Sáu lĩnh vực chính của thành phố thông minh

08:12, 22/12/2016

Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) đã tổng kết trên 100 định nghĩa và đưa ra một khái niệm tổng quát về thành phố thông minh (TPTM) mà ở đó "Một thành phố thông minh bền vững (Smart Sustainable City - SSC) là một thành phố sáng tạo có sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện thông minh khác để cải thiện chất lượng cuộc sống

Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) đã tổng kết trên 100 định nghĩa và đưa ra một khái niệm tổng quát về thành phố thông minh (TPTM) mà ở đó “Một thành phố thông minh bền vững (Smart Sustainable City - SSC) là một thành phố sáng tạo có sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện thông minh khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả hoạt động đô thị và dịch vụ, có tính cạnh tranh cao trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu kinh tế - xã hội, môi trường ở hiện tại và trong tương lai”.
 
6 lĩnh vực cơ bản của thành phố thông minh
6 lĩnh vực cơ bản của thành phố thông minh
Khi xây dựng đề án TPTM, các nhà hoạch định chính sách thường xem xét các yếu tố về lịch sử, văn hóa, con người, điều kiện tự nhiên… để có chiến lược phù hợp nhất. Phần lớn các đề án TPTM nằm ở các nước phát triển và đang phát triển đều rơi vào thể loại can thiệp thông minh vào các thành phố hiện có và được gọi là các đề án “Brownfield” (tái sinh). Nhưng, cũng có các đề án bắt đầu xây dựng TPTM “mới” từ đầu, như Fujisawa, Kashiwanoha, Songdo, Putrajaya… và được gọi là các đề án “Greenfield”. 
 
Tất cả các nhà hoạch định đều nhất trí rằng TPTM thuộc thể loại Greenfield sẽ tốt hơn các TPTM thuộc thể loại Brownfield. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dường như các địa phương đang có đề án xây dựng TPTM đều thuộc thể loại Brownfield. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ đề cập đến đề án loại Brownfield và được nhóm lại dưới 6 lĩnh vực bao gồm: Giao thông thông minh, Kinh tế thông minh, Cuộc sống thông minh, Chính quyền thông minh, Con người thông minh và Môi trường thông minh. Những yếu tố cụ thể liên quan đến 6 lĩnh vực của TPTM sẽ phát triển theo thời gian và phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể, giai đoạn phát triển cụ thể của từng TPTM. 
 
TPTM Putrajaya của Malaysia được xem là công trình đô thị thông minh tiêu biểu theo mô hình Greenfield. Trong ảnh: Thánh đường Hồi giáo Putra là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc của Putrajaya, được xây dựng bằng đá granite có sắc hồng, là điểm đến du lịch. Ảnh: Nhật Quân
TPTM Putrajaya của Malaysia được xem là công trình đô thị thông minh tiêu biểu theo mô hình Greenfield. Trong ảnh: Thánh đường Hồi giáo Putra là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc của Putrajaya, được xây dựng bằng đá granite có sắc hồng, là điểm đến du lịch.
Ảnh: Nhật Quân
Chính quyền thông minh (Smart Governance)
 
Chính quyền thông minh liên quan đến chính sách qui hoạch mở rộng đô thị với sự hợp tác điều hành các dịch vụ công. Chính quyền thông minh lý tưởng là một hệ thống đối thoại xuyên suốt, triển khai chính quyền điện tử đa cấp, cho phép người dân tham gia vào các cấp quyết định khác nhau. Nó đặc trưng cho sự cân bằng của xử lý thông tin, quan hệ đối tác và toàn cầu hóa. 
 
Chính quyền thông minh có các đặc điểm chính, là: Trách nhiệm, kịp thời và minh bạch trong quản trị chính quyền; Sử dụng Big data, hệ thống hỗ trợ ra quyết định và công nghệ không gian địa lý trong việc quản lý đô thị; Liên tục đổi mới (chính phủ điện tử) vì lợi ích của người dân và cộng đồng; Liên tục cải thiện năng lực để cung cấp các dịch vụ công hiệu quả hơn; Có sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách, lập kế hoạch, dự toán ngân sách, thực thi và giám sát; Có chiến lược phát triển đô thị rõ ràng, công khai và bền vững, tập trung vào việc kết hợp các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; Quản lý đô thị hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và thân thiện; Thực hiện chính sách dân chủ điện tử; Hoạt động dựa trên mô hình đường xoắn ốc 3 chiều (Triple Helix Model) giữa chính quyền, khoa học và kinh doanh.
 
Kinh tế thông minh (Smart Economy)
 
Kinh tế thông minh liên quan đến giao dịch kinh tế toàn diện, tin cậy để sản xuất hàng hóa và dịch vụ linh hoạt với tính cạnh tranh về sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, năng suất, hội nhập, được sự hỗ trợ đắc lực của ICT. Kinh tế thông minh của thành phố thông minh giống như mật mã di truyền của sự sống (DNA), phát triển cân bằng và bền vững: Hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu từ lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh doanh… đến các lĩnh vực văn hóa, di sản, kiến trúc, qui hoạch…; Trân trọng và khuyến khích tính sáng tạo và ý tưởng mới; Có lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán; Hỗ trợ và tạo cơ hội cho công dân hội nhập kinh tế đa thành phần, tạo ra nhiều việc làm; Sẵn sàng ứng phó với những thách thức và cơ hội của kinh tế toàn cầu, hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ, cạnh tranh mạnh trong khu vực và thế giới; Có chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực đặc thù; Phát triển và hỗ trợ thương hiệu quốc gia; Là điểm đến du lịch hấp dẫn; Lựa chọn đúng các sản phẩm đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; Có chính sách thu hút nguồn nhân lực và các ý tưởng làm giàu, năng suất lao động cao, thị trường lao động có tính linh hoạt; Quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững.
 
Môi trường thông minh (Smart Environment)
 
Môi trường thông minh liên quan đến việc chăm sóc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, quản lý bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, sản xuất và tiêu thụ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Môi trường thông minh có các đặc điểm: Có cuộc sống thân thiện, gần gũi, gắn bó với tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên; Bảo tồn và phát triển tính độc đáo của di sản thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; Quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả; Tạo cơ hội vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi; Là một thành phố xanh - sạch, có không gian công cộng; Có các “phòng khách ngoài trời”, được thiết kế thẩm mỹ, thân thiện, năng động, là nơi giao lưu văn hóa và cảm nhận sự thú vị của cuộc sống; Có các khu phố đặc biệt sôi động, láng giềng thân thiện và có tinh thần cộng đồng cao; Khai thác nguồn tài nguyên và phong cảnh thiên nhiên hợp lý, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tích hợp các hệ thống quản lý cấp - thoát nước, giám sát lũ lụt, ngập úng để chống chọi tốt với nguy cơ biến đổi môi trường; Bảo tồn và tiết kiệm nguồn nước, ứng cứu kịp thời cho các khu vực khô hạn; Có hệ thống quản lý và xử lý hiệu quả nguồn nước thải và tái sử dụng nguồn nước hiệu quả, đặc biệt là hệ thống thu thập nguồn nước thải công nghiệp; Có hệ thống tích hợp quản lý, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng hiệu quả nguồn chất thải bệnh viện, công nghiệp và chất thải độc hại; Có hệ thống giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, kho vận; Đủ năng lực để ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên nhiên, biến đổi khí hậu; Có thể tạo ra môi trường Carbon thấp, tập trung vào năng lượng hiệu suất cao, năng lượng tái tạo.
 
Giao thông thông minh (Smart Mobility)
 
Giao thông thông minh liên quan đến việc ứng dụng ICT vào hệ thống giao thông vận tải một cách sáng tạo và bền vững, quản lý và giám sát các phương tiện công cộng và cá nhân theo thời gian thực để giảm thiểu ùn tắc. Giao thông thông minh không chỉ tập trung vào di chuyển của cá nhân mà cho tất cả các phương tiện; Khuyến khích đi bộ, hoặc xe đạp và xe chia sẻ; quản lý lưu lượng giao thông cân bằng, hiệu quả giảm tắc nghẽn; có các tuyến đường thú vị dành riêng (xe đạp); có các hệ thống vận chuyển nhanh và liên kết di chuyển tốc độ cao như xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT), tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… giữa các khu dân cư, công sở, khu giải trí…; có hệ thống đường dành riêng thông suốt cho người tàn tật; có các điểm đậu, đỗ xe an toàn hợp lý.
 
Con người thông minh (Smart People)
 
Con người thông minh liên quan đến xã hội, nguồn nhân lực, bình đẳng, bình quyền, tri thức, tinh thần học tập sáng tạo trong cộng đồng. Các trường đại học được tích hợp vào trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Con người thông minh có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, có chỉ số phát triển con người (HDI) cao; cư dân có thể lựa chọn mô hình tự học dài hạn hoặc e-learning, nhưng vẫn bảo đảm có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, làm việc linh hoạt và có khả năng thích nghi với môi trường khách quan; thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao như các kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề; sáng tạo và tìm ra các giải pháp phù hợp để vượt qua thách thức; có tinh thần quốc tế, tính cởi mở và hòa nhập văn hóa; duy trì một lối sống lành mạnh; tích cực tham gia vào sự phát triển bền vững của thành phố, giúp cho chính quyền thành phố hoạt động hiệu quả hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. 
 
Cuộc sống thông minh (Smart Living)
 
Cuộc sống thông minh liên quan đến chất lượng và lối sống an toàn. Nó bao gồm một hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ cuộc sống như nhà ở, môi trường làm việc, điều kiện chăm sóc sức khỏe; cơ hội việc làm, hợp tác và chia sẻ với cộng đồng; điều kiện tiếp cận với giáo dục và môi trường thiên nhiên... Cuộc sống thông minh có các đặc điểm: được sống tốt và được chia sẻ trong không gian công cộng mở chất lượng cao; có giá trị về lịch sử, văn hóa và tự nhiên; là một trung tâm văn hóa sôi động 24/7; an toàn và lý tưởng cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ, người già và trẻ em; cải thiện cuộc sống đô thị, di sản văn hóa, tự nhiên để nâng cao chất lượng cuộc sống; không chỉ quan tâm đến bức tranh tổng thể cuộc sống đô thị mà còn quan tâm đến cuộc sống của từng người dân; có các dịch vụ công cộng tiện ích và chất lượng; có nhiều lễ hội tôn vinh con người, cuộc sống và thiên nhiên; có các sự kiện tôn vinh các giá trị và nguyện vọng của cộng đồng; trình diễn, thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật, văn hóa và di sản thiên nhiên; các nghệ sỹ tham gia cải thiện và làm phong phú thêm tính thẩm mỹ trong cuộc sống hàng ngày của thành phố.
 
Ths. HỒ QUANG HUỆ