Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

09:09, 28/09/2016

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Lâm Đồng đã có những bước phát triển vững mạnh và tương đối toàn diện. Việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian qua...

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Lâm Đồng đã có những bước phát triển vững mạnh và tương đối toàn diện. Việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian qua. Nhân dịp nhà trường kỷ niệm 40 năm thành lập, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn với TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị Lâm Đồng Bùi Thắng.
 
PV: Xin Hiệu trưởng điểm lại một số kết quả trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường thời gian qua?
 
Hiệu trưởng Bùi Thắng: Trường Chính trị được hình thành trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng tỉnh, Trường Hành chính tỉnh, Trường Công đoàn tỉnh và Trường Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của tỉnh theo Quyết định số 1415/QĐ-UB ngày 29/9/1993 của UBND tỉnh Lâm Đồng và mang tên Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Đến ngày 7/8/1996, Tỉnh ủy Lâm Đồng ra Quyết định số 61/QĐ -TU đổi tên trường thành Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng. Do đó, ngày 29/9/1976 được nhà trường thống nhất xác định lấy làm ngày truyền thống của trường. 
 
Từ khi hợp nhất các trường thành Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ rồi Trường Chính trị, nhà trường đã vượt qua những khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đã đưa nhà trường có những tiến bộ toàn diện và ngày càng vững chắc, từng bước chính quy và tiếp cận những yêu cầu hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Đến nay, có thể đánh giá những nét nổi bật của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như sau:
 
Kể từ năm 1986 đến nay, nhà trường đã tổ chức đào tạo được 1.369 khóa với 67.085 học viên theo học. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với các học viện đào tạo Cao cấp lý luận Chính trị mở được 13 lớp với 1.293 học viên; đào tạo cử nhân các chuyên ngành được 12 lớp với 916 học viên. Đặc biệt, từ giữa năm 2014 - kể từ khi Trung tâm Bồi dưỡng tại chức sáp nhập về trường - đến nay, nhà trường đã liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và khu vực được 71 lớp với 4.744 học viên. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức được 4 khóa Trung cấp lý luận Chính trị dành riêng cho cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) với 180 học viên. Ngoài các lớp dành riêng cho cán bộ DTTS, trong thời gian qua còn có khoảng 3.000 cán bộ DTTS tham gia học tập với các lớp đào tạo và bồi dưỡng chung khác. Sau khi ra trường, học viên đã vận dụng tốt những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác.
 
PV: Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, nhà trường còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để tạo cơ sở lý luận cho công tác giảng dạy. Vậy, xin Hiệu trưởng cho biết những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường thời gian qua?
 
Hiệu trưởng Bùi Thắng: Trong 40 năm qua, nhà trường đã chủ trì và phối hợp tổ chức được 53 hội thảo khoa học cấp trường, cấp tỉnh, nội dung phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận và tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; biên soạn nhiều tài liệu bồi dưỡng các chức danh HĐND, UBND và các đoàn thể… 
 
Từ năm 2001 đến nay, nhà trường đã xuất bản được 53 số Nội san “Lý luận Chính trị và Thực tiễn cuộc sống” nay đổi tên là “Thông tin lý luận và thực tiễn”. Trong đó, các bài viết đề cập đến những vấn đề lý luận và phản ánh tình hình thực tiễn địa phương, đất nước, là tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên và học viên. Từ năm 2008, nhà trường cũng đã xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, phiên bản 2008 đối với các lớp học làm cho công tác đào tạo của nhà trường theo một qui trình, hệ thống quản lý tương đối chặt chẽ, tránh được những sai sót từ khâu tuyển sinh cho đến chấm thi, trả kết quả, kết thúc khóa học đảm bảo thời gian đúng qui định. Năm 2010, xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử của nhà trường. Đây là một kênh thông tin quan trọng phản ánh tình hình hoạt động của nhà trường một cách kịp thời nhất nhằm kết nối nhà trường với các cơ quan, đơn vị, các tác giả, độc giả và học viên. Công tác thông tin, tư liệu được đảm bảo, kịp thời phục vụ tài liệu nghiên cứu giảng dạy và học tập cho cán bộ, giảng viên và học viên…
 
PV: Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng đội ngũ giảng viên là công tác quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, xin đồng chí khái quát đôi nét về công tác này của đơn vị?
 
Hiệu trưởng Bùi Thắng: Về công tác tổ chức cán bộ và xây dựng đội ngũ giáo viên: Thời gian đầu, số lượng cán bộ, viên chức nhà trường còn thiếu, nhất là đội ngũ giảng viên. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, những năm gần đây đội ngũ giảng viên của nhà trường có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng giảng dạy, trình độ học vấn đều nâng lên đáng kể. Tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của trường hiện nay là 61 người, trong đó đội ngũ giảng viên nhà trường là 32 người, chiếm 52,5% tổng cán bộ, viên chức và người lao động nhà trường, trong đó có 23 thạc sỹ và 1 người đang thực hiện nghiên cứu sinh, 11 giảng viên, chuyên viên chính. Hằng năm, nhà trường còn tổ chức cho nhiều lượt cán bộ, giảng viên được đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trình độ khác nhau để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao hơn. Ngoài trình độ chuyên môn, cán bộ, giáo viên nhà trường có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, đang kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng khẳng định giá trị thương hiệu của nhà trường. Đến nay, cán bộ, giảng viên nhà trường đã đảm nhận giảng dạy hầu hết các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thuộc chức năng nhiệm vụ của nhà trường như: Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính, Trung cấp Luật, Trung cấp Hành chính, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đối tượng 4, bồi dưỡng ngạch cán sự, bồi dưỡng cán bộ cơ sở theo Đề án 1956 và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác theo yêu cầu của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
 
Tổ chức bộ máy và chất lượng hoạt động của bộ máy ngày càng vững vàng. Nhà trường thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ nhằm ổn định tổ chức, không ngừng củng cố, đổi mới nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý của tổ chức Đảng, chính quyền. Các tổ chức chính trị xã hội hoạt động ngày càng chặt chẽ và phát huy tác dụng tốt.
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng tốt nghiệp cho các học viên
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng tốt nghiệp cho các học viên
PV: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới nhà trường sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa Hiệu trưởng? 
 
Hiệu trưởng Bùi Thắng: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tập thể cán bộ, viên chức sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng đưa Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng phát triển vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị. Vì vậy, nhiệm vụ của nhà trường trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
 
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, bám sát mục tiêu và đối tượng đào tạo; nắm vững nội dung chương trình của các loại hình đào tạo bồi dưỡng, vận dụng thích hợp cho từng loại đối tượng vào thời gian cho phép, biết phát huy tư duy độc lập của người học, từng bước biến quá trình đào tạo sang quá trình tự đào tạo, trước hết là các hệ đào tạo dài hạn mà nội dung, đối tượng do nhà trường quản lý.
 
Đồng thời, cải tiến phương thức quản lý quá trình đào tạo, phát huy cao độ tính tự giác, tự quản thông qua hệ thống quy chế đào tạo hiện có và ngày càng được bổ sung hoàn thiện; đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhưng phải lấy chất lượng làm trung tâm…
 
Thực hiện đầy đủ, đúng đắn, kịp thời các chế độ, chính sách để thu hút, khuyến khích được đội ngũ giảng viên giỏi, bảo đảm các chính sách đối với người học để tạo động lực cho cả người dạy, người quản lý và người học.
 
Không ngừng củng cố đổi mới và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà trường. Chú trọng đội ngũ cán bộ chủ chốt và cơ cấu lực lượng cán bộ công chức theo hướng chủ yếu tăng tỷ lệ giảng viên, chuyên viên giỏi; bảo đảm giảng viên cơ hữu cho từng khoa đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức chuyên môn vững vàng, có hiểu biết thực tiễn và có phương pháp sư phạm tốt.
 
Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo hướng đi vào những vấn đề thiết thực phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng, công tác tổ chức bộ máy của cơ quan, chú trọng đề tài cấp tỉnh, cấp trường.
 
Thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo của Đảng ủy và các chi bộ, sự quản lý, điều hành của Ban Giám hiệu và các phòng, khoa trong nhà trường, các đoàn thể, xây dựng theo hướng thật sự trong sạch vững mạnh, giữ vững đoàn kết, phát huy sáng tạo của mọi cá nhân và tổ chức.
 
 Quản lý chặt chẽ các hoạt động tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng xây dựng nhà trường lớn mạnh toàn diện, đó là vấn đề trung tâm về yêu cầu đổi mới của nhà trường.
 
PV: Xin cám ơn Hiệu trưởng!
 
DUY DANH (Thực hiện)