Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường bộ

09:08, 10/08/2016

Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP (Nghị định 46) của Chính phủ có hiệu lực thi hành với nhiều điều chỉnh về các quy định mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm an toàn giao thông. Qua những ngày đầu thực hiện, nhìn chung người dân đồng thuận, ủng hộ những quy định mới.

Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP (Nghị định 46) của Chính phủ có hiệu lực thi hành với nhiều điều chỉnh về các quy định mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm an toàn giao thông. Qua những ngày đầu thực hiện, nhìn chung người dân đồng thuận, ủng hộ những quy định mới.
 
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát theo Nghị định 46 của Chính phủ
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát theo Nghị định 46 của Chính phủ
Bổ sung nhiều quy định, tăng mức phạt
 
Để nâng cao tính giáo dục và răn đe những trường hợp cố tình vi phạm, ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 với mức phạt tăng nặng hơn rất nhiều đối với tất cả hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lái xe ô tô.
 
Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Công an tỉnh, qua một tuần (1- 7/8) áp dụng Nghị định 46, các tổ tuần tra, kiểm soát của Phòng đã yêu cầu dừng kiểm tra, phát hiện, xử lý và ra quyết định xử phạt 992 trường hợp, phạt tiền 792 triệu đồng, tước GPLX có thời hạn 70 trường hợp, tạm giữ 138 xe mô tô, 3 xe ô tô. Trong đó, phương tiện vi phạm có 52 xe khách, 311 xe tải, 42 xe con, 587 xe mô tô. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, dừng và đỗ xe không đúng quy định, không có GPLX...

Theo Thượng tá Trần Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Công an tỉnh, Nghị định 46 đã sửa đổi mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm. Đồng thời, điều chỉnh mức phạt tiền đối với 153 hành vi, nhóm vi phạm trong lĩnh vực đường bộ, bao gồm: nhóm hành vi về nồng độ cồn; quy định về tốc độ; đường cao tốc; quy tắc giao thông; chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện; chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo Nghị định 46, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng (Nghị định 171/2013 là từ 10-15 triệu đồng); tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng. Người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy cũng bị áp dụng mức phạt trên. 

Ngay sau khi Nghị định 46 có hiệu lực, Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt và thông báo những điểm mới để cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT toàn tỉnh nắm rõ. Đồng thời yêu cầu, Phòng CSGT và Công an các huyện, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, tập trung vào các lỗi chạy quá tốc độ; vượt đèn đỏ, đèn vàng; tránh - vượt sai phần đường, làn đường; chở quá tải, chở quá số người; dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Ngoài lực lượng CSGT, Công an tỉnh yêu cầu các lực lượng cảnh sát khác như: Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 đẩy mạnh tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Được biết, tại các điểm tập trung đông phương tiện qua lại đều đã có loa phát thanh tuyên truyền Nghị định 46 đến người dân. Trong quá trình kiểm tra phương tiện đang lưu thông, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thông báo một số nội dung về Nghị định 46 để người dân biết và nắm rõ; đồng thời, cung cấp cho chủ phương tiện bị xử lý vi phạm tài liệu tuyên truyền các quy định mới liên quan đến xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ.
 
Thượng tá Trần Văn Sơn cho biết thêm: “Do Nghị định 46 mới được ban hành nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng sẽ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền để người tham gia giao thông nắm vững các quy định, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Chúng tôi cũng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ phải tuyên truyền, giải thích trực tiếp cho người dân để họ nắm được những thay đổi của Luật Giao thông đường bộ”.
 
Tăng cường tuần tra, xử lý
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện một số tài xế tỏ ra bất ngờ khi Nghị định 46 đã chính thức áp dụng vào ngày 1/8. Lấy lý do “lo làm ăn, công việc lu bu”, họ không có điều kiện tiếp cận thông tin này. Anh Nguyễn Đình Trạch (sinh năm 1990, trú thị trấn Nam Ban, Lâm Hà) làm tài xế thuê, vi phạm xếp hàng lệch xe giải thích: “Tôi chưa nghe nói về nghị định mới, chủ xe cũng không thông tin gì”. Một tài xế điều khiển xe không lắp gương chiếu hậu nói: “Tôi đọc trên báo, đài và biết có thay đổi quy định xử phạt trong giao thông. Nhưng tôi tưởng chỉ liên quan đến nồng độ cồn, chạy quá tốc độ..., chứ đâu biết có vụ này nữa”. “Tôi mới đi đám cưới về, vui quá có uống mấy ly rượu, giờ bị Cảnh sát Giao thông kiểm tra và vướng vào lỗi vi phạm sử dụng rượu - bia khi điều khiển phương tiện. Thôi thì chịu bị xử phạt, rút kinh nghiệm để mai mốt chấp hành nghiêm chỉnh hơn” - anh Hồ Mạnh Tuấn (công nhân tại huyện Đức Trọng) giải thích.
 
Thượng tá Trần Văn Sơn khẳng định: “Công an các đơn vị, địa phương nói chung, Cảnh sát Giao thông đường bộ nói riêng sẽ không bao che, dung túng hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải; không thông đồng, thỏa hiệp hoặc nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm. Trên cơ sở đó, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông một cách kiên trì, quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi dễ dẫn đến tai nạn giao thông”.
 
HOÀNG YÊN