có lẽ, đã lâu rồi không ai nhớ đến vị võ sư một thời oanh liệt, nên khi gặp được người tìm hiểu về dòng họ Nguyễn Trần đã làm vị võ sư già bật khóc. Tôi không biết ông khóc vì vui mừng thành quả của con cháu hay nhớ đến một thời vàng son của mình. Ở độ tuổi 85 nhưng còn minh mẫn, ông đau đáu nhớ về thời trai trẻ, một thời vang bóng giang hồ ở xứ xở miền Trung. Cụ Diêu giã từ nghề sau năm 1975 để dành phần lớn thời gian giảng dạy võ đức cho gia tộc. 
 
Võ sư Nguyễn Trần Diêu
Võ sư Nguyễn Trần Diêu

Ông võ sư già ngả lưng trên ghế vừa lau nước mắt, chậm rãi kể: “Việc duy trì nghiệp võ cho một gia tộc thật sự không phải dễ dàng, vì nghề này ngoài võ thuật buộc khổ luyện, còn phải thường xuyên trau dồi tâm đức. Nếu không, qua đôi lần chiến thắng tưởng mình giỏi hơn thiên hạ, rất dễ ngả sang “tà đạo” là tự mãn, tự kiêu rồi lao vào tửu sắc hoặc biến thành kẻ bảo kê, đầu gấu cho nhóm người xấu. Bây giờ người ta bảo là chết trong chiến thắng. Võ thuật không chỉ học về kỹ năng cận chiến mà còn là nghệ thuật và nhân văn nữa. Chính vì thế, người ta gọi là võ đạo, ví dụ uống trà là nhu cầu thông thường, nhưng biết cách thưởng thức, mang những nghĩa cử thanh cao giúp người, giúp đời thì đó là trà đạo”.
 
Ông võ sư già xin lỗi tôi quay sang thủ thỉ với con cháu ông như nói với chính mình: “Gia tộc ta đã có 4 đời theo nghiệp tổ, gắn bó với nghề cả trăm năm. Ngày xưa, sư tổ đi buôn bán đường dài nên học võ để phòng thân, rồi mở lò dạy. Đến đời của cha, thượng đài giành vô địch vùng miền, đời thằng Diệu (võ sư Nguyễn Trần Diệu) giành được vô địch toàn quốc, đời thằng Duy Nhất 6 lần vô địch thế giới. Sau này nếu cha có qua đời các con phải cố giữ đạo nhà, người có nghĩa khí là người trọng nghĩa khinh tài, tài ở đây là tiền tài, danh vọng. Nếu các con luôn nghĩ mình tài giỏi xem thường thiên hạ hoặc chạy theo tiền bạc sớm muộn gì cũng rơi vào tà đạo, làm hoen ố dòng tộc đã xây dựng cả trăm năm”. 
 
“Dũng sĩ thời bình”
 
Đối với hậu duệ thứ tư, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, cháu nội của võ sư Diêu, đã nhiều lần so găng trên đấu trường thế giới nên trông có vẻ sương gió và chắc chắc hơn. Lần mới đây, ngày 27/5, sau khi hạ Knock out võ sĩ Mirbek Sartkalmokov (Kygryzstan) ở trận chung kết hạng 60 kg giải vô địch thế giới môn võ Muay Thái năm 2016 (Muay Thai World Championship 2016) tại Thụy Điển, nhưng mãi đến hơn nửa tháng sau Duy Nhất mới về Cát Tiên. Tuy máu lửa đấu trường vẫn còn tiềm ẩn, nhưng khi được ngồi bên cạnh ông nội nghe kể về gia tộc Nguyễn Trần, Nhất cảm thấy tự hào thêm. Khi được hỏi vì sao lại đầu quân sang võ Thái và làm rạng danh môn võ ngoại này, Nhất cho biết: “Khoảng gần 10 năm trước, một lần xem bộ phim “Truy tìm tượng Phật”, cháu rất tò mò về những thế dùng chỏ và gối của diễn viên Tony Jaa nên có tìm hiểu đôi chút về Muay Thái. Đến sau năm 2008, thành phố tuyển sinh để thành lập đội tuyển võ Thái Lan, cháu đăng ký liều và đậu luôn. Hồi đó, cháu đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Thể dục thể thao TP. HCM. Tuy là lớp vận động viên đầu tiên tiếp cận với Muay Thái, nhưng mãi đến cả năm sau, cháu mới nhập được vai môn võ này. Thành tích quốc tế đầu tiên là Huy chương Bạc ở Đại hội Võ thuật châu Á tại Thái Lan năm 2009. Từ đó đến bây giờ, báo chí Thái Lan cũng có khá nhiều bài viết về võ sĩ Việt Nam nhiều lần hạ gục các võ sĩ của quê hương môn võ Muay”. Về kinh nghiệm so găng ở các đấu trường quốc tế và khu vực, Duy Nhất trải lòng “Chiến thắng ở SEA Games là cực kỳ khó khăn. Mình phải thắng được đối thủ chủ nhà, thắng được lòng khán giả, và phải thắng cả trọng tài thì mới có thể giành được huy chương. Nhưng cũng nhờ thất bại, mình có thể đứng lên một cách mạnh mẽ, vì xét cho cùng việc thượng đài thắng bại là chuyện thường tình”.
 
Đến cuối tháng 6/2016, Nguyễn Trần Duy Nhất 27 tuổi đã 6 lần vô địch thế giới hạng bán chuyên. Vô địch châu Á 2012, Huy chương Vàng các bộ môn thể thao trong nhà Đông Nam Á năm 2009 (Asian Indoor Games 2009) cùng nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác. Năm 2015, Nhất đánh bại võ sĩ lừng danh thế giới Victor Pinto trong sự kiện võ thuật đình đám ở Thái. Bên cạnh việc luyện tập tham gia các đấu trường quốc tế, anh còn cùng với em trai, võ sĩ Nguyễn Trần Tự Do mở một phòng tập Muay ở Quận 1, TP. HCM để đưa môn võ này đến gần hơn với mọi người.
 
Với những thành tích đạt được trên đấu trường trong và ngoài nước, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất được những người yêu Muay Thai phong là “Độc cô cầu bại” theo truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn võ thuật nổi tiếng Kim Dung.
 
Tạm biệt họ tộc Nguyễn Trần ở Cát Tiên, đứng trên cầu Đồng Nai lộng gió, nhìn vùng đất cuối cùng của tỉnh mang chứng tích huyền thoại về đô thị, tôn giáo của người xưa, tôi cứ ám ảnh Cát Tiên như mảnh đất thiêng được sông Đạ Đờn bao bọc, được những dũng sĩ thời chiến như chị Điểu Thị Lôi, Điểu Luốt, Điểu Xung, Điểu Lớ giương cao tay súng… Rồi đến vợ chồng võ sư Diệu - Ngọc nuôi dạy 4 đứa con tốt nghiệp đại học nối nghiệp gia tộc trong khôn khó. Và tôi bỗng nhớ đến nhà xã hội học Sofocies “Trong một gia đình, không có gì làm con cái vui bằng danh dự của người cha, và cũng không có gì làm người cha vui hơn từ thành quả của con cái”.
 
Phóng sự: Trần Đại