Ðơn Dương tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây xanh

08:11, 18/11/2016

Hạt phó Kiểm lâm huyện Ðơn Dương, ông Trần Văn Lộc cho biết: So với năm 2015, từ đầu năm đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 42 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV & PTR), giảm 39,13%. Tuy nhiên, mặc dù Hạt đôn đốc nhưng 18/18 đơn vị nhận thuê rừng và đất rừng vẫn chưa có phương án hoặc cam kết phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô.  

Hạt phó Kiểm lâm huyện Ðơn Dương, ông Trần Văn Lộc cho biết: So với năm 2015, từ đầu năm đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 42 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV & PTR), giảm 39,13%. Tuy nhiên, mặc dù Hạt đôn đốc nhưng 18/18 đơn vị nhận thuê rừng và đất rừng vẫn chưa có phương án hoặc cam kết phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô.  
 
Cán bộ kiểm lâm Đơn Dương kiểm kê tang vật gỗ vi phạm trên địa bàn. Ảnh: M.Đạo
Cán bộ kiểm lâm Đơn Dương kiểm kê tang vật gỗ vi phạm trên địa bàn. Ảnh: M.Đạo
Chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp
 
Giữa tháng 10/2016, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc và kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) địa bàn huyện Đơn Dương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đánh giá: Chính quyền các cấp, các đơn vị, ban, ngành của huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác QLBVR, phát triển rừng và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng (BVR); các đơn vị chủ rừng đã huy động phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền cấp xã và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra tại rừng…  
 
Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đơn Dương Trần Văn Lộc khẳng định rằng: Công tác BVR, PCCCR trong năm 2016 trên địa bàn huyện Đơn Dương đã mang lại những kết quả tích cực. Dẫn chứng số liệu cụ thể, ông Lộc chứng minh: Hơn 28.770 ha rừng được giao khoán với 892 hợp đồng (bao gồm 351 hộ dân tộc Kinh, 541 hộ dân tộc thiểu số) và 5 tập thể. 
 
Năm 2016, Ðơn Dương đã trồng xong cây phân tán theo kế hoạch với kết quả nghiệm thu 3.127 cây sống, đạt 94% và đang tiếp tục chăm sóc, bảo vệ. 
 
Đội ngũ kiểm lâm địa bàn đã chủ động phối hợp với các đơn vị chủ rừng, lực lượng nhận khoán tuần tra, kiểm tra 231 đợt với 1.603 lượt người tham gia; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp để chủ động trong công tác PCCCR ở cơ sở… Nhờ vậy mà đã góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái phép. 
 
Cụ thể từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã có 42 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 27 vụ, tương đương 39,13% so với cùng kỳ năm 2015. 
 
Trong đó, đáng ghi nhận là khai thác rừng trái phép đã giảm 11 vụ; mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép giảm 18 vụ…
 
Bài học về nguyên nhân thành công theo Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, trước hết, đó là công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó đơn vị duy trì thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, chủ động và nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể cũng như mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn và Ban lâm nghiệp xã, thị trấn đã phát huy được trách nhiệm tham mưu của mình; công tác PCCCR được triển khai đồng bộ; công tác tuần tra, truy quét có nhiều hiệu quả; công tác phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
 
Ðể công tác QLBVR đạt kết quả tốt
 
Tuy so với năm 2015 công tác QLBVR ở Đơn Dương đạt được nhiều kết quả trên một số lĩnh vực tốt hơn, tuy nhiên nghiêm túc nhìn nhận thì số vụ vi phạm Luật BV&PTR vẫn tăng hơn năm 2014, nhất là vi phạm khai thác, vận chuyển, phá rừng. Bên cạnh đó, phương án, cam kết về PCCCR vào mùa khô của 18/20 đơn vị do cấp huyện thẩm định hiện chưa được các đơn vị chủ rừng trình cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt. Đối với phương án PCCCR của huyện và 2 đơn vị chủ rừng nhà nước là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương và Ban QLRPH D’ran tuy đã xây dựng nhưng đang chờ UBND huyện phê duyệt để trình Chi cục Kiểm lâm tỉnh thẩm định. Đánh giá thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng, công tác phối hợp giữa các đơn vị chủ rừng, phòng, ban chức năng, chính quyền cấp xã có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên nên tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra; một số dự án đầu tư lựa chọn cây trồng chưa phù hợp, đơn cử cây cao su, quản lý rừng, đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ nên thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, môi trường; chưa giám sát thống kê đầy đủ việc lãnh đạo UBND cấp xã đi kiểm tra rừng theo Chỉ thị số 30/CT-TU của Tỉnh ủy…
 
Để nhiệm vụ chính trị QLBVR ở Đơn Dương trong năm 2017 đạt kết quả tốt hơn, trước hết là khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên. Mặt khác, đúc kết những bài học thành công trong thời gian triển khai thực hiện vừa qua để phát huy, như công tác tuyên truyền sâu rộng, vai trò tham mưu của lực lượng kiểm lâm địa bàn và Ban lâm nghiệp xã, thị trấn… Ở địa bàn rừng của huyện Đơn Dương, mặt khó khăn nhất trong công tác QLBV đó là khu vực rừng giáp ranh huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Nổi cộm là khu vực rừng Ya Hoa vẫn diễn ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Vì vậy, cần khẩn trương ban hành quy chế phối hợp giữa Ban chỉ huy BVR và PCCCR của 2 huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, ngoài việc tăng cường công tác phối hợp tuần tra, truy quét giữa các ngành và đơn vị liên quan trong huyện và liên huyện, vai trò của lực lượng công an tham gia nhiệm vụ QLBVR giáp ranh là hết sức quan trọng và có hiệu quả. 
 
MINH ÐẠO