Để khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên Tây Nguyên

09:08, 11/08/2016

Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên nước ở Việt Nam phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất thủy điện...

Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên nước ở Việt Nam phải chịu thêm nguy cơ suy giảm do hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất thủy điện. Chế độ mưa thay đổi gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Mùa khô 2016, Tây Nguyên bị đợt hạn hán nghiêm trọng chưa từng gặp trong 30 năm qua. Lượng nước trên sông Sêrêpôk giảm 49%, các sông khác cũng giảm, nhiều nơi khoan xuống 100 m vẫn không có nước. Theo số liệu thống kê, toàn vùng có trên 100.000 ha cà phê không có nước tưới và chịu thiệt hại nặng nề trong mùa khô qua.
 
Thác Dray Sáp còn có tên gọi khác là Thác Chồng. Đây là một thác nước trên dòng sông Sêrêpôk
Thác Dray Sáp còn có tên gọi khác là Thác Chồng. Đây là một thác nước trên dòng sông Sêrêpôk
Theo các nhà khoa học: Hệ thống sông, ngòi trên Tây Nguyên gồm 3 lưu vực sông chính: Sê San 11.620 km 2, Sêrêpôk 18.480 km2, Sê Kông 284 km2. Diện tích các lưu vực sông, hồ trải trên diện tích 30.384 km 2, chiếm 68% diện tích toàn vùng, phân bố trên 34 huyện, thị, thành phố với 344 xã, phường, thị trấn.
 
Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Toàn vùng nằm trên những cao nguyên đất bazan rộng lớn, có lợi thế phát triển cây công nghiệp. Tây Nguyên có trên 1 triệu ha đất đỏ bazan, diện tích chưa sử dụng khoảng 0,6 triệu ha. Có diện tích rừng trên 1,6 triệu ha, độ che phủ 53,2%, với trữ lượng lớn. Có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tiềm năng nguồn thủy năng lớn. Mạng lưới sông, suối phân bố đều, có nhiều vị trí để xây dựng công trình thủy lợi cấp nước phục vụ tưới, công nghiệp, sinh hoạt.
 
Tuy nhiên, việc khai thác các tài nguyên, nhất là tài nguyên nước cũng đã đặt ra nhiều khó khăn. Đó là: Địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn thiếu và không đồng bộ. Khí hậu khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, mưa ít, lượng bốc hơi lớn cộng với mực nước các sông, hồ rất thấp so với mặt đất canh tác dẫn đến cấp nước phục vụ khó khăn và suất đầu tư lớn. Điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp. Trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Trong khi đó, các ngành kinh tế chính là nông - lâm nghiệp và thủy điện.
 
Thời gian qua, kinh tế toàn vùng có bước phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt. Thiên tai lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên và mức độ ngày càng trầm trọng. Tài nguyên nước phong phú nhưng phân bố không đều, thường xảy ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô. Công tác quy hoạch có sự tham gia của các ngành, tình trạng sử dụng đất, khai thác nguồn nước chưa hợp lý. Lượng mưa trung bình nhiều năm đạt 1.600-2.000 mm và chi phối bởi chế độ mưa Tây Trường Sơn, phân bổ không đều theo thời gian, không gian. Mưa tập trung vào tháng 5 - 11, chiếm trên 85% tổng lượng mưa hàng năm. Tổng trữ lượng nước ngầm 25,5 triệu m 3/ngày đêm. Việc khoan đào giếng lấy nước tưới cà phê diễn ra ồ ạt gần đây và nạn phá rừng bừa bãi, không giữ được nước để ngấm, đã làm giảm đáng kể mực nước ngầm trong toàn vùng. Với tổng lượng nước mặt khoảng 27,8 tỷ m 3, nhu cầu nước cho nông nghiệp hiện bằng 10% tổng lượng nước mặt. Nhu cầu nước cho dân sinh hiện còn nhỏ hơn so với tổng lượng nước mặt. Nhu cầu nước cho công nghiệp nhỏ hơn so với nước phục vụ nông nghiệp… Thực trạng chung trong vùng là các công trình thủy lợi hiện chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đa số các công trình là đập dâng, chủ yếu khai thác lưu lượng.
 
Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Theo Tổ chức Cộng tác về nước toàn cầu (GWP) khuyến cáo: “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là quá trình thúc đẩy việc khai thác và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách có phối hợp nhằm tối ưu hóa phúc lợi kinh tế và xã hội một cách công bằng mà không phải đánh đổi bằng sự bền vững của hệ sinh thái có tầm quan trọng sống còn”… Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn.
 
Để khai thác hợp lý tài nguyên nước, theo các nhà khoa học: 5 tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Mở rộng diện tích rừng và tăng nhanh độ che phủ rừng đi đôi với công tác bảo vệ rừng. Phát triển các công trình thủy điện trên dòng đập chính đáp ứng yêu cầu điện của quốc gia và phục vụ hợp tác trao đổi điện vùng biên giới với Lào và Campuchia. Theo đó, định hướng chiến lược phát triển tài nguyên nước toàn vùng là phải tăng cường hoàn thiện thể chế, tổ chức cho công tác quản lý tài nguyên nước. Tăng cường bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trong khai thác sử dụng.Phát triển bền vững tài nguyên nước. Giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ. Tăng mức đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ về nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
 
LAN HỒ