Ðưng K'Nớ "gỡ khó" từ đào tạo nghề

08:09, 23/09/2016

Đưng K'Nớ đang trở mình để vươn lên từ việc phối hợp với cơ quan chức năng và nghiên cứu để những nghề phù hợp với bà con.

Vốn là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Lạc Dương nói riêng, nhưng những năm gần đây, người ta đã không còn nhắc đến Đưng K’Nớ như là nơi hoàn toàn bị cô lập mỗi mùa mưa đến, mà đã nhắc nhiều hơn đến những thay đổi của xã vùng sâu này. Bên cạnh thuận lợi từ đường sá được đầu tư thời gian gần đây, Đưng K’Nớ còn đang trở mình để vươn lên từ việc phối hợp với cơ quan chức năng và nghiên cứu để những nghề phù hợp với bà con.
 
Dệt thổ cẩm - một trong những nghề truyền thống đang được chú trọng đào tạo lại ở Đưng K’Nớ
Dệt thổ cẩm - một trong những nghề truyền thống đang được chú trọng đào tạo lại
ở Đưng K’Nớ
Đào tạo nghề để thoát nghèo
 
Đưng K’Nớ là một trong những xã nghèo của huyện Lạc Dương khi không có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, có 98% dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Ho với 425/447 hộ. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, thu nhập chính từ trồng cây cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, với những nỗ lực thoát nghèo bền vững của chính quyền và bà con nhân dân, kinh tế của xã vùng sâu này đang từng bước được cải thiện. Nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 12 triệu đồng thì năm 2015 đã đạt 19 triệu đồng/người/năm. Từ đó, Đưng K’Nớ đã thoát nghèo, là xã giảm nghèo tích cực nhất của Lạc Dương, vươn lên xây dựng nông thôn mới .
 
Xác định đào tạo nghề cho người dân là công tác trọng tâm để thoát nghèo bền vững, chính quyền xã đã tổ chức các đợt đào tạo các nghề như dệt thổ cẩm, nấu rượu... Địa phương tạo điều kiện cho người dân học tập về kỹ thuật chăn nuôi, những kiến thức khoa học - kỹ thuật để trồng cây cà phê cho năng suất cao, khuyến khích trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, người dân nơi đây đã có điều kiện tham gia các khóa tập huấn và cấp phân bón, cây giống mới đạt năng suất. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn khuyến khích các hộ người Kinh đi đầu trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật để bà con là đồng bào dân tộc thiểu số thấy được, tin được và học hỏi làm theo. 
 
Toàn xã hiện có 470 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. Bà con không còn trồng lúa rẫy kém năng suất mà chuyển sang thâm canh lúa nước mỗi năm hai vụ để đảm bảo lương thực cho gia đình. Chị Long Đưng Glang, người dân thôn 1 chia sẻ: “Nhờ được cán bộ hướng dẫn mà chúng tôi biết cách trị bệnh cho cây cà phê, biết nuôi thêm gà vịt trong chuồng. Trong nhà có thêm cái ăn cái mặc. Hai đứa con nhỏ của tôi cũng có tiền đi học, không lo phải nghỉ học giữa chừng nữa”. Các mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao cũng dần xuất hiện, thay thế cho các diện tích đất cà phê kém hiệu quả.
 
Với đặc thù trồng cây cà phê làm cây kinh tế chính, chính quyền xã Đưng K’Nớ xây dựng tổ hợp tác dịch vụ cà phê, thành lập mối liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng. Trước đây, do khó khăn về đường sá vận chuyển cũng như đầu ra của hạt cà phê nên người dân có thói quen ký gửi, ứng tiền trước tại các đại lý thu mua, sau đó đến mùa mới trả bằng cà phê nên thường xuyên bị các đại lý ép giá làm mất giá. Hiện tại, xã đứng giữa làm khâu trung gian, giúp giá cả ổn định hơn và bảo vệ quyền lợi cho bà con trồng cà phê. Đầu năm 2016, từ nguồn ngân sách phát triển sản xuất của Nhà nước, xã đã đầu tư cho 11 hộ nghèo 11 máy tách vỏ cà phê, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững.
 
Thay đổi dần diện mạo
 
Nhờ vào công tác đào tạo nghề mà kinh tế của xã vùng sâu Đưng K’Nớ đang từng ngày phát triển, bộ mặt của xã cũng được thay đổi khi người dân không còn thiếu ăn, thiếu mặc mà hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Về Đưng K’Nớ mùa mưa này, nhiều người đã không còn những lời than thở vì những đoạn đường sình đất, bùn lầy. Kể từ tháng 3/2015, khi đường Trường Sơn Đông chính thức hoàn thành và thông xe, đoạn đường kéo dài hơn 60 km từ TP Đà Lạt dẫn vào xã đã nối gần buôn làng với phố thị. 
 
Không chỉ trục đường chính dẫn vào xã được xây mới thuận tiện hơn, mà hầu hết các con đường liên thôn ở Đưng K’Nớ đều đã được bê tông hóa. Ông Đoàn Quang Giao, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã cho biết: Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn tuyến đường từ trung tâm xã vào thôn Đưng Trang đang chờ đầu tư xây dựng, còn lại các đường làng, ngõ xóm đều đã cơ bản được hoàn thành. Để làm được điều này, ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, còn có sự đóng góp không nhỏ của bà con nơi đây. Nếu như trước đây, nhận thức của người dân chưa cao thì hiện tại, bà con đã sẵn sàng hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng các công trình công cộng.
 
Với sự nỗ lực của chính quyền và sự thay đổi nhận thức của nhân dân, xã Đưng K’Nớ đang từng ngày khoác lên mình những gam màu tươi mới. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Hệ thống trường lớp, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và sinh hoạt văn hóa của bà con trong xã. Hiện 4 thôn trong xã đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Học sinh và phụ huynh cũng chú trọng đến việc học hơn. Đưng K’Nớ là địa phương thực hiện tốt công tác vận động học sinh đến trường. Toàn xã có 100% hộ dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện lưới trong sinh hoạt. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh và Đưng K’Nớ được đánh giá là nơi có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất 2 năm trở lại đây của huyện Lạc Dương. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, người dân trong xã đã tích cực cùng với Nhà nước tham gia góp sức xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã hoàn thành 10 trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng NTM, năm 2016 tiếp tục hướng đến tiêu chí Môi trường và quyết tâm đạt xã nông thôn mới vào năm 2020.
 
Ông Đoàn Quang Giao khẳng định rằng, Đưng K’Nớ hiện là địa phương đứng đầu huyện Lạc Dương về đào tạo nghề cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn do tâm lý của bà con. Ông Giao cho biết: “Mặt bằng dân trí của một bộ phận bà con nhân dân tại địa phương còn khá thấp nên hạn chế trong chuyển biến về nhận thức. Bà con vẫn trung thành với kiểu sản xuất theo hướng lạc hậu, khó thay đổi thói quen nuôi trồng. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình khoa học - kỹ thuật cần khá nhiều vốn gây khó khăn cho người dân, từ đó dẫn đến tình trạng học mà không hành. Chính quyền vẫn đang cố gắng tạo điều kiện để bà con có thể áp dụng và dần thay đổi cách sản xuất”.
 
VIỆT QUỲNH