Đà Lạt đối diện nghịch lý

09:02, 01/02/2017

Gắn với một hành trình khai sinh và phát triển khá đặc biệt, thành phố Ðà Lạt đã trở thành một địa danh có sức hấp dẫn với rất nhiều người, cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển đô thị có những nét đặc trưng rất riêng này luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận...

Gắn với một hành trình khai sinh và phát triển khá đặc biệt, thành phố Ðà Lạt đã trở thành một địa danh có sức hấp dẫn với rất nhiều người, cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển đô thị có những nét đặc trưng rất riêng này luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia uy tín trong nước, những người có sự quan tâm đặc biệt đến hành trình lưu giữ nét độc đáo của đô thị Ðà Lạt. 
 
“Thương hiệu” và những nỗi lo âu
 
- Thưa các chuyên gia, Đà Lạt vẫn luôn là một địa danh có sức thu hút lớn với khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đang có ngày càng nhiều những lời cảnh báo và thậm chí là phê phán về tình trạng nhạt nhòa nét riêng của đô thị du lịch đặc biệt này. Các ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?
 
- KTS Hoàng Đạo Kính: Tài nguyên thiên nhiên, với núi rừng hùng vĩ và hoang sơ, với khí hậu mát mẻ và ổn định bốn mùa - một “ốc đảo” độc nhất vô nhị ở vùng nhiệt đới, đã là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của một cấu trúc đô thị nghỉ mát và nghỉ dưỡng. Các công năng chủ đạo và xuyên suốt này quyết định hình thái cấu trúc không gian đô thị, thể loại và tính chất kiến trúc. Vài chục năm trước, Đà Lạt vẫn mở mang dần dần và vẫn duy trì được sự cân bằng hiếm hoi giữa đô thị và thiên nhiên, vẫn duy trì được thương hiệu của mình, trong chùm các đô thị ở ta. Đặc biệt, Đà Lạt nổi trội với tư cách là một chốn đô thị phong cảnh, mà ngày nay ta có thể thêm vào đô thị sinh thái. Đà Lạt sở hữu một quỹ kiến trúc đặc biệt phong phú về các loại hình, về phong cách và về thẩm mỹ.
 
Chính những tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song ấy đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng. Tôi cho rằng, những gì nêu trên sẽ là cái vốn liếng, cái quỹ gien để Đà Lạt tiếp tục mở mang vào hiện đại, song bắt buộc phải là mình - trong dòng chảy tự nhiên, không đứt đoạn.
 
Với trường hợp đô thị Đà Lạt, có lẽ sự phát triển, nối dòng mềm mại một cách hữu cơ từ quá khứ đến hôm nay, từ góc nhìn của tôi, hình như nó không xảy ra, không thành. Đà Lạt hôm nay đã to hơn, khang trang hơn, hiện đại hơn và giàu có hơn, nhưng lại đánh mất đi nhiều điều. Cái mất đó là tài nguyên thiên nhiên đã bị biến đổi, nghèo đi, thiếu tính đa dạng, kém đặc sắc như trước đây. Quỹ kiến trúc đô thị bị suy suyển phần nào về mặt số lượng, bị xuống cấp và lấn át, bởi các công trình to tát mới, những mảng đô thị đồ sộ mới.
 
Bên cạnh niềm lạc quan về sự phát triển của thành phố Đà Lạt hôm nay với vai trò là trung tâm hành chính của tỉnh, đau đáu nỗi lo âu về sự phai mờ của một thương hiệu đô thị nghỉ dưỡng độc đáo bậc nhất Đông Nam Á.
 
Đà Lạt là đô thị có ngày sinh tháng đẻ. Tôi đã đưa ra khái niệm về “đô thị - di sản” - là đô thị qua các giai đoạn phát triển vẫn giữ được sự thống nhất và hài hòa trong hình thái đô thị và văn hóa đô thị. Tôi cũng đã toan vận dụng cho Đà Lạt. Song, nhìn vào toàn cảnh hôm nay, Đà Lạt không còn giữ được là mấy sự cân bằng, sự hài hòa hiếm hoi đã từng có nữa rồi.
 
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng tại Việt nam và trên thế giới, với một lịch sử phát triển trên 100 năm. Kể từ đầu thập niên 1990 cho đến nay. Đà Lạt ngày càng trở nên đông đúc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, nhưng để đánh đổi, các giá trị từng đem lại bản sắc quy hoạch kiến trúc cho Đà Lạt nói trên lại đang dần dần bị mất đi.
 
Đà Lạt ngày nay đang đứng trước năm thử thách chính, bao gồm việc ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, phát triển tự phát thiếu quy hoạch, biến đổi khí hậu do đô thị hóa thiếu định hướng, bảo tồn bản sắc kiến trúc lịch sử và phát triển bản sắc mới, và việc cần phải xác định rõ định hướng phát triển bền vững cho tương lai.
 
 
- KTS Đỗ Hữu Phú: Đà Lạt là một thành phố độc đáo về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan, được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi. Không phải vô lý mà từ cách đây hơn một thế kỷ, người Pháp đã xác định quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị này. Thậm chí, người Pháp đã từng có ý định xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của liên bang Đông Dương. Nhưng, chắc là do nhiều lý do chúng ta chưa được biết, có thể vì quy mô quá lớn, hay ý đồ khai thác thuộc địa… mà ý tưởng đó không thành. Sau này, Đà Lạt đã được người Pháp điều chỉnh lại các đồ án quy hoạch và quy mô đầu tư, phát triển phù hợp với thực tiễn hơn so với năng lực của Việt Nam vào thời điểm đó để trở thành một thành phố nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa, du lịch... Nhìn nhận đầy đủ như thế để thấy vị trí đặc biệt và quá trình phát triển của đô thị này.
 
Đà Lạt đã có một quỹ di sản đô thị khá phong phú và vô cùng độc đáo, là một thành phố ở trên cao nguyên được thiết kế, quy hoạch theo phong cách Pháp, với sự nhất quán trong việc thực thi ý tưởng xây dựng một thành phố cảnh quan, các kiến trúc sư người Pháp đã tạo nên những đặc điểm nổi trội của kiến trúc đô thị Đà Lạt - như quy hoạch đô thị theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, những phân khu chức năng bố trí linh hoạt, mật độ cây xanh rất cao tạo nên sự độc đáo “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố”... - ít có thể thấy ở những thành phố khác của Việt Nam. 
 
Về công trình, Ðà Lạt đã có trên 1.500 công trình và biệt thự kiểu dáng phong phú, đa số được thiết lập theo trường phái kiến trúc địa phương Pháp, hội tụ khá nhiều các phong cách kiến trúc bắc Pháp, trung Pháp, nam Pháp nhưng được Việt Nam hóa. Quỹ kiến trúc này còn khá nguyên vẹn, và vẫn đang được sử dụng cho đến hiện nay.  
 
Phải nói rằng, cho đến hiện giờ, Đà Lạt vẫn có sức hấp dẫn, nhưng không còn đặc sắc, độc đáo như ngày trước nữa. Du khách đến Đà Lạt có thể bắt gặp nhiều công trình, những ngôi nhà ống, nhà hộp xuất hiện dày đặc ở khu vực trung tâm mang dáng nét từa tựa các công trình đang mọc lên ở nhiều đô thị trên khắp cả nước, trong khi, những dáng nét riêng vốn làm nên một hình ảnh Đà Lạt rất đặc biệt đã có phần nhạt nhòa, chưa mất, nhưng có phần bị khuất lấp. Ít nhiều, điều đó ảnh hưởng tới sức hút của thương hiệu Đà Lạt với du khách trong nước và quốc tế. 
 
- Tốc độ đô thị hóa quá nhanh được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát triển thiếu kiểm soát của Đà Lạt. Nhưng đó lại là một mâu thuẫn không dễ hóa giải?
 
- KTS Hoàng Đạo Kính: Nguy cơ hiện nay, ở góc độ vĩ mô, ở chỗ đô thị đã vượt ra nhiều lần so với tầm cỡ, quy mô của đô thị cũ, cái đô thị mới ấy không ôm ấp mà gần như chèn đè lên đô thị cũ và tạo ra sự tương phản thách thức. Nếu chúng ta ngồi nhìn về phía khu Hòa Bình thì sẽ thấy một khối đô thị trắng xóa, đồ sộ, chen lấn. Các công trình mới xây dựng xen cấy ngay vào cơ thể đô thị rất đồ sộ, rất cao, ít ăn nhập, có phần áp đảo các kiến trúc và các không gian cảnh quan cũ.
 
Quy mô của đô thị, độ mở rộng của nó cả về chiều ngang, mật độ, khối tích, chiều cao… trở nên thách thức tế bào đô thị cũ và tạo nên sự thiếu gắn kết về không gian, đường nét, kiến trúc và cả về giao thông, thách thức sự cân bằng. 
 
Ở góc độ vi mô, các công trình cũ đang bị xây chèn, xây cấy nhiều công trình to và xa lạ, làm tăng mật độ sử dụng đất, cây xanh giảm đi, nhiều chỗ san ủi địa hình, mà đồi núi chính là bộ mặt của đất, là điều rất khó khôi phục. Quỹ kiến trúc đô thị cũ bị đe dọa nhãn tiền.
 
Những điều đang diễn ra có thể là một tất yếu, khó tránh trong phát triển. Song đối với việc duy trì, phát triển một đô thị du lịch nghỉ dưỡng hiếm hoi đã định hình, đã có thương hiệu duy nhất ở nước ta về phương diện này thì đó là một sự mất mát không tài nào bù đắp được. 
 
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trong vài thập niên qua, Đà Lạt phát triển nhanh nhưng phần lớn lại mang tính tự phát, trái ngược với sự phát triển nhanh có quy hoạch và có chiến lược phát triển trước kia, do đó gây nên các tình trạng đô thị phát triển lộn xộn vô tổ chức, cây xanh và không gian xanh trong khu vực trung tâm ngày càng mất đi, thay vào đó là những khối công trình bê tông và kính làm xấu cảnh quan, ách tắc giao thông gia tăng và cảnh quan thành phố ngày càng xấu đi.
 
Nếu không kịp thời chấn chỉnh tình trạng phát triển tự phát và lấn chiếm vô tổ chức, thì Đà Lạt ngày càng lún sâu vào một nghịch lý: “Càng phát triển thì càng giảm giá trị du lịch và càng ít thu hút du khách đến Đà Lạt”.
 
- KTS Đỗ Hữu Phú: Lẽ đương nhiên, một đất nước, hay một vùng đất đều cần phải phát triển theo thời gian, không thể dậm chân tại chỗ được. Nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ chú tâm đến nhu cầu của hiện tại và tương lai mà bất chấp tất cả, không tôn trọng đúng mức và phát huy những giá trị của quá khứ để phát triển liên tục, bền vững. Sức ép đô thị hóa là câu chuyện của cả nước chứ không riêng Đà Lạt, và thẳng thắn nhìn nhận thì tốc độ đô thị hóa của Đà Lạt chưa là gì so với một số đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... nhưng ở các nơi khác họ không có nhiều lắm để mất và cũng không dễ dàng chấp nhận để mất, còn Đà Lạt thì đang có một quỹ di sản đô thị và kiến trúc tập trung khá đồ sộ và cực kỳ quý giá mà nếu để sự xô bồ tràn lên, lấn át và thay thế sẽ là sai lầm đáng tiếc. 
 
Trong quy hoạch mới của thành phố Đà Lạt đã được Chính phủ phê duyệt, cũng đã rất tôn trọng phần thành phố cốt lõi lịch sử, không xâm phạm quá nhiều. Với thực lực và cái vốn hiện có, chỉ riêng việc đầu tư, gìn giữ và bảo tồn tốt các giá trị của di sản kiến trúc đô thị đã là việc không đơn giản, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho việc đó. 
 
Ðà Lạt cần phải phát triển, và khi Ðà Lạt trở thành điểm hội tụ của cả nước và tầm cỡ khu vực quốc tế là điều rất đáng mừng, nhưng vai trò của người tổ chức, quản lý phải làm sao để cân bằng một cách bền vững giữa yêu cầu của bảo tồn những giá trị của quá khứ huy hoàng và phát triển xứng tầm với tương lai rạng rỡ. Ðây là việc vô cùng khó.
 
Một góc Đà Lạt. Ảnh: Phạm Anh Dũng
Một góc Đà Lạt. Ảnh: Phạm Anh Dũng
Kế thừa để phát triển
 
- Để bảo tồn được các giá trị đặc sắc đã làm nên thương hiệu Đà Lạt mà các ông vừa gọi tên, cần phải chú trọng những giải pháp như thế nào?
 
- KTS Hoàng Đạo Kính: Nếu Đà Lạt chỉ chú trọng câu chuyện phát triển, thì nó sẽ trở thành một trung tâm tỉnh lỵ như bất kỳ một tỉnh nào khác. Đà Lạt có thể đuổi kịp, thậm chí vượt hơn, song phải trả giá bằng sự mất đi những giá trị mà các địa phương khác không thể có. 
 
Trước hết, cần coi hạt nhân đô thị đã hình thành và đã được biết đến là một di sản đô thị, được duy trì và cải tạo theo những chính sách, quy chế khống chế và điều tiết đặc thù, nghiêm ngặt. Nên chấm dứt xu hướng xây cấy, xây ghép, chất tải những công trình lớn tiệm cận hồ Xuân Hương, hạn chế mở rộng đường vào lõi trung tâm, tạo sự chuyển hóa mềm giữa các tuyến giao thông cũ - mới; khôi phục và trồng thêm cây xanh, nhất là cây thông; tạo sự chuyển tiếp mềm về hình thái học đô thị giữa cái lõi đô thị cũ và các khu xây mới...
 
Theo tôi, động lực phát triển của Đà Lạt phải là sự lựa chọn cách nay hơn 100 năm - đô thị nghỉ mát, nghỉ dưỡng và du lịch. Giàu đẹp từ đấy và thương nhớ cũng từ đấy.
 
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Việc bảo vệ, kế thừa, tiếp nối các giá trị di sản quy hoạch kiến trúc Pháp không chỉ mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, mà còn giúp phục hồi và phát huy nguồn thu nhập kinh tế từ du lịch nghỉ dưỡng với các dịch vụ và tiện nghi mang bản sắc châu Âu. 
 
Đà Lạt không chỉ có không gian văn hóa Pháp, mà còn có những không gian Việt lịch sử. Đó là nơi mà những người Việt đầu tiên di cư đến đây từ cả nước, đông nhất là từ Thừa Thiên - Huế. Họ đã tạo lập sự nghiệp ở hai khu vực chính là khu ấp Ánh Sáng và các phố buôn bán ở khu Hòa Bình tỏa ra tứ phía theo các con đường 3 Tháng 2, Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Thanh. Hai khu vực này ngày nay được kế tục bởi các con cháu của những người tiên phong, và có thể cải tạo, phát triển thành những khu vực độc đáo mang đậm dấu ấn của người Việt xưa cho tới nay. 
 
- KTS Đỗ Hữu Phú: Giữ đúng được những nét đặc thù mà thiên nhiên và lịch sử đã để lại thì sẽ tạo nên sự độc đáo vô giá cho Đà Lạt. Cái gì đã mất, hỏng do quá khứ lịch sử đã gây ra mà không khắc phục được thì đành chấp nhận. Nhưng vẫn còn nhiều giá trị bị lãng quên hay bị xâm hại cần được cứu vãn. Nhiều công trình cổ, tuy đã nhiều năm, nhưng vẫn có thể trùng tu, bảo tồn để khai thác, phục vụ du lịch. Cần rà soát, tập trung gìn giữ. 
 
Nhìn rộng về quy mô, thành phố sẽ từng bước được mở rộng, nhưng trên tinh thần cần lấy cái hạt nhân đô thị cũ làm trung tâm. Với bản thân cái hạt nhân đô thị này, cũng cần rà soát, xem xét lại một số điểm đã và đang bị dân cư xâm lấn, xây dựng tùy tiện nhem nhuốc, không tuân theo quy hoạch, để có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp, cải tạo và chỉnh trang lại diện mạo cảnh quan đô thị, dần trả lại và phục hồi những dáng nét riêng vốn có của hình ảnh đô thị Đà Lạt truyền thống. Việc này đương nhiên là không đơn giản, nhưng cần phải làm. Và việc đó cần được tiến hành một cách cẩn trọng.
 
Về cảnh quan và môi trường cần khôi phục và mở rộng thêm những cánh rừng thông trong và ngoài thành phố, khôi phục và nâng mật độ cây xanh và rừng để bảo vệ và giữ gìn môi trường khí hậu trong lành và cảnh quan của toàn vùng. 
 
Cũng cần chú trọng tu sửa, chỉnh trang sự xuống cấp và ô nhiễm môi trường của không ít danh thắng và di tích nổi tiếng như: Thác Prenn, hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Voi, thác Liên Khương, thác Gougah... đồng thời với việc siết lại công tác quản lý môi trường du lịch của thành phố, hạn chế các hoạt động gây phản cảm cho du khách… Đó là những việc rất đáng chấn chỉnh, và trong tầm tay của cơ quan quản lý.
 
Nên hiểu rất rõ rằng, đó là những việc cần làm để bảo tồn các giá trị di sản vô giá của Đà Lạt, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 
 
- Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia!
 
LUÂN VŨ (thực hiện)