Di tích khảo cổ Cát Tiên như một Mỹ Sơn vùng Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ

09:12, 28/12/2016

Được phát hiện năm 1985, 9 năm sau - năm 1994, lần đầu tiên Khu di tích được tiến hành khai quật khảo cổ và nghiên cứu. Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, đường đá cổ, máng nước... Quá trình khai quật còn tìm thấy hơn 1.000 hiện vật, gồm nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, sắt, đá quý, gốm, đá... 

Được phát hiện năm 1985, 9 năm sau - năm 1994, lần đầu tiên Khu di tích được tiến hành khai quật khảo cổ và nghiên cứu. Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, đường đá cổ, máng nước... Quá trình khai quật còn tìm thấy hơn 1.000 hiện vật, gồm nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, sắt, đá quý, gốm, đá... Ngoài ra, qua khai quật, còn phát lộ nhiều ngẫu tượng Linga - Yoni, tượng thần Ganesa, Uma, các lá vàng dập nổi hình vị thần, các linh vật thuộc Bàlamôn giáo... phong phú về loại hình.
 
Giá trị lịch sử - văn hóa
 
Khu di tích khảo cổ Cát Tiên là một phát hiện lớn của ngành khảo cổ Việt Nam cuối thế kỷ XX. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy văn hóa Cát tiên có quá trình lịch sử phát triển khá dài: giai đoạn sớm khoảng thế kỷ IV - VI và giai đoạn muộn có niên đại từ thế kỷ VII - X sau Công nguyên.
 
Về văn hóa, đây là thánh địa ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ giáo. Đặc biệt, quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với Chămpa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ. Các yếu tố văn hóa vật chất: gạch, ngói và các loại đồ gốm: bình, vỏ, vòi Kendi... có ảnh hưởng văn hóa Chân Lạp. Các yếu tố văn hóa tinh thần: các ngẫu tượng Linga - Yoni, hình ảnh các vị thần, các linh vật... có hơi hướng nghiêng về văn hóa Chămpa. Từ những yếu tố trên, sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Di tích này có tính “đứng giữa” và “nó là chính nó”.
 
Một thú vị khác, đó là trải qua hơn 3 thập niên phát hiện và nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra những bằng chứng xác đáng về chủ nhân của thánh địa. Chính sự bí ẩn đó đã góp phần làm cho Khu di tích khảo cổ Cát Tiên thêm phần... bí ẩn và hấp dẫn giới nghiên cứu cũng như du khách hơn.
 
Tiềm năng du lịch hấp dẫn
 
Năm 1997, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Tiếp đó, năm 2014, Khu di tích được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một vinh dự đối với Khu di tích khảo cổ Cát Tiên và cũng là một thương hiệu có giá trị trong bản đồ du lịch của khu vực.
 
Từ những giá trị về mặt lịch sử - văn hóa và xét về mặt vị trí địa lý, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên nằm ở khoảng giữa tỉnh lộ 721 nối quốc lộ 20, từ ngã ba Mađaguôi (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) với quốc lộ 14 (ngã ba Sao Vọng, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Trung tâm Khu di tích nằm ở bờ Bắc sông Đồng Nai (thôn 1, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) sát với vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, cách Đà Lạt khoảng 190 km (về phía Bắc) và cách TP Hồ Chí Minh khoảng 180 km (về phía Nam). Đây là vị trí khá đắc địa trên bản đồ du lịch, rất thuận lợi cho các tour du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên tới tham quan.
 
Khu di tích khảo cổ Cát Tiên còn mệnh danh là Thánh địa Cát Tiên, với hiện trường di tích rộng lớn cùng với số lượng hiện vật phong phú, có giá trị đặc biệt như các lá vàng dập nổi hình các vị thần, vật linh Bàlamôn giáo và sưu tập Linga - Yoni bằng vàng, đồng, đá, đá quý...; trong đó, có bộ Linga - Yoni được nhận định là lớn nhất Đông Nam Á (Linga cao 2,10 m và Yoni có cạnh dài 2,30 m).
 
Kể từ năm 2011, Ban Quản lý Khu di tích đã thực hiện chương trình đón khách thử nghiệm, nhằm mục đích xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ tại di tích và là dịp để quảng bá cũng như rút kinh nghiệm thực tế để có một định hướng tốt nhất cho công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan khi Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được đầu tư và chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, Khu di tích đã đón hàng chục đoàn khách lớn, có năm đón cả ngàn lượt du khách tới tham quan. Cùng với công tác đón khách thực tế, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên còn quảng bá, phát huy giá trị di tích bằng tờ rơi và thông qua các kênh phương tiện truyền thông, kể cả trang website của đơn vị để Khu di tích ngày một đến gần hơn với công chúng.
 
Hiện nay, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà trưng bày Bảo tàng Cát Tiên, bãi đậu xe... Đây là nơi trưng bày văn hóa bản địa và những hiện vật tìm được trong quá trình khai quật, nghiên cứu Khu di tích để phục vụ du khách tới tham quan. 
 
Cùng với những hạng mục đầu tư của tỉnh, đơn vị cũng mời các thành phần kinh tế đầu tư xã hội hóa vào Khu di tích khảo cổ Cát Tiên các hệ thống nhà hàng, khách sạn... nhằm nâng cấp Khu di tích trở thành một nơi tham quan, nghỉ dưỡng tiêu chuẩn trong khu vực 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng.
 
N.ÐỒNG - L.MINH