Phấn đấu xây dựng Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao của cả nước

09:04, 27/04/2017

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy "về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020", công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực. 

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy “về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực. 
 
Qua thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được chuẩn hóa, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng thực thi công vụ. Cơ cấu nguồn nhân lực tăng dần tỷ trọng ở các ngành, lĩnh vực địa phương có thế mạnh; đào tạo nghề cho đội ngũ lao động trực tiếp được quan tâm. Trình độ tay nghề cũng như đạo đức, văn hóa người lao động nâng lên; có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công tác đào tạo, đào tạo lại được thực hiện theo chương trình kế hoạch. Việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn, có uy tín đạt những kết quả quan trọng bước đầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng được đầu tư, nâng cấp. Sự phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố có tính chất quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đưa địa phương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 100% cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị; 90% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 98,1% công chức hành chính đạt chuẩn theo quy định; 7,67% công chức hành chính có trình độ chuyên môn trên đại học; 100% cán bộ, công chức sử dụng được vi tính trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và 73,6% có chứng chỉ tiếng Anh… Đối với công chức cấp xã, đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn: Thạc sĩ 8 người; đại học, cao đẳng 327, trung cấp 1.740; cử nhân lý luận chính trị 9, cao cấp 31, trung cấp 548, sơ cấp 257...; về tin học 2.386 người; ngoại ngữ 257; tiếng dân tộc 624; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và các kỹ năng cho 8.473 người… Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất trong xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
 
Tuy đạt kết quả quan trọng nhưng việc đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn hạn chế. Trong đó, lưu ý là: Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; nhiều lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi và đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, công nhân lành nghề. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, nội dung chậm đổi mới; hiệu quả của việc liên kết với một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa tốt, gây lãng phí ngân sách nhà nước; chưa tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các chuyên gia, các nhà nghiên cứu xuất sắc, sinh viên giỏi, những giảng viên có năng lực giảng dạy tốt về công tác tại địa phương. Chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế; đào tạo nghề cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, lao động nông thôn đạt tỷ lệ thấp (44% so với chỉ tiêu 45-50%); xã hội hóa trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chậm. Công tác đào tạo ở một số ngành, địa phương chưa gắn với quy hoạch; bố trí, sử dụng cán bộ, còn mang tính tự phát, chạy theo bằng cấp. Một bộ phận cán bộ, công chức hành chính tuy được đào tạo nhưng thiếu tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ cũng như đạo đức công vụ. Nhiều cán bộ xã đã qua đào tạo, đạt chuẩn nhưng việc nắm bắt, vận dụng, triển khai các chủ trương lớn của Trung ương và của địa phương còn lúng túng, hiệu quả thực hiện chưa cao…
 
Tiếp tục đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, Tỉnh ủy Lâm Đồng trên cơ sở khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xây dựng và ban hành một số nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu chung: Đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng không ngừng nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ du lịch, phát triển có chọn lọc một số ngành, lĩnh vực công nghiệp thế mạnh; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước trên một số lĩnh vực có thế mạnh của địa phương; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa quốc gia, là đô thị của đào tạo, đô thị khoa học gắn với tăng trưởng xanh, đạt chuẩn quốc tế.
 
LAN HỒ