Đồng bào Công giáo thi đua phát triển kinh tế và giảm nghèo

08:07, 06/07/2016

Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn gương mẫu, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, thi đua phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương.

Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn gương mẫu, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, thi đua phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương.
 
Phong trào thi đua phát triển kinh tế diễn ra sôi nổi, đều khắp trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác ngành nghề truyền thống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn.
 
Trong sản xuất nông nghiệp, một lĩnh vực sản xuất chính có đông đảo đồng bào Công giáo tham gia, trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh... nhưng đồng bào Công giáo tỉnh luôn vượt qua mọi khó khăn, tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như tại thành phố Đà Lạt, đông đảo đồng bào Công giáo ở các phường 3, 5, 7, 8, 9, xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường... đã tập trung sản xuất rau hoa công nghệ cao, nhờ biết áp dụng những tiến bộ khoa học nên sản phẩm rau sạch, trái cây sạch đã đáp ứng nhu cẩu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như cơ sở sản xuất rau sạch của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng; cơ sở sản xuất hoa thuộc Cộng đoàn Phan Sinh tại Du Sinh, từ một cơ sở ươm trồng cây giống trong ống nghiệm có quy mô nhỏ, hiện nay nghiên cứu, lấy mẫu giống với hơn 100 giống hoa cúc, 80 giống hoa cẩm chướng, hàng tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn cây giống các loại tùy theo mùa vụ, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động có thu nhập ổn định.
 
Khác với Đà Lạt, tại thành phố Bảo Lộc, với lợi thế vùng chuyên canh chè, cà phê và các mô hình sản xuất kết hợp với chế biến, tiêu thụ nông sản, xuất hiện nhiều mô hình trang trại hiệu quả. Điển hình như mô hình phát triển nông nghiệp gắn với chăn nuôi của ông Phạm Ngọc Điều (thôn Tân Bình 1) có thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Các phường có đông đồng bào Công giáo như Lộc Thanh đã tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất cây trồng từ giống cũ sang trồng giống mới và ghép chồi cành được gần 1.200 ha cà phê và 180ha chè. Từ sau chuyển đổi, cho năng suất cà phê tăng từ 2,5 tấn/ha lên 3 tấn/ha, năng suất chè từ 8,6 tấn/ha lên 20 tấn/ha. Tại giáo xứ Lộc Thanh còn xuất hiện nhiều trang trại gia súc, gia cầm, bò sữa, nấm mèo, hình thành các tổ tưới tiêu nông nghiệp rất hiệu quả nên đã cho thu nhập ngày càng cao, đời sống nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2015 đạt 30 triệu đồng/người/năm. 
 
Tại huyện Đơn Dương, để đạt được danh hiệu huyện nông thôn mới, có phần đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo tại địa phương. Đây là vùng chuyên canh rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của tỉnh, đồng bào Công giáo đã đi đầu trong thực hiện ứng dụng NN CNC. Điển hình như bà con ở giáo xứ Thạnh Mỹ, nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng cho vườn rau hoa an toàn, trở thành mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương. Các giáo xứ, cộng đoàn nữ tu còn tích cực hỗ trợ thường xuyên về vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo, thiếu vốn, điển hình như Cộng đoàn nữ tu Đa Minh (xã Tu Tra), Cộng đoàn nữ tử Bác Ái Vinh Sơn giáo xứ Ka Đơn, giáo xứ Lạc Viên... đã giúp đỡ hàng tỷ đồng cho đồng bào Công giáo đầu tư cây giống, phân bón, nhà kính phục vụ phát triển sản xuất. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, động viên giúp đỡ bà con giáo dân vươn lên phát triển sản xuất, nhiều hộ thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu của địa phương. 
 
Tại huyện Đức Trọng, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất trong đồng bào Công giáo được phát huy mạnh mẽ. Nhiều mô hình kinh tế giỏi được tuyên dương, nhân rộng như mô hình vườn ươm cây giống Phong Thúy của anh Nguyễn Hồng Phong là giáo dân giáo xứ Nghĩa Lâm, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 150 công nhân với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/ người/tháng. Mô hình Phong Thúy vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham quan và nhiều đoàn khách quốc tế, trong nước đến tìm hiểu, nghiên cứu, học tập. Hay như mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại, chăn nuôi heo trong nhà lạnh khép kín của ông Nguyễn Công Khanh là giáo dân giáo xứ Thanh Bình đã trở thành mô hình chăn nuôi điểm của huyện, cho lợi nhuận kinh tế cao. 
 
Với mục đích chuyên sâu là giúp đỡ giáo dân, đặc biệt là giáo dân người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, Linh mục Dương Công Hồ đã triển khai dự án phát triển nông nghiệp bền vững tại thôn Đạ Nha (huyện Đạ Tẻh). Đây là thôn có đông đồng bào Châu Mạ sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, không có việc làm ổn định. Linh mục đã hướng dẫn bà con giáo dân áp dụng mô hình trồng hàng chục ha chuối giống mới cho năng suất, chất lượng cao; từng bước tạo thu nhập; góp phần xóa đói giảm nghèo tại Đạ Nha nhiều năm qua. Ngoài ra, Linh mục Hồ còn duy trì phát triển mạnh Hợp tác xã Hiệp Nhất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có tới trên 100 lao động người DTTS, đảm bảo thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. 
 
Ghi nhận về những đóng góp của đồng bào Công giáo trong tỉnh nói chung, ông Trương Đình Căn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết: Với tinh thần “Người công giáo tốt cũng là công dân tốt”, hơn 5 năm qua, với trên 370 ngàn giáo dân (chiếm tỷ lệ 27% dân số toàn tỉnh) đã được Tỉnh ủy - UBND, các sở - ngành quan tâm tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đồng hành cùng nhân dân các dân tộc, các tôn giáo bạn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ phong trào thi đua phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào Công giáo tại các địa phương. Kết quả, đến nay, số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên, số hộ nghèo chỉ còn khoảng 5,3%, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng được thu hẹp, hầu như không còn hộ đói trong các giáo xứ Công giáo tại Lâm Đồng. Đây là một bước chuyển lớn ghi nhận tinh thần đoàn kết, thi đua của giáo dân trong tỉnh nhiều năm qua.
 
NGUYỆT THU