Phát triển thị trường lao động và thực hiện tự do chuyển dịch lao động

09:01, 16/01/2017

(LĐ online) - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động Thương binh - Xã hội (LĐ TB - XH ) đặt ra trong năm 2017 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch năm 2017 vừa diễn ra trong sáng 13/1/2017. 

(LĐ online) - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động Thương binh - Xã hội (LĐ TB - XH ) đặt ra trong năm 2017 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch năm 2017 vừa diễn ra trong sáng 13/1/2017. 
 
Chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng sự hiện diện của lãnh đạo Bộ LĐ TB - XH và các bộ ngành có liên quan. 
 
Về phía đầu cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chủ trì với sự có mặt của lãnh đạo Sở LĐ TB - XH Lâm Đồng cùng nhiều lãnh đạo các sở ban ngành khác của tỉnh.
 
Trong năm 2016 cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1641 nghìn người, đạt trên 102% kế hoạch, trong đó tạo việc làm trong nước cho 1515 nghìn người, có 126 nghìn người xuất khẩu lao động. 
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ TB - XH cùng các tỉnh thành trong nước đã thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động. 
 
Một cuộc điều tra tại 200 doanh nghiệp cho biết thu nhập bình quân của người lao động trong nước đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,4% so với năm 2015. Tính đến cuối năm 2016, cả nước có trên 13,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 24,1% lực lượng lao động trong đó tham gia bảo hiểm bắt buộc là 12,9 triệu người, còn lại là bảo hiểm tự nguyện; gần 11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 
 
Trong năm 2016, cả nước tuyển sinh dạy nghề gần 2 triệu người trong đó nhiều nhất là đào tạo nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng với trên 1,7 triệu người; gần 480 nghìn người được được hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước chiếm khoảng 53% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 21%.
 
Trong thực hiện chính sách người có công, toàn quốc đang trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 1,4 triệu người với ngân sách 27,4 nghìn tỷ đồng/năm, trợ cấp giáo dục cho trên 162 nghìn đối tượng trên 1350 tỷ đồng.
 
Cả nước hiện nay còn trên 2,3 triệu hộ nghèo, trên 1,2 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong cả nước là 15,14%. Đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng1,3-1,5%.
 
Trong năm ngành cũng thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội (cả nước có khoảng 2,7 triệu người); chú trọng việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; thực hiện bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra cũng như tăng cường hợp tác quốc tế. 
 
Nhiều hạn chế cũng được chỉ ra tại hội nghị, đó là công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn nhiều khó khăn, trong Quý III-2016  cả nước có 202,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp; công tác tuyển sinh học nghề, phân luồng học sinh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề còn ở mức thấp; nhiều hộ nghèo, người được hưởng bảo trợ xã hội còn khó khăn, nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn cao (như các tỉnh vùng Tây Bắc), tỷ lệ trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục, đuối nước còn nhiều; nạn mại dâm diễn biến phức tạp.
 
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của ngành LĐ TB - XH ưu tiên đặt ra là phát triển thị trường lao động việc làm; thực hiện tự do chuyển dịch lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng như cơ hội tiếp cận thị trường của người lao động; tiếp tục mở rộng thị trường lao động ngoài nước, hoàn thiện chính sách tiền lương; mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thục hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
 
Ngành cũng sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công, thực hiện hiệu quả Chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong dịp ngày hết tết đến này ngành cần tập trung chăm lo để ai cũng có tết, đặc biệt là người có công và người nghèo. Các đơn vị cũng cần giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng lâu nay; đẩy mạnh việc ứng dụng chi trả tiền hỗ trợ cho người có công thông qua hệ thống dịch vụ, qua bưu điện; chấn chỉnh những bất cập tồn đọng trong công tác xuất khẩu lao động hiện nay đồng thời chú ý đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý trong toàn ngành.
 
Viết Trọng