Xã Lát bảo vệ rừng

09:05, 10/05/2017

Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng cam go hơn khi rừng là "miếng mồi béo bở" cho những kẻ sẵn sàng xách cưa vào rừng. Bốn bề là rừng xanh nên chính quyền và nhân dân xã Lát (Lạc Dương) biết rằng phải dùng mọi biện pháp để giữ lại màu xanh giữa đại ngàn.

Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng cam go hơn khi rừng là “miếng mồi béo bở” cho những kẻ sẵn sàng xách cưa vào rừng. Bốn bề là rừng xanh nên chính quyền và nhân dân xã Lát (Lạc Dương) biết rằng phải dùng mọi biện pháp để giữ lại màu xanh giữa đại ngàn.
 
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và giao khoán nên xã Lát luôn được rừng xanh che chở. Ảnh: Đức Tú
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và giao khoán nên xã Lát luôn được rừng xanh che chở. Ảnh: Đức Tú
Xã Lát có diện tích đất tự nhiên trên 21.700 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 18.900 ha. Toàn xã có 557 hộ, 2.424 nhân khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 76,2% dân số (chủ yếu là đồng bào dân tộc Cil, Lạch và K’Ho), đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng.
 
 Phần lớn rừng ở xã Lát được quy hoạch là rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, chủ yếu là rừng thông thuần loài, rừng tiếp giáp với các trục đường giao thông, khu vực dân cư và đất sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm địa hình đồi dốc cao, nhiều khe suối nên rừng ở đây có nhiều nhiệm vụ quan trọng như: phòng chống giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước cho các công trình dân sinh, kinh tế, sản xuất nông nghiệp và thủy điện.
 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của những cánh rừng, chính quyền địa phương và nhân dân ra sức bảo vệ rừng với phương châm: “Phòng là chính và cứu chữa kịp thời”. Năm 2016, Ban Lâm nghiệp (BLN) xã kết hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền 5 đợt về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, với 695 lượt người tham dự. Tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh và trong các buổi họp dân về những quy định bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng. Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt là tình trạng “ken” cây làm thông chết hàng loạt, BLN xã tham mưu cho UBND xã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, lập hồ sơ xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Từ đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do các hành vi vi phạm gây ra về cả số vụ lẫn mức độ vi phạm (năm 2016 xảy ra 16 vụ vi phạm, giảm 5 vụ so với năm 2015). 
 
Chủ tịch UBND xã Lát, ông R’ Ông K’Síu cho biết: “Ổn định diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng, kịp thời bổ sung cho các hộ nghèo được nhận quản lý, bảo vệ rừng là cách làm của địa phương trong thời gian qua. Thông qua cách làm này vừa giúp người dân thoát nghèo, vừa thể hiện được trách nhiệm của mọi người dân, khi đó rừng không còn là của riêng ai nữa mà rừng là của chung, của cộng đồng. Vì vậy, ý thức tự giác của người dân được nâng cao, công tác tuyên truyền được thực hiện một cách dễ dàng hơn, hiệu quả thì cao hơn rõ rệt”.
 
Trong tổng số 557 hộ dân trên toàn xã thì có đến 407 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, đây là một con số biết nói thể hiện mức độ “che phủ” của rừng. 
 
Tiếp xúc với chúng tôi, một người có công phủ xanh đồi núi trọc nổi tiếng ở thôn Păng Tiêng và ngay cả địa bàn xã là anh Kră Jăn K’Tao (1972) kể lại: Từ tiền công nhận quản lý và bảo vệ rừng, năm 2014 tôi đã mạnh dạn trồng rừng trên diện tích 20,3 ha, năm 2015 tiếp tục trồng thêm 17 ha nữa. Với tôi, rừng là nguồn lợi của gia đình nhưng cái được nhất là đồi núi không còn trơ sỏi đá nữa, mưa gió cũng không thể bào mòn rồi cuốn đất đá phá đi những triền đất phía dưới. Mình vừa quản lý, bảo vệ nhưng trồng rừng để lấp đi những khoảng trống cũng là nhiệm vụ không thể lơ là. Con cái được ăn học tử tế, nhà cửa khang trang, phương tiện đi lại, nghe nhìn đầy đủ là những gì rừng đền đáp cho gia đình tôi. Hay sự thay đổi cuộc sống của 54 hộ dân khi được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim trên diện tích 4.794 ha.
 
Giữ rừng nhưng để người dân sống được bằng nghề rừng chính là điểm nhấn then chốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng của xã Lát. Kể từ đây, người dân sẽ là “vệ sĩ” cho những cánh rừng.                            
ĐỨC TÚ