Phiên giao dịch việc làm - cơ hội chưa được "nắm bắt"

09:08, 09/08/2016

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vừa phối hợp với UBND huyện Đức Trọng tổ chức phiên giao dịch việc làm - tư vấn xuất khẩu lao động cụm 4 huyện Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà và Đơn Dương vào cuối tuần qua. Phiên giao dịch đã mở ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương, cũng như tạo ra một thị trường lao động mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả lại không được như mong đợi.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vừa phối hợp với UBND huyện Đức Trọng tổ chức phiên giao dịch việc làm - tư vấn xuất khẩu lao động cụm 4 huyện Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà và Đơn Dương vào cuối tuần qua. Đây là phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức ở huyện Đức Trọng trong khoảng 3 năm trở lại đây, mở ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương, cũng như tạo ra một thị trường lao động mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả lại không được như mong đợi.
 
Rất ít lao động đến phiên giao dịch việc làm để tư vấn và tìm việc
Rất ít lao động đến phiên giao dịch việc làm để tư vấn và tìm việc
Doanh nghiệp bị  “ế” tại các phiên giao dịch
 
Phiên giao dịch việc làm được tổ chức lần này có sự tham gia của 318 doanh nghiệp (xuất khẩu lao động có 18 DN, ngoài tỉnh có 8 DN và trong tỉnh có 292 DN), với 3.366 chỉ tiêu tuyển dụng, đầy đủ các ngành nghề và trình độ. Đặc biệt, có 28 DN tham gia tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch, với 917 chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó, có 350 chỉ tiêu tuyển dụng nước ngoài và 567 chỉ tiêu tuyển dụng việc làm trong tỉnh.
 
Để người dân nắm được thông tin về phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề (thị trấn Liên Nghĩa); các địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết về chương trình. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cũng đã treo nhiều băng rôn công bố thông tin tuyển dụng lao động dọc các trục đường chính... Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lao động đến tham gia phiên giao dịch việc làm vẫn không nhiều, chưa đến 100 người, chủ yếu là người dân cư trú trên địa bàn Đức Trọng, còn các huyện khác hầu như không có. Trong đó, số lượng người tìm hiểu, đăng ký thông tin tại bàn tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng rất ít. Không khí phiên giao dịch việc làm khá trầm, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng “ế”.
 
Bà Phạm Thị Hồng Vân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco cho biết: “Tại phiên giao dịch việc làm lần này, chúng tôi muốn giới thiệu tới Lâm Đồng 2 lĩnh vực đó là xuất khẩu lao động và du học có việc làm thêm. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng tuyển dụng được nhiều lao động và thực tế tại phiên giao dịch đã diễn ra như vậy. Song, đây cũng là cơ hội để người lao động địa phương và công ty tiếp cận thông tin với nhau, phục vụ cho việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong thời gian tới”.
 
Ông Trần Anh Tú - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyên Đức Trọng nói: “Với mong muốn tạo cơ hội việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Đức Trọng nói riêng và các huyện lân cận nói chung, chúng tôi đã đề xuất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm này. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn khá đông nhưng người lao động đến với phiên giao dịch việc làm rất thưa thớt, đặc biệt là chưa hiểu biết và mặn mà với thị trường xuất khẩu lao động cho lắm!”.
 
Người lao động còn thiếu tính chủ động 
 
Có mặt tại sàn giao dịch từ sớm, Phan Thị Thanh rụt rè cho biết, Thanh quê ở Hà Tĩnh, vào Đức Trọng đã 3 năm nay, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, em vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với ngành học, hiện đang làm kho cho một nhà hàng trên địa bàn. “Em đăng ký tìm việc làm trên mạng, thấy các anh chị bên Trung tâm dịch vụ việc làm gọi nói có phiên giao dịch việc làm này thì đến. Nếu tìm được công việc phù hợp, lương cao hơn thì sẽ nộp hồ sơ, không thì em sẽ tiếp tục làm công việc hiện nay và đợi cơ hội thôi!”.
 
Qua quan sát và tìm hiểu thực tế tại phiên giao dịch việc làm huyện Đức Trọng, chúng tôi nhận thấy tâm lý của người lao động ở đây còn khá rụt rè, chưa chủ động trong việc tìm hiểu thông tin việc làm. Các bạn trẻ thường đi theo nhóm, cùng tập trung tại một bàn tư vấn, đăng ký, một người đăng ký thì những người khác cũng đăng ký theo. Nhiều bạn trẻ chỉ đến tham dự phiên giao dịch việc làm trong chốc lát rồi đội nắng đi về. Là người có nhiều năm tham gia tuyển dụng lao động tại nhiều địa bàn trong tỉnh, chị Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Giám đốc thường trực Chi nhánh Tổng Công ty Emico cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có một đặc điểm tâm lý chung của người lao động ở đây đó là họ chưa muốn thoát khỏi địa phương - môi trường sinh sống quen thuộc của mình để vươn ra ngoài xã hội. Ngoài ra, họ còn thiếu thông tin, thiếu tính chủ động, đặc biệt là tâm ý e ngại khi nghe nói đến xuất khẩu lao động sang nước này, nước kia ”.
 
Có thể nói, việc tổ chức phiên giao dịch việc làm 4 cụm Đơn Đương, Đức Trọng, Lâm Hà và Di Linh tại huyện Đức Trọng vừa qua là cơ hội để người lao động tiếp cận, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, có thể tìm được những cơ hội việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, phiên giao dịch việc làm lần này đã không đạt được kết quả như mong đợi, phần lớn nguyên nhân là do người lao động trên địa bàn chưa mặn mà, chưa chủ động tham gia. Đây là một sự lãng phí rất lớn cho nhiều phía, từ đơn vị tổ chức cho đến các doanh nghiệp và lãng phí cơ hội đối với những người lao động.
 
THY VŨ