Trồng cây phân tán, cây che bóng 4 năm tới

09:11, 10/11/2016

Mục đích của việc trồng cây nhằm tăng diện tích cây xanh và độ che phủ tại các đô thị, các vùng sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Và trong 4 năm tới, Lâm Ðồng sẽ trồng hơn 600 ngàn cây xanh.  

Mục đích của việc trồng cây nhằm tăng diện tích cây xanh và độ che phủ tại các đô thị, các vùng sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Và trong 4 năm tới, Lâm Ðồng sẽ trồng hơn 600 ngàn cây xanh.  
 
Hiệu quả sau mỗi lần ra quân trồng cây xanh cần luôn được coi trọng hàng đầu. Ảnh: M.Đạo
Hiệu quả sau mỗi lần ra quân trồng cây xanh cần luôn được coi trọng hàng đầu. Ảnh: M.Đạo
Hơn 24 tỷ đồng cho công tác trồng cây 
 
Tổng số cây xanh được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai trồng trong 4 năm tới bao gồm 183.500 - 183.700 thuộc nhóm cây phân tán và 417.000 - 417.300 thuộc nhóm cây che bóng. Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị… sẽ triển khai thực hiện tại các địa bàn các huyện và thành phố của tỉnh Lâm Đồng. Trước mắt, trong năm 2017, toàn tỉnh sẽ trồng 143.400 cây phân tán và cây che bóng; trong đó, được giao nhiệm vụ cụ thể là: Đà Lạt 14.000 cây; Lạc Dương 4.000 cây; Đơn Dương 2.500 cây; Đức Trọng 26.600 cây; Lâm Hà 7.500 cây; Đam Rông 19.500 cây; Di Linh 50.000 cây; Bảo Lâm 5.000 cây; Bảo Lộc 5.000 cây; Đạ Huoai 4.000 cây; Đạ Tẻh 3.000 cây và Cát Tiên 2.300 cây.  
 
Trồng và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng không đạt kế hoạch 
 
Ước tính trong cả năm 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng trồng được hơn 733 ha rừng (trồng các loại rừng thay thế, sau giải tỏa và sau khai thác trắng), so sánh mới đạt 71,5% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân không đạt tỷ lệ 100% là do một số đơn vị xây dựng kế hoạch không đúng đối tượng quy định, không chuẩn bị kịp hiện trường và cây giống đảm bảo thời vụ trồng rừng.
 
Cũng trong năm 2016, việc thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Lâm Đồng đạt hơn 395.500 ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ, nhưng mới bằng 94,4% kế hoạch đề ra. Lý do được xác định không đạt kế hoạch là: Một phần diện tích rừng thiết kế mới trong năm 2016 vẫn chưa triển khai thực hiện vì kinh phí chậm bố trí; riêng huyện Cát Tiên với hơn 3.500 ha rừng đang chờ các cơ quan chức năng thông qua để tiến hành giao khoán; hoặc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (hơn 1.600 ha) hiện đang tiếp tục vận động người dân nhận khoán…               VŨ VĂN

Đối với trồng cây phân tán, trong 4 năm (2017-2020), Lâm Đồng sẽ tổ chức trồng tại 11 huyện, thành phố (trừ huyện Di Linh) ở các vị trí như dọc 2 bên đường giao thông nông thôn (liên thôn, liên xã); khu dân cư (đô thị và nông thôn), khu công nghiệp; trụ sở của cơ quan, trường học, bệnh viện…; bờ kênh, bờ vùng, bờ thửa... Các loại cây sẽ được trồng bao gồm như thông 3 lá, mai anh đào, ngân hoa, phượng tím, long não, tùng búp, sao đen, muồng hoàng yến, bàng đài loan, kèn hồng, mây tây, dầu, ngọc lan, viết, xà cừ… Đối với trồng cây che bóng, chỉ trồng tại 4 huyện là Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Đam Rông tại khu vực khu công nghiệp, vườn hộ, vườn rừng có diện tích dưới 0,5 ha hoặc khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung… Theo đó, chủng loại cây trồng được phê duyệt bao gồm muồng đen, sưa, mắc ca. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quy định về tiêu chuẩn cây giống cụ thể đối với từng nhóm, ví dụ: thông, mai anh đào, phượng tím… đường kính gốc từ 0,8 - 1,5 cm và cao 1,5 - 2 m; gõ đỏ, ngọc lan, lim xanh… đường kính gốc 2,5 - 3 cm và cao 2,5-3 m; muồng đen, sưa… đường kính gốc 1-1,5 cm và cao 0,4-0,6 m; mắc ca phải là cây giống ghép đã đạt từ 6 tháng trở lên, chiều cao chồi ghép đã hóa gỗ từ 20 cm trở lên, đường kính cổ rễ 1-1,5 cm…

Về cơ chế chính sách, nhà nước sẽ hỗ trợ giống cây và khảo sát thiết kế lập dự toán… Còn kinh phí trồng và chăm sóc, bảo vệ do các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trồng tự đảm bảo. Khi cây đến tuổi khai thác hoặc trong điều kiện bắt buộc phải khai thác thì tổ chức, cá nhân được khai thác có trách nhiệm trồng lại cây trồng khác. Lâm sản sau khai thác được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể phù hợp quy định của Nhà nước. Theo Đề án của UBND tỉnh phê duyệt, vốn đầu tư trồng cây phân tán, cây che bóng trong 4 năm tới trên 24 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 11.850 triệu đồng và vốn do nhân dân, các tổ chức đóng góp 12.213 triệu đồng. 
 
Cần giám sát nghiêm ngặt 
 
Để nhiệm vụ trồng cây phân tán và cây che bóng trong 4 năm tới đạt được hiệu quả như mong muốn, cần ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân… trong công tác quản lý và bảo vệ. Cùng với công tác tuyền truyền sâu rộng, hiệu quả là việc quy hoạch tại các địa phương kịp thời, vừa phù hợp tình hình địa phương vừa nhận được tính đồng thuận cao trong cộng đồng...
 
Qua thực tiễn nhiều năm công tác trồng cây xanh tại các địa bàn cho thấy, có 2 khâu hết sức quan trọng rất cần được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt. Một là giám sát, kiểm tra, thẩm định chặt chẽ về cây giống trước khi trồng và hai là giám sát, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, trung thực quá trình chăm sóc, quản lý sau khi trồng. Vì vậy, khâu nghiệm thu để thanh quyết toán là hết sức quan trọng. Và theo định kỳ, cần tổ chức rà soát, phúc kiểm và đánh giá nghiêm túc của các ngành và các bên liên quan để không chỉ kịp thời khen thưởng địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt mà còn phải nghiêm túc kiểm điểm, phê bình và yêu cầu khắc phục thực chất đối với từng tập thể, cá nhân cụ thể đã không thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của mình. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của tổ chức cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị cũng như tự phải chịu trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu tổ chức và đơn vị liên quan trong công tác thực hiện Đề án trồng cây phân tán, trồng cây che bóng nói riêng và Luật Bảo vệ và phát triển rừng nói chung. Có thực hiện đồng bộ và nghiêm chỉnh những phần việc này thực chất, không hình thức và chung chung, thì mới đạt được hiệu quả thực sự của chủ trương phục hồi rừng Tây Nguyên, tăng độ che phủ rừng trên các địa bàn cụ thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tháng 7 năm 2016.
                             
 MINH ÐẠO