Păng Tiêng - Chồi non trên đất hoang

08:12, 09/12/2016

Păng Tiêng trước đây là một vùng đất hoang sơ, bao quanh là đồi núi trùng điệp. Dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Ho, từ những năm 1990 mới bắt đầu có người Kinh đến lập nghiệp. Dân Păng Tiêng từ hai bàn tay trắng đi lên, họ được ví tính cách "hiền như đất". Chính con người nơi đây đã mang đến nhiều đổi mới cho vùng đất một thời hoang vu này.

Păng Tiêng trước đây là một vùng đất hoang sơ, bao quanh là đồi núi trùng điệp. Dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Ho, từ những năm 1990 mới bắt đầu có người Kinh đến lập nghiệp. Dân Păng Tiêng từ hai bàn tay trắng đi lên, họ được ví tính cách “hiền như đất”. Chính con người nơi đây đã mang đến nhiều đổi mới cho vùng đất một thời hoang vu này.
 
Chú Hồng Anh chăm chút vườn bí xanh, trên mảnh đất còn nhiều hoang sơ nay đã có nhiều hoa trái. Ảnh: H.Đức
Chú Hồng Anh chăm chút vườn bí xanh, trên mảnh đất còn nhiều hoang sơ nay đã có nhiều hoa trái.
Ảnh: H.Đức
Gian nan thử sức 
 
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 30 km, chúng tôi di chuyển trên con đường giăng đầy sương mù từ trung tâm thành phố theo lối Thung lũng Vàng hỏi đường về Đạ Nghịt, tìm đến thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương trong một ngày mưa phùn.
 
Con đường dài quanh co, bao quanh những triền đồi đẹp hùng vĩ. Đi xe máy qua hơn 20 km đường nhựa, chúng tôi còn phải đi qua hơn 10 km đường đất. Những con dốc cao vút, đoạn khúc khuỷu quanh co đã được trải đá dăm nhỏ. Thỉnh thoảng, tôi rung người trước những đoạn dốc cao. Đá rải trên đường làm xe trẹo bánh liên tục. Đường khó là vậy nhưng người dân ở đây đi đường tự tin lắm. Họ chạy băng băng, tay lái vững vàng... Chú Hồng Anh (49 tuổi) sống ở thôn Păng Tiêng từ những năm 2000, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ly trà ấm. Chú Anh kể về ngày chú đến Păng Tiêng lập nghiệp với hai bàn tay trắng. “Ngày đó, dân cư thưa thớt với chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cơ Ho. Người dân chỉ biết trồng mỗi cây lúa, rải giống xuống đất, chẳng mấy chăm sóc nên không có năng suất, may ra thì đủ ăn. Dân Cơ Ho lúc đó lên rừng săn bắt, chặt cây đốt than đi bán lấy tiền sinh sống. Những năm gần đây, người dân mới tập trồng trọt”. 
 
Từ những ngày đầu tiên gắn mình với mảnh đất này, chú Anh và bà con nơi đây gặp khó khăn vô kể. “Vụ đầu tiên, mình trồng thử bắp và khoai môn. Cứ nghĩ hai loại cây ấy dễ trồng, lại bảo quản được lâu; nào ngờ lao đao chuyện giống má, cây bị sâu bệnh, trầy trật lắm mới xong vụ mùa. Trồng xong, tới ngày thu hoạch mới nghĩ đến chuyện bán hoa trái ở đâu. Lúc đó, đường sá khó đi, mình đào một củ khoai làm mẫu rồi lái xe máy xuống chợ Đức Trọng tìm chỗ bán. Giai đoạn đó gian nan lắm nhưng rồi cũng vượt qua, đi hết từ ngày này qua ngày khác rồi cũng bán được nông sản” - chú Hồng Anh kể.
 
Trời không phụ lòng người
 
Là người gắn nghiệp với đất Păng Tiêng, anh Lực (31 tuổi) quê gốc ở Thanh Hóa sau nhiều năm tìm chốn trú chân, cơ duyên mang anh đến vùng đất này, trải qua nhiều trăn trở để kiếm kế sinh nhai bằng việc trồng rau trái. Hơn một năm vào Păng Tiêng lập nghiệp, anh Lực đã là người tiên phong đi đầu trong việc ươm giống trồng cây cà tím thành công trên mảnh đất này. 
 
Gặp anh Lực ngoài vườn cà tím vừa thu hoạch, những bịch ni lông căng đầy nông sản đang để sẵn chỉ chờ chuyển lên xe chở đến nơi tiêu thụ. Hôm nay là ngày thu hoạch cuối, anh chuẩn bị thay cây mới. Anh Lực tâm sự: “Nghề nông phụ thuộc vào ông trời, mình có đôi bàn tay thôi chưa đủ, làm nông nghiệp bây giờ phải có kiến thức, kỹ thuật, biết mùa nào trồng cây gì với đất gì cho phù hợp. Dân ở đây còn nghèo nàn, lạc hậu. Mình làm tiên phong thì phải chấp nhận có khi chịu mất trắng tay; cả vụ mùa nông sản không tiêu thụ được; giá cả lúc lên lúc xuống; giống, máy, thuốc men đội giá lên ngày một..., khổ trăm bề!”. 
 
Anh Lực đưa tay quệt mồ hôi rồi tiếp chuyện: “Mình tự làm đất, tìm tòi kỹ thuật canh tác. Lúc mới mua cây cà tím con về trồng bị chết sạch, giai đoạn đó tôi thấy lao đao, lo lắng. Nhưng rồi tôi quyết tâm học cách tự ươm cây giống, tìm đến vài vườn ươm lớn để học hỏi rồi về tự làm. Lần đầu tiên cũng bị mất trắng”. 
 
Từ những thất bại đầu tiên, anh Lực vẫn không bỏ cuộc, anh lên mạng tìm hiểu thêm về giống cây và thổ nhưỡng của Păng Tiêng. Đến những lần sau, có cây sống cây chết, có thêm nhiều kinh nghiệm và tạm xem là thành công bước đầu. Anh Lực bảo “Trời không phụ lòng người”. Sau khi anh ươm giống và trồng thành công cây cà tím trên đất Păng Tiêng, một vài hộ trong thôn bắt đầu học hỏi và trồng trên đất của mình. Đến nay, cả thôn có 4 hộ trồng cây cà tím. Giá thu mua tại vườn dao động 2.000 đồng - 4.000 đồng/kg, thời điểm giá cao nhất là 6.000 đồng/kg. Anh Lực cho biết: “Giá cả hên xui lắm, mình làm đủ ăn, còn bán không lỗ tiền giống vui rồi”.
 
“Dân Păng Tiêng trồng trọt hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi ưu tiên sản phẩm hữu cơ sinh học. Người Păng Tiêng sống yêu thương và chân thật nên tự ý thức bảo vệ nhau. Hằng ngày, chúng tôi trồng gì ăn nấy, bán thứ mình trồng nên nhiều vụ mùa chỉ đủ huề vốn là mừng rồi. May mắn là tìm được mảnh đất lành, dân nơi đây sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Trong xóm mười mấy năm nay chẳng bao giờ có chuyện mất cắp, đi làm để cửa nẻo không đóng mà chả bao giờ mất mát. Hàng xóm thiếu rau, thiếu gạo, mang biếu nhau qua lại, người khỏe mạnh giúp người đau ốm. Những ngày rằm, lễ hội, cả làng kéo nhau ra nhà sinh hoạt cộng đồng vui chơi trò chuyện. Đời sống người dân yên bình và lạc quan lắm” - anh Lực kể.
 
Vẫn mong chờ những con đường mới
 
Anh Trần Đình Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Lát, huyện Lạc Dương kể lại: “18 năm trước, khi tôi về nhận công tác, ấn tượng đầu tiên của tôi là con đường quá gian nan, lúc đó chỉ có cách duy nhất là đi bộ, xe máy, ô tô không cách nào di chuyển được vào thôn. So với bây giờ, đời sống người dân tuy còn nhiều khó khăn nhưng xe cộ có thể đi lại được đã là đáng mừng”. 
 
Toàn thôn Păng Tiêng có 240 hộ dân, nơi chúng tôi đến là thông Păng Tiêng 1, với 102 hộ sinh sống, trong đó 52 hộ là người đồng bào dân tộc Cơ Ho. Khu này chỉ mới có điện lưới quốc gia thắp sáng được ba năm trở lại đây. 
 
“Trước đây, người dân bản địa chỉ trồng cây lúa và lên rừng tìm kế sinh nhai. Mười năm trở lại đây, theo chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhà nước, người dân đã tìm hiểu canh tác thêm cây cà phê và các loại hoa màu. Đa phần người dân làm nông nghiệp để đáp ứng đời sống tự cấp tự túc là chính, một số hộ người Kinh muốn phát triển thêm nên đã tự tìm kiếm đầu ra cho nguồn nông sản của gia đình như chú Hồng Anh và anh Lực là điển hình” - anh Thể tâm sự.
 
Người dân sống ở xã Lát được cấp bảo hiểm y tế miễn phí theo chính sách ưu đãi của nhà nước đối với khu vực vùng đặc biệt khó khăn. 
 
Khó khăn lớn nhất của người dân hiện tại là đường sá đi lại, nếu giao thông tốt, đời sống người dân sẽ nhanh chóng được cải thiện, hoa trái trồng được sẽ dễ dàng mang đi tiêu thụ, giảm bớt một khoản lớn chi phí trong việc vận chuyển. Trẻ em đến trường sẽ bớt vất vả trên những con đường trơn trượt ngày mưa gió, khi mà con đường đến trường cấp 2 cách thôn 5 km, cấp 3 cách 30 km.
 
Chúng tôi nuôi hy vọng sẽ sớm có sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước, để đổi mới những con đường của vùng đất lành này trong một tương lai gần.
 
HỒ ÐỨC