Cách đây 70 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước.
Cách đây 70 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước.
|
Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Ảnh Tư liệu |
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, cùng một lúc phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài; đó là giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm. Tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong bối cảnh đó, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp phát xít Nhật, chúng đã gây hấn ở Nam bộ, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ đã kiên trì, khéo léo, hòa hoãn với thực dân Pháp để củng cố lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Song, những thỏa thuận với Pháp đều không được thực hiện. Tháng 11/1946, quân Pháp chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Tại Hà Nội, chúng đã gây sức ép, đe dọa, khiêu khích, nổ súng bắn vào bộ đội và nhân dân ta. Dã tâm gây hấn của thực dân Pháp bộc lộ rõ rệt nhất khi chúng gửi tối hậu thư buộc ta phải hạ vũ khí, chậm nhất là ngày 20/12/1946 quân Pháp sẽ nắm quyền cai quản Hà Nội.
Trước tình thế nghiêm trọng đó, với trọng trách và tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, vào 20 giờ ngày 19/12/1946, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngày 19/12/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi, hào hùng của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược, là biểu tượng về sức mạnh của ý chí và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việc phát động Toàn quốc kháng chiến chứng tỏ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định đúng tình hình, đánh giá đúng âm mưu và hành động của kẻ thù; đồng thời cũng thấy rõ lực lượng và khả năng mọi mặt của ta. Từ đó, đi đến lựa chọn đúng thời cơ, thời điểm và địa điểm là thủ đô Hà Nội để chủ động nổ súng tiến công kẻ thù xâm lược nhằm giành lấy lợi thế ngay từ những ngày đầu; đồng thời chủ động chuyển cả nước vào kháng chiến trường kỳ một cách nhanh chóng.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến, nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu của Toàn quốc kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Những bài học kinh nghiệm đó là:
Thứ nhất, bài học về hoạch định đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo. Ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn (23/9/1945), Ðảng ta đã xác định “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp” và “Cuộc cách mạng Ðông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Trên cơ sở đó, Đảng đã đề ra chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc và đường lối trường kỳ kháng chiến với mục tiêu cơ bản, xuyên suốt là: giành độc lập cho dân tộc. Và trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, Hồ Chủ tịch cũng đã nêu rõ đây là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài; với phương châm: tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính.
Thứ hai, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược. Truyền thống đoàn kết, yêu nước được Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy thông qua Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” và “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”; trong đó, nhấn mạnh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Nhờ vậy, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của toàn dân, toàn quân, quyết chiến, quyết thắng chống lại kẻ thù xâm lược.
Thứ ba, tạo lập và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Trước những hành động mới của kẻ thù, ngày 13/12/1946, Hội nghị các khu trưởng họp tại thị xã Hà Ðông đã quyết định: “Phải chuẩn bị cấp tốc để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và trường kỳ”; vạch kế hoạch tác chiến chung và phương án phá hoại, làm “vườn không nhà trống”. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, bộ chỉ huy các khu, các thành phố, thị xã đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến và tiến hành chuẩn bị về mọi mặt. Nhờ đó, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, mặc dù điều kiện chiến đấu không cân sức song bằng thế trận được tạo lập và xây dựng vững chắc, chúng ta vẫn tổ chức thành công những đợt tác chiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là tác chiến trong các đô thị, tiêu biểu là thủ đô Hà Nội.
Thứ tư, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt để bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay từ Hội nghị quân sự toàn quốc (10/1946), Ðảng đã xác định xây dựng lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, thực hiện chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang hóa toàn dân của Ðảng, hàng triệu nam, nữ thanh niên đã hăng hái tham gia dân quân tự vệ. Nhờ đó, lực lượng vũ trang từ chỗ chỉ có khoảng 5.000 người (8/1945), đến tháng 12/1946 đã có hơn 85.000 cán bộ, chiến sĩ, tăng gấp 70% so với cuối năm 1945.
Thứ năm, nhạy bén, tỉnh táo nắm bắt tình hình thời cuộc, đón nhận, tận dụng cơ hội, cũng như đương đầu, hóa giải thách thức để xây dựng và phát triển lực lượng. Chọn đúng thời cơ, thời điểm phát động Toàn quốc kháng chiến, nhằm giành lấy chủ động trong thế bị động, trong hoàn cảnh kém đối phương về sức mạnh quân sự, kinh tế… là minh chứng sinh động và sâu sắc về tính chủ động, sáng tạo trong xử lý những vấn đề, những tình huống phức tạp, khó lường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đồng thời, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, nhận thấy địch mạnh hơn ta, Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế".
Thứ sáu, tạo dựng niềm tin mãnh liệt của toàn dân đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Thực tế Toàn quốc kháng chiến đã cho thấy, một khi nhân dân đặt niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, thì dù có khó khăn, gian khổ, hy sinh đến đâu, nhân dân vẫn tự nguyện kết thành một khối thống nhất vững chắc, tạo nên sức mạnh vô địch để đánh thắng kẻ thù.
Ngày Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20. Những bài học kinh nghiệm quý báu từ Toàn quốc kháng chiến đã được đúc kết và trở thành tài sản vô giá cần được tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, phức tạp và khó lường, hơn lúc nào hết, việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến để xây dựng nền quốc phòng toàn dân là hết sức cần thiết, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
KHÁNH LINH