Trẻ em phải được sống trong môi trường an toàn

09:06, 14/06/2016

Tháng Hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề: "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em" nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em...

Tháng Hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
 
Tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ vui chơi. Ảnh: PHAN NHÂN
Tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ vui chơi. Ảnh: PHAN NHÂN
Tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, khi mỗi ngày trên thế giới, hàng nghìn gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê hiện nay, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 900 nghìn ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày, hơn 100 trẻ tử vong mỗi giờ. Ở Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng... Đặc biệt, cứ mỗi dịp hè đến chúng ta lại đau lòng chứng kiến nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở các địa phương. Có thể nói, tai nạn, thương tích là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài suốt cuộc đời. 
 
Nguyên nhân trẻ em tử vong chủ yếu do tai nạn, thương tích trong nhiều năm qua ở nước ta ngoài yếu tố khách quan là có bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, thì nguyên nhân chủ quan là do: Nhiều địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em. Nhiều gia đình chưa có nhận thức và dạy kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em. Trường học, cũng như xã hội chưa chú trọng dạy trẻ biết bơi và ứng phó khi gặp tai nạn đuối nước. Ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao...
 
Vì vậy, trẻ em cần một môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em để xây dựng một cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ là trách nhiệm không riêng của cá nhân, gia đình có trẻ em, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
 
Trước thực trạng đó, ngày 5/2/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về “Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, có nội dung dạy kỹ năng an toàn cho trẻ, đưa ra mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố phải triển khai chương trình dạy bơi an toàn thí điểm.
 
Triển khai “Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 2698/KH-UBND, ngày 20 tháng 05 năm 2016 về thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định mục tiêu: Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Đặc biệt Kế hoạch đã đưa ra yêu cầu 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tan nạn, thương tích.
 
Tiếp theo, ngày 6 tháng 5 năm 2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 2396/KH-UBND về triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định rõ các nội dung hoạt động trọng tâm như: Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các cuộc vận động về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông cho trẻ em; Vận động xã hội xây dựng các bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em; Thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích; Tổ chức các cuộc thi với chủ đề phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, các hoạt động có sự tham gia của trẻ em; Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi và kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh... Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện. 
 
Để Kế hoạch số 2698/KH-UBND, ngày 20 tháng 5 năm 2016 về thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch triển khai Tháng Hành động vì trẻ em năm 2016 trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả thiết thực, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, các gia đỉnh cần quan tâm đến những công việc cụ thể như:
 
(1) Hãy lắng nghe, xem xét, thấu hiểu suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của trẻ để đưa ra những việc làm thiết thực, bổ ích, thu hút được sự hứng thú tham gia của các em. Tạo điều kiện để mọi trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một kỳ nghỉ hè vui chơi an toàn, lành mạnh. 
 
(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, để họ có thể trang bị cho con em mình các kiến thức, kỹ năng cơ bản bảo vệ bản thân, phòng, chống tai nạn thương tích... Huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng và hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em thông qua các hình thức như thi các trò chơi dân gian, các giải bóng đá, cầu lông, bóng bàn, văn nghệ, du lịch, tham quan một cách an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè...
 
(3) Các ngành giáo dục và đào tạo, y tế, Đoàn thanh niên... tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ em để các em tự phòng, chống tai nạn, thương tích. Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp các địa phương để bàn giao học sinh về nghỉ hè, tham gia sinh hoạt tại địa phương an toàn, bổ ích; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, giáo viên không tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm trong hè dưới mọi hình thức và các gia đình không ép con đi học thêm để các em được hưởng một kỳ nghỉ hè trọn vẹn, bổ ích. 
 
(4) Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là Đoàn TNCSHCM phải xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch triển khai Tháng Hành động vì trẻ em năm 2016 của UBND tỉnh. Các địa phương phải có các biện pháp, sáng kiến phòng, chống tai nạn, thương tích phù hợp với điều kiện, đồng thời phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; nhằm đảm bảo trẻ có cuộc sống an toàn, lành mạnh, ngăn chặn tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc bị tổn thương, tai nạn, thương tích. 
 
Với sự quan tâm của gia đình, sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó nòng cốt là ngành giáo dục - đào tạo và Đoàn TNCSHCM và bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, cả xã hội sẽ cùng tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn tình trạng trẻ em bị thương tích và tử vong do tai nạn.
 
KHÁNH LINH