Chuyện gì cũng phải làm gương…

09:03, 13/03/2017

"Và đã làm thì phải làm thật tốt, có vậy thì bà con mới tin tưởng và làm theo" - đó là tâm niệm bao năm nay của già làng Liêng Hot Ha Brơng - người vẫn được bà con ở thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà gọi thân mật là "bố già"...

“Và đã làm thì phải làm thật tốt, có vậy thì bà con mới tin tưởng và làm theo” - đó là tâm niệm bao năm nay của già làng Liêng Hot Ha Brơng - người vẫn được bà con ở thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà gọi thân mật là “bố già”. Cũng chính vì từ “bố già” được đồng chí Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Phạm Thị Phúc sử dụng khi nhắc đến ông, hàm ý như là “cây cao bóng cả” của thôn, nên chúng tôi quyết định tìm gặp già Ha Brơng và được nghe ông kể nhiều câu chuyện thú vị khi ông vừa được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc vào đầu năm 2017.
 
Già làng Liêng Hot Ha Brơng
Già làng Liêng Hot Ha Brơng
Sinh năm 1947 tại huyện Lạc Dương, già làng Liêng Hot Ha Brơng đã qua 70 mùa nương rẫy nhưng mắt vẫn sáng, chân vẫn khỏe và giọng nói vẫn sôi nổi trong suốt buổi trò chuyện. Đã bao năm trôi qua, nhưng già vẫn nhớ như in những ngày đầu đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn Sình Công (nay được tách thành 7 thôn, trong đó có thôn Đạ Dâng) khi đó vẫn còn là một vùng đất nghèo khó, lạc hậu. Trong suốt 11 năm làm trưởng thôn đó, đôi chân ông dường như đã quen với từng hòn sỏi, ngọn cây trên những con đường dẫn vào từng hộ gia đình nhỏ. 
 
Tiếp theo là 15 năm gắn bó với công tác Mặt trận và trở thành người có uy tín, từ năm 2000 đến năm 2015, ông trở thành “bóng cả” thực thụ của buôn làng, bà con. Đường sá khó khăn, không có phương tiện, đồng lương trợ cấp ít ỏi. Vậy nhưng, với tâm huyết của mình với bà con mà ngày nối tháng, tháng nối năm, nhất là vào những dịp lễ, tết, bầu cử, ông vẫn kiên trì băng rừng, lội đồi để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng,  chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con.
 
Thôn Đạ Dâng có hơn 2/3 dân số theo đạo Tin Lành. Già làng Ha Brơng khéo léo kết hợp trong những buổi giảng đạo vào ngày chủ nhật hàng tuần để lồng ghép, tuyên truyền pháp luật đến các tín đồ, áp dụng Kinh thánh giảng cùng pháp luật để bà con vừa tin, vừa hiểu và thực hiện tốt. Chính nhờ vậy mà tình hình tôn giáo trên địa bàn được đảm bảo ổn định, các tín đồ ý thức việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
 
Đặc điểm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số là trình độ còn hạn chế  nên chậm hiểu, khó thuyết phục. Hiểu được điều này, già Ha Brơng luôn nhắc nhở mình bắt buộc phải từ từ, kiên trì trong việc tuyên truyền. Tuy nhiên, điều khiến già Ha Brơng cảm thấy khó khăn nhất vẫn là việc bài trừ mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu. Hơn 10 năm làm trưởng thôn, người đàn ông đó vẫn hàng ngày đi bộ, băng từ xóm này qua xóm khác với quyết tâm phải thay đổi cho được suy nghĩ của người dân. Ông lấy pháp luật của Nhà nước áp dụng với phong tục tập quán, dựa vào phong tục tập quán để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đến nay, trong thôn Đạ Dâng đã không còn tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống.
 
 Là người cha của 8 đứa con, đến tuổi con cái trưởng thành, ông chia đều đất cho các con như một cách làm gương cho bà con. Bởi theo phong tục, người Cil chỉ chia đất đai và của cải cho con gái vì con trai sau khi lập gia đình sẽ về nhà vợ. Với suy nghĩ, trai gái thì đều là con, già Ha Brơng quyết tâm phải làm trước để bà con nhìn vào đó mà làm theo.
 
Xuất phát là một địa phương có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, kinh tế tại thôn Đạ Dâng đã tương đối ổn định. Hiểu rõ tâm lý của bà con đồng bào dân tộc thiểu số “trăm nghe không bằng một thấy”, già Ha Brơng thường  lấy gương của những người điển hình, gương phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi ở ngay tại địa phương để tuyên truyền, người dân làm theo. “Mình phải làm gương để bà con còn tin tưởng mà làm theo, và nhất định phải làm tốt để bà con học hỏi”- đó luôn là tâm niệm của già làng Ha Brơng. Chính vì vậy mà mặc dù đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn đều đặn, chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn trong và ngoài huyện về kỹ thuật trồng cà phê. Rồi trở về, vận dụng những kiến thức đã học được để ghép thử ngay tại vườn cà phê của mình, để bà con trực tiếp thấy được hiệu quả và làm theo.
 
Bây giờ, tuổi đã xế chiều, đã có thể nghỉ ngơi nhưng 2 vợ chồng ông vẫn ngày ngày lên rẫy chăm cà phê, buổi sáng cắt cỏ nuôi bò. Ông bảo, mình làm nhẹ nhàng nhưng vẫn cứ làm việc để bà con thấy rằng, ông già rồi mà vẫn làm việc thì mình còn trẻ, còn khỏe, tại sao lại không chăm chỉ làm ăn. Ông đánh vào tâm lý của người dân một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc như vậy. Những chiều rảnh rỗi, ông tạt qua nhà này một chút, nhà kia một chút để thăm hỏi, xem tình hình gia đình như thế nào.
 
Hỏi sao tuổi cao mà chưa chịu nghỉ ngơi việc buôn thôn, già Ha Brơng chỉ tâm sự rất chân thành rằng: “Mình là đại diện cho bà con, cũng là đại diện cho Nhà nước. Nhà nước giúp đỡ bà con nhiều, cho xây dựng đường sá, trường học, nhà cửa, giếng khoan,... để đảm bảo đời sống và phát triển kinh tế, mình phải tuyên truyền để bà con sống tốt, làm kinh tế giỏi, đoàn kết, chăm lo làm ăn, sản xuất. Nhà nước thấy vậy mới không thất vọng, mới tin tưởng để quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn”.
 
Bây giờ, nhắc đến Đạ Dâng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà Nguyễn Văn Tám giới thiệu rằng đàn ông trong thôn không uống rượu mà tu chí làm ăn. Toàn thôn có 182 hộ thì chỉ còn 12 hộ nghèo. Toàn thôn hiện có 40 hộ tham gia bảo vệ rừng.  “Già làng Ha Brơng là một người có trách nhiệm với công việc, có uy tín với bà con và được bà con tin tưởng. Bên cạnh đó, ông còn là người luôn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế để bà con học hỏi và làm theo”- ông Nguyễn Văn Tám nhận xét.
 
VIỆT QUỲNH