Nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm

08:12, 09/12/2016

Ðể làm nơi thờ cúng Thành Hoàng, bàn việc làng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, dân làng Kế Môn - Huế ở phường 12, Ðà Lạt đã đóng góp gần 1,3 tỷ đồng để xây lại ngôi đình tại phường.

Ðể làm nơi thờ cúng Thành Hoàng, bàn việc làng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, dân làng Kế Môn - Huế ở phường 12, Ðà Lạt đã đóng góp gần 1,3 tỷ đồng để xây lại ngôi đình tại phường.
 
Một người thợ đang hoàn thiện bức bình phong trước đình làng Kế Môn. Ảnh: V.Trọng
Một người thợ đang hoàn thiện bức bình phong trước đình làng Kế Môn. Ảnh: V.Trọng
Những ngày cuối tuần trong tháng 11, lúc nào địa điểm xây đình làng Kế Môn ở phường 12 - Đà Lạt cũng nhộn nhịp. Không chỉ nhóm thợ gấp rút thi công công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện mà người dân trong phường cũng lên đây mỗi người góp một tay, người bưng gạch phụ việc, người lau dọn, người quét sân, cùng nhìn ngắm ngôi đình mới của làng mình đang hiện hữu dần từng ngày.
 
“Đầu tháng 12 dương lịch này sẽ xong, tết này làng có ngôi đình mới để cúng làng rồi, phải mất hơn 10 tháng với bao chuẩn bị lo toan” - ông Bùi Vang, 86 tuổi, Phó Trưởng làng Kế Môn - Huế ở phường 12 - Thái Phiên, Đà Lạt vui mừng kể lại.
 
Theo ông Vang, người Huế vào lập nghiệp tại đất Đà Lạt từ những năm 50 của thế kỷ trước, trong đó có dân của làng Kế Môn - thành phố Huế. Hồi đó cộng đồng Huế trong đó có dân làng Kế Môn ở tản mác nhiều nơi, nhiều nhất là ở trên phố Đà Lạt làm nghề mua bán, nhiều người sau đó quần tụ dần về vùng đất Thái Phiên - ngoại ô của Đà Lạt để làm nông nghiệp. Thái Phiên đến nay là một phường giàu có của Đà Lạt, nổi tiếng với nghề trồng hoa công nghệ cao, nơi tập trung cộng đồng người Huế đông nhất tại Đà Lạt hiện nay.
 
Như truyền thống của người Việt, cộng đồng các làng Huế khi đi đến đâu lập nghiệp cũng cố gắng tập hợp người trong làng với nhau, cùng huy động mọi người trong làng chung tay đóng góp xây đình làng. Không chỉ để thờ Thành Hoàng và các bậc tiên hiền có công đức của làng mà đình làng còn là nơi tập họp bà con trong làng khi có dịp. Đình làng Kế Môn đầu tiên, theo ông Vang, được dân làng xây vào năm 1950 tại khu vực số 4 của Đà Lạt; đến năm 1973 chuyển về vùng Thái Phiên - phường 12 và xây tại số 15 đường Thái Phiên hiện nay. Mảnh đất này vốn của một gia đình người trong làng ăn nên làm ra mua tặng cho làng, còn làng đóng góp tiền để xây ngôi đình. Tuy nhiên, ngôi đình cũ theo thời gian đã xuống cấp. 
 
So với ngôi đình cũ thì công trình mới này có diện tích rộng hơn trước khá nhiều với khu thờ rộng rãi, mái đúc, bên ngoài lợp ngói chắc chắn, cửa gỗ với hoa văn theo kiểu Huế, cổng vào có bình phong đẹp, sân tế rộng rãi. Bên cạnh đình, lần này còn làm mới thêm ngôi nhà rộng gần 100 m2 dùng làm nơi sinh hoạt, hội họp bà con trong làng. 
 
Theo ông Vang, trong làng cũng có qui định mức chung để người làng cùng đóng góp xây lại đình, nhưng toàn bộ hầu như ai cũng đóng vượt mức đó, không chỉ các gia đình trong làng ở Thái Phiên mà quanh Đà Lạt, cả những người con của làng nay đi làm ăn lập nghiệp ở xa, có người ở thành phố Hồ Chí Minh cũng gửi tiền về đóng góp, có gia đình góp vài triệu, có người góp đến 20 triệu đồng. “Anh coi, Thái Phiên bây giờ toàn nhà cao tầng, nhà biệt thự, nhờ trồng hoa, trồng rau đất trời phù hộ ai ai cũng ăn nên làm ra, để ngôi đình cũ xập xệ như vậy nhìn sao được” - ông Vang nói.
 
Tại phường 12 - Thái Phiên hiện nay, bên cạnh đình làng Kế Môn còn có 3 ngôi đình làng của các làng khác trong cộng đồng người Huế nơi đây là đình làng Phước Yên, đình làng Nam Phò và đình làng Thanh Lương, thêm một ngôi đình làng chung của phường là đình Thái Phiên. Tất cả đều được sửa sang, tu bổ lại trong những năm gần đây. 
 
Nếu chịu khó làm một chuyến vòng quanh Ðà Lạt, sẽ phát hiện ra rất nhiều ngôi đình làng đang tồn tại ở thành phố này. Nhiều cộng đồng dân cư từ các nơi đến đây lập nghiệp đã mang theo cả tập tục sinh hoạt của mình đi theo, trong đó có đình làng. 
 
Đình làng theo nghĩa nào đó không đơn thuần chỉ là ngôi nhà với mái ngói, tường vôi, cột gỗ..., đó là nơi quá khứ kết nối với hiện tại, nơi gửi gắm tinh thần của cả cộng đồng vào trời đất cầu mong mưa thuận gió hòa, bình an khỏe mạnh; nơi những con người xa xứ tìm thấy mình trong cộng đồng; nơi tình làng nghĩa xóm lên tiếng với nhau lúc tối lửa tắt đèn. Trong ý nghĩa này, thật vui khi thấy thêm một ngôi đình làng nữa lại được tu bổ xây mới trên đất Đà Lạt. 
 
VIẾT TRỌNG