Cùng góp sức xây dựng nông thôn mới

08:12, 23/12/2016

Cũng như các địa phương khác, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) có nhiều gương điển hình tiêu biểu trong phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới" (NTM). Mỗi người có một cách, riêng với chị Lê Thị Ngân, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 12, xã Hòa Ninh lại có cách làm rất "khéo"...

Cũng như các địa phương khác, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) có nhiều gương điển hình tiêu biểu trong phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới” (NTM). Mỗi người có một cách, riêng với chị Lê Thị Ngân, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 12, xã Hòa Ninh lại có cách làm rất “khéo”. Nhờ vậy, chị đã thỏa lòng khi vận động được chị em trong thôn tham gia đóng góp làm đường, xây dựng hội trường thôn, trồng hoa và cây xanh, phân loại và xử lý rác thải… để góp sức xây dựng NTM.
 
Chị Lê Thị Ngân Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 12, xã Hòa Ninh
Chị Lê Thị Ngân Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 12,
xã Hòa Ninh
Dẫn chúng tôi đi thăm một tuyến đường liên thôn mới đổ bê tông xong và hội trường thôn 12 vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng, chị Lê Thị Ngân kể về quá trình vận động nhân dân chung tay, góp sức xây dựng NTM tại thôn 12, nơi chị và gia đình sinh sống. “Khi có chủ trương xây dựng NTM thì ai cũng mừng, cũng thích cả. Nhưng khi vận động mọi người cùng đồng lòng đóng góp thì không phải là chuyện dễ…” - chị Ngân trải lòng. 
 
Theo lời chị Ngân kể, trong những năm vừa qua, là một cán bộ Hội Phụ nữ, chị luôn trăn trở với trách nhiệm được giao và tích cực, sâu sát trong mọi hoạt động ở địa bàn khu dân cư. Chị thấu hiểu và luôn đau đáu nỗi lo khi đời sống của người dân, nhất là các cháu nhỏ, còn khó khăn vất vả, ngày ngày qua lại trên con đường xóm lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa. Từ đó, năm 2015, chị đã đề xuất và được Chi bộ, Ban Nhân dân và Ban Công tác Mặt trận thôn 12 đồng ý cho phép vận động bà con đóng góp tiền và công sức để nâng cấp, đổ bê tông con đường này. Ban đầu, mặc dù không nhận được sự đồng thuận, bà con trong thôn có ý kiến này, ý kiến khác. Có ý kiến cho rằng, việc làm đường là của chính quyền, Nhà nước sẽ cấp kinh phí… Tuy nhiên, chị đã kiên trì, chịu khó gặp gỡ nhiều lần để vận động và thuyết phục bà con. Mặt khác, bản thân gia đình chị cũng như những đảng viên, cán bộ thôn và những gia đình có điều kiện thì gương mẫu đóng góp trước; những gia đình chưa có điều kiện thì “cho nợ” đóng góp sau. 
 
Khi đã có sự đồng thuận của bà con, nhưng cùng một lúc thì không thể có đủ số tiền để làm đường, chị Lê Thị Ngân chịu trách nhiệm tạm ứng và “ký nợ” với các đại lý bán vật liệu xây dựng để mua vật liệu triển khai thi công. Rốt cuộc, chỉ trong một thời gian không lâu, bà con đóng góp hàng trăm ngày công lao động, tuyến đường vào xóm dài 343 mét đã được bê tông hóa xong, với mặt đường rộng 2,5 mét, dày 15 cm, tổng chi phí 172 triệu đồng (hoàn toàn do dân tự đóng góp). 
 
Mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với các ngành và địa phương triển khai khảo sát, thẩm định những mô hình, điển hình “dân vận khéo” để đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen năm 2016. Việc làm của chị Lê Thị Ngân được ghi nhận và đánh giá cao là một điển hình “dân vận khéo”.
“Có được con đường đi lại thuận tiện, sạch sẽ, bà con ai cũng mừng. Bước sang năm 2016, trong niềm hân hoan của cả thôn, tôi lại tiếp tục đề xuất Chi bộ, Ban Nhân dân và Ban công tác Mặt trận thôn cho phép Chi hội Phụ nữ thôn 12 tiếp tục vận động bà con trồng hoa hai bên đường và đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống chiếu sáng ban đêm. Từ khi có con đường mới sạch, đẹp và ban đêm có điện chiếu sáng, tình trạng mất trật tự an ninh không còn xảy ra nữa. Mặt khác, con đường bê tông này còn là nơi để bà con trong thôn luyện tập thể dục thể thao, đi bộ vào mỗi buổi sáng” - chị Lê Thị Ngân cho biết.
 
Không dừng lại ở đó, với vai trò và uy tín của một Chi hội trưởng Phụ nữ thôn, chị Lê Thị Ngân tiếp tục được Chi bộ, Ban Nhân dân và Ban công tác Mặt trận thôn 12 giao nhiệm vụ phối hợp cùng với cán bộ trong thôn vận động bà con đóng góp xây dựng hội trường thôn. Cuộc vận động này đã nhanh chóng đem lại kết quả như mong muốn. Bà con trong thôn đã đóng góp 150 triệu đồng để cùng với kinh phí Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng xong hội trường thôn. 
 
Sau khi có hội trường, chị cùng với Ban cán sự Chi hội Phụ nữ thôn 12 vận động bà con trồng hoa, cây xanh dọc tuyến đường vào hội trường và trong khuôn viên hội trường. Ngoài ra, chị còn vận động hội viên phụ nữ và bà con trong thôn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý rác thải, làm sạch đường làng ngõ xóm.
 
Theo ông Vũ Thế Quyết, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, với vai trò “dân vận khéo” của Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 12, chị Lê Thị Ngân đã có những đóng góp đáng kể để cùng với Chi bộ, Ban Nhân dân và Ban công tác Mặt trận thôn xây dựng thôn 12 trở thành một thôn điển hình, tiêu biểu nhất (so với 16 thôn trong xã) trong phong trào xây dựng NTM. Đặc biệt, từ thôn 12 đã tạo sức “lan tỏa” đến các thôn khác. Chính từ sức lan tỏa này đã góp phần cùng với cả xã Hòa Ninh hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối tháng 11/2016. 
 
XUÂN LONG