Ký ức 30 tháng 4

09:04, 29/04/2017

Những ngày tháng Tư lịch sử, mặc dù rất bận rộn cho công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới, nhưng khi tôi bày tỏ muốn được nghe kể chuyện thời chiến, muốn lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của người lính già năm xưa về hồi ức huy hoàng 30 tháng 4 lịch sử năm 1975, thì Đại tá Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ tịch Hội CCB thành phố Đà Lạt nhận lời ngay khi kết thúc một ngày làm việc ở cơ quan. 

Những ngày tháng Tư lịch sử, mặc dù rất bận rộn cho công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới, nhưng khi tôi bày tỏ muốn được nghe kể chuyện thời chiến, muốn lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của người lính già năm xưa về hồi ức huy hoàng 30 tháng 4 lịch sử năm 1975, thì Đại tá Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ tịch Hội CCB thành phố Đà Lạt nhận lời ngay khi kết thúc một ngày làm việc ở cơ quan.  
 
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 3041975. Ảnh: Tư liệu
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 3041975. Ảnh: Tư liệu
Ký ức sâu đậm về nỗi mất mát của đồng đội
 
Câu chuyện giữa tôi và Đại tá bắt đầu từ niềm cảm xúc về nỗi tiếc thương vô hạn khi Tiểu đoàn 200C của chú năm xưa anh em đồng đội chiến sĩ đã ngã xuống và không được chứng kiến giây phút huy hoàng lịch sử năm ấy. Đại tá Nguyễn Hữu Ngọt hồi tưởng: “Đối với lớp người thế hệ như chú (Đại tá xưng hô thân mật với tôi như gia đình khiến câu chuyện càng trở nên cởi mở hơn) may mắn vẫn còn được tham gia những trận đánh thời kỳ trước năm 1975. Thế hệ những người từ trong rừng đi ra, vinh dự tự hào hơn khi được tham gia những trận đánh trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra. Đặc biệt, là những người con từ miền Bắc vào Nam như chú luôn xác định: lên đường vào Nam chiến đấu đòi hỏi sự hy sinh gian khổ và không hẹn ngày trở về. Sau chiến tranh, lành lặn trở về là niềm vinh hạnh của mình, bởi còn những anh em đồng đội đã hy sinh cả cuộc đời mình cho Tổ quốc thì lịch sử mới cần trân trọng.
 
Thời kỳ khoảng năm 1973, có những trận đánh dữ dội khiến bị mất đến phân nửa lực lượng, hoặc có tiểu đoàn hết một phần ba lực lượng hy sinh, đa phần lại toàn là đội ngũ đảng viên bởi tiểu đoàn của chú là lực lượng tinh nhuệ, được kết nạp Đảng, rèn luyện, kết nạp trong thử thách. Ký ức ấy cứ luôn đi theo chú suốt chừng ấy năm, kể từ ngày hoàn toàn giải phóng đất nước đến nay. Ký ức sâu đậm nhất vẫn là những ngày anh em đồng đội vừa vui vẻ ngồi bên nhau trò chuyện, hàn huyên chân tình ấm áp hôm trước thì ngay hôm sau đã tham gia trận đánh và không còn nữa… Nỗi mất mát, đau thương vôn hạn đó cứ luôn đau đáu trong lòng và nỗi nhớ về những người đồng đội năm xưa ấy không bao giờ phai nhạt trong trái tim người cựu binh già.
 
Không được tham gia những trận đánh ác liệt ở Sài Gòn những năm tháng cận kề ngày toàn thắng vì bị thương, nhưng tiểu đoàn của Đại tá Nguyễn Hữu Ngọt ngày ấy được tham gia trận đánh ở giáp Bình Thuận. Lúc ấy, chú Ngọt đang nằm ở bệnh xá cùng đơn vị ở trong rừng, nhưng ngoài này nghe đài báo đã đưa tin giải phóng miền Nam rồi, thật không thể kể được cảm xúc lúc bấy giờ mừng vui khôn xiết như thế nào. Trong đầu chú lúc đó chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: vậy là chiến tranh đã chấm dứt, sự hy sinh, mất mát sẽ giảm đi rồi! Tất nhiên chưa thể hết được, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh còn ở phía trước và tiếp tục xác định còn gian nan.
 
Sau khi giải phóng, đơn vị Tiểu đoàn 200C khi ra khỏi rừng, nhưng lúc này nhìn lại lực lượng đã bị hao hụt nhiều, anh em đồng đội đã hy sinh quá nhiều. Anh em không khỏi bùi ngùi, không ai nói với ai khóe mắt cứ đỏ ngầu. Sau đó, đơn vị tiếp tục nhận nhiệm vụ lên Tuyên Đức, thực hiện truy quét Fulro ở Đơn Dương, Đức Trọng, Đầm Ròn. Về sau, đơn vị giải thể và theo yêu cầu nhiệm vụ mỗi người đi một nơi theo sự phân công của cấp trên.
 
Cuộc hồi sinh kỳ diệu
 
Ngày 30 tháng 4 là biểu tượng chiến thắng, giải phóng hoàn toàn đất nước, non sông thu về một mối. Với những cựu binh, những người lính già như thế hệ các chú dấu mốc đó lại còn có ý nghĩa hơn. Lúc đó, ở Bình Thuận rợp trời cờ hoa, nhân dân vui mừng, người lính lúc đó nước mắt xen lẫn nụ cười trong ngày đại thắng. Cảm xúc bồi hồi dâng trào và đi theo chú suốt đến tận bây giờ. Đây là chiến thắng lẫy lừng, vĩ đại nhất của dân tộc, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ, 30 năm giải phóng dân tộc. 
 
Mỗi năm, cứ đến ngày 30/4 là ai cũng háo hức, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọt bồi hồi: Chú ở Đà Lạt từ sau giải phóng, Đà Lạt nói riêng, cả nước nói chung như một cuộc hồi sinh kỳ diệu, đi lên từ đống đổ nát sau chiến tranh, sau 30 năm đổi mới đã có sự thay đổi kỳ diệu, thành phố Đà Lạt ngày ấy đi mỏi chân vẫn chưa thấy nhà, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn vô cùng. Ngày nay, đô thị Đà Lạt phát triển nhanh và vượt bậc, Đà Lạt đã trở thành trung tâm nông nghiệp của cả nước, là điểm đến về du lịch nông nghiệp công nghệ cao được yêu thích của Đông Nam Á. Nhớ ngày trong rừng, anh em phải ăn bánh mì khô, cứng như khúc gỗ, ăn hạt bo bo đến đau dạ dày, nhưng khi đó không chỉ có người lính mà tất cả nhân dân đều vượt lên đói khổ, nghèo nàn để đến hôm nay, từ chỗ “ăn no, mặc ấm đã đến lúc ăn ngon, mặc đẹp”. Đảng, Nhà nước đã thực hiện theo đúng ước nguyện của Bác Hồ “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”.
 
Giữ vững tư tưởng 
 
Hôm nay, đất nước đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhưng chúng ta không thể quên những ngày tháng gian khổ hy sinh ấy. Thời cơ nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Nguy cơ tụt hậu, chệch hướng XHCN, nguy cơ diễn biến hòa bình…vẫn luôn tồn tại. Đảng ta xác định từ Đại hội VI đến nay vẫn luôn đặt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển Đông, bảo vệ chủ quyền biên giới ngày nay cũng không kém phần gian nan khốc liệt khi lực lượng phản động luôn luôn tìm cách chống phá ta. Với những người cựu binh đã từng vào ra trong khói bom lửa đạn, càng phải kiên trung, kiên định, không được mơ hồ về lý tưởng cách mạng. Chủ tịch Hội CCB thành phố Đà Lạt nhấn mạnh: Lực lượng cựu chiến binh hôm nay phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền, có trách nhiệm cùng nhân dân, giữ vững trận địa tư tưởng trong nhân dân, xây dựng đất nước, thành phố Đà Lạt ngày càng “Văn minh, hiện đại”.
 
Ghi chép HÀ NGUYỆT