Điệu xòe trên cao nguyên cà phê

02:12, 30/12/2016

Tân Đức, thôn có 100% người Thái sinh sống trên quê hương Lâm Đồng thuộc địa bàn xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, vùng đất thường được nhắc đến với danh xưng "Vùng Kinh tế mới Hà Nội". Cùng với những người dân đồng bằng sông Hồng khai khẩn đất mới, người Thái đen, Thái trắng từ Đức Trọng cũng vào lập bản, lập thôn.

Tân Đức, thôn có 100% người Thái sinh sống trên quê hương Lâm Đồng thuộc địa bàn xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, vùng đất thường được nhắc đến với danh xưng “Vùng Kinh tế mới Hà Nội”. Cùng với những người dân đồng bằng sông Hồng khai khẩn đất mới, người Thái đen, Thái trắng từ Đức Trọng cũng vào lập bản, lập thôn. Và Tân Đức hình thành từ ngày ấy với dân cư người Thái quần tụ chung sống, làm ăn và lưu giữ truyền thống văn hóa từ dòng chảy lịch sử xa xưa.
 
Quê cũ của họ ở miền Tây Bắc xa xôi, những địa danh Sơn La Lai Châu, Mường Thanh Bản Phón chỉ còn là những cái tên được ông bà, cha mẹ nhắc nhớ cho con cháu như hoài niệm xa xưa. Ở quê mới Lâm Đồng, họ đã thực sự hòa mình vào cộng đồng các dân tộc chung sống êm ả trên cao nguyên cà phê, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng có.
 
Những ngày cuối năm, khi cây cà phê chín đỏ, đất cao nguyên bừng lên vẻ rạng rỡ và người Thái Tân Đức cũng mê mải với những hạt cà phê nặng trĩu ấm no. Bà Má Thị Ngọc Thái, người phụ nữ Thái đúng ở tuổi 60 tâm tình, cư dân làng thái giờ sống chủ yếu bằng cây cà phê. Lúa nước, cây trồng chính của người Thái xưa giờ chỉ còn rất ít, mỗi nhà vài đám trồng lấy gạo ăn cho đỡ nhớ. Trồng lúa nước, nghề cũ cha ông truyền lại từ những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc giờ đã nhường đường cho cây cà phê xứ núi. Chỉ cánh đồng lúa nước rộng ngay trước làng Thái, bà bảo mỗi sào lúa trồng cả năm được vài triệu bạc, giờ bà con chỉ còn rất ít ruộng làm lúa. Còn lại, chủ yếu là trồng cà phê. Như niên vụ 2016 này, cà phê có giá, làng Thái đang rộn ràng thu hái và chờ một mùa xuân vui.
 
Xa quê đến thế, làng Thái vẫn giữ đầy phong vị, bản sắc của người Thái Tây Bắc. Những ngày lễ, ngày tết, trong bữa ăn của người Thái Tân Văn không thể thiếu những món ăn đầy màu sắc, hương vị cổ truyền như bất cứ người Thái nào trên đất Việt. Đó là khẩu lam (cơm lam), món cơm được nướng từ những ống tre non, nhắm giản (thịt hun khói), pa pỉnh tộp (cá nướng), món cá suối được nướng với gia vị và phong cách của riêng người Thái. Khẩu hang, món cốm dẹp Thái được nấu công phu từ những hạt nếp vừa chắc đòng cũng là món ăn người mẹ, người bà truyền dạy cho những cô gái Thái biết và làm trong mỗi dịp lúa mới. Đặc biệt, món khẩu cắm, thứ cơm nếp được nấu với một loại lá, cho ra màu tím cẩm hấp dẫn là món truyền thống không chỉ được sử dụng vào dịp lễ hội mà ngay cả ngày thường, người phụ nữ Thái vẫn hay làm cho gia đình thưởng thức. Màu tím cẩm ấy xuất phát từ một loại cây bụi lá nhỏ mà hầu hết gia đình người Thái Tân Đức nào cũng trồng một khóm trong vườn nhà. Khẩu cắm được đựng trong cón khẩu, dụng cụ hình tròn được đan bằng mây và được người Thái ăn bằng tay, đúng như truyền thống xa xưa để lại. 
 
Ngày lễ ngày tết, ăn ngon rồi, những chàng trai, cô gái Thái còn mặc quần áo đẹp đi nhảy sạp, ném còn. Người phụ nữ Thái nào, dù già hay trẻ, từ cô bé con đều có những bộ trang phục truyền thống với chiếc áo ngắn xửa cỏm mặc với xỉn, chính là chiếc váy dài dịu dàng cuốn theo từng bước chân. Xửa cỏm được may bó sát theo từng đường cong cơ thể với điểm đặc trưng là hàng cúc bướm bằng bạc. Bà Má Thị Ngọc Thái kể, ngày xưa gả con gái đi lấy chồng, của hồi môn người mẹ cho là bộ cúc bướm bằng vàng hay bạc. Người Thái trắng mặc xửa cỏm trắng, người Thái đen xửa cỏm có thể màu trắng, có thể là áo màu hồng, xanh, đỏ, tím… Khăn piêu cũng là món đồ của người Thái đen, phụ nữ Thái trắng để tóc xuông dài. Đặc biệt, tằng cẩu, kiểu búi tóc lên đỉnh đầu của người phụ nữ Thái đen báo hiệu người đã có gia đình giờ chỉ còn lại ở vài bà cụ già bởi nhiều bất tiện trong cuộc sống, ví dụ như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. 
 
Một điều làm người xung quanh nhớ đến làng Thái Tân Đức chính là nghề cổ truyền đặc biệt của làng: nghề đan chài. Bốn bề bao quanh là cao nguyên nhưng người Thái Tân Đức vẫn giữ nghề cổ truyền, đan chài chuyên phục vụ nghề chài lưới. Những mét cước mỏng manh, dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái trở thành những chiếc chài mắt dày chuyên chài cá trong ao hồ, sông suối. Ở Tân Đức, phụ nữ ai cũng biết đan chài. Những chiếc chài của cư dân làng Thái cung cấp cho khắp vùng Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương, đánh cá từ sông Đạ Dâng, Đại Ninh, Đa Nhim... Hôm nay, làng Thái có thêm một nghề mới từ nghề đan chài, đó là đan lưới trồng hoa phục vụ cho những vườn hoa nhà kính.
 
Dòng Nậm Na chảy về biển, Đạ Dâng cũng hòa chung với đại dương. Dù đã xa những dãy núi Tây Bắc chập chùng nhưng người Thái vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Và, giữa cao nguyên đất đỏ, điệu xòe vẫn vang lên rộn rã, hòa nhịp với tiếng rì rầm của núi rừng Tây Nguyên. 
 
DIỆP QUỲNH