Góp sức mình xây dựng thôn, buôn

08:06, 13/06/2017

Trong câu chuyện với người dân thôn 3 ở xã vùng sâu Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, nhiều người than thở rằng thiếu đất canh tác. Vậy nhưng, cũng chính những con người đó lại sẵn sàng hiến nhiều hecta đất để xây dựng trường học, xây dựng trạm y tế mà không hề tính toán thiệt hơn...

Trong câu chuyện với người dân thôn 3 ở xã vùng sâu Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, nhiều người than thở rằng thiếu đất canh tác. Vậy nhưng, cũng chính những con người đó lại sẵn sàng hiến nhiều hecta đất để xây dựng trường học, xây dựng trạm y tế mà không hề tính toán thiệt hơn. Người dân không ngại ngần góp sức mình để trẻ con trong thôn được đi học dễ dàng, người già trong thôn đỡ lo lắng mỗi khi bệnh tật. 
 
Nhờ dân hiến đất mà thôn 3 giờ đây đã có đường, trường, trạm. Ảnh: Việt Quỳnh
Nhờ dân hiến đất mà thôn 3 giờ đây đã có đường, trường, trạm. Ảnh: Việt Quỳnh
Đã vào hè. Nhưng ngày nào K’Hoàng, 11 tuổi cũng cùng chúng bạn tập trung chơi đùa nơi sân trường tiểu học của mình, bởi trường nằm ngay trong thôn, gần nhà, lại có sân bê tông khang trang, sạch sẽ. Từ ngày trong thôn có trường học được xây dựng kiên cố, mẹ em - cô Điểu Thị Chín đã không còn lo bốn đứa con của chị bị “đói” con chữ như cha mẹ chúng.
 
Trước đây, trẻ con thôn 3 học trong những lớp học tạm đặt nhờ ở nhà dân. Phụ huynh và giáo viên sợ nhất mùa mưa đến, bởi đường sá lầy lội, lớp học dột ướt, học sinh nản quá cứ đòi nghỉ học. Sống bao nhiêu năm ngay tại thôn nghèo này, ông K’Trang (SN 1960) thấu rõ nỗi khổ đó. Thế nên ngay khi Nhà nước vận động người dân hiến đất vào năm 2012, ông ngay lập tức xung phong hiến 3.000 m2 mà không hề đắn đo suy nghĩ. Đến năm 2013, cả thôn 3 rộn ràng như ngày hội khi ngôi trường mới được hoàn thành với 3 phòng học rộng rãi, khang trang đủ chỗ cho 27 học sinh từ lớp Một đến lớp Năm đến học tập. Trước đây, do chưa có lớp học nên trẻ con thôn 3 không được học mẫu giáo mà đến tuổi đi học thì vào luôn lớp Một. Từ năm 2014, 4 giáo viên nữ của trường cứ sáng đến dạy, tối lại về nhà ở trung tâm xã nên nhường một trong hai nhà công vụ cho các bé mẫu giáo. Bây giờ, trẻ con thôn 3 đúng tuổi đều được đến trường.
 
Nhìn học sinh ngày ngày hào hứng đến trường trong phòng học mới, Điểu K’Trang - người đàn ông gầy nhỏ, đen đúa, nhìn già hơn nhiều so với tuổi 57 vì những vất vả cả một đời cười hiền lành bảo: “Đời mình khổ nhiều rồi, mà khổ nhất là không có con chữ. Nên giờ mình bớt một chút đất, thu nhập có giảm hơn một chút, nhưng bao nhiêu đứa trẻ trong thôn được đi học thì cũng đáng lắm”.
 
Cũng trong năm 2013, anh Điểu K’Dố (SN 1982) cũng hiến gần 1.000 m 2 đất để xây trạm xá mới của thôn ngay bên cạnh trường học. 35 mùa rẫy đi qua, anh K’Dố đã trải qua những năm tháng “thèm” chữ không được học, bệnh tật không được chữa kịp thời. Thế nên, trạm xá mới là niềm vui chung của thôn 3, nhưng càng là niềm vui riêng to lớn của K’Dố, khi anh bảo rằng mình không làm được gì to tát cho mọi người thì góp được gì tốt đấy.
 
Ngày trạm xá mới được hoàn thành, anh Hồ Văn Phát (SN 1971) - người đã hơn 20 năm phụ trách phân trạm y tế thôn 3 vui như khi mình được xây nên ngôi nhà mới. Anh tâm sự: “Tôi gắn bó với bà con nơi đây từ lúc chưa có đường dẫn từ thôn ra xã, thôn 3 gần như bị biệt lập. Bây giờ, phân trạm có trang thiết bị, có cơ số thuốc tương đối ổn định. Là phân trạm của thôn 3 nhưng bà con thôn 4 hay thôn Vĩnh Ninh vẫn có thể sang khám chữa bệnh. Mình quý dân, hiểu được tấm lòng của người dân nơi đây nên dù khó khăn nhiều nhưng vẫn gắn bó lâu dài đến bây giờ”.
 
Thôn 3 là một trong những thôn xa nhất của xã Phước Cát 2, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân đa phần là hộ nghèo. Toàn thôn có 35 hộ với 163 nhân khẩu, sinh sống trên một vùng đất bằng phẳng như lòng chảo được bao bọc bốn bề rừng núi và những vườn điều. Trưởng thôn Điểu K’Đốt cho biết: Bà con nơi đây chủ yếu là người STiêng, sống chủ yếu nhờ cây điều và một ít cà phê. Bây giờ, người dân còn có thêm thu nhập từ việc nhận giao khoán bảo vệ rừng. 
 
Trước năm 2004, để đi từ xã Phước Thái vào thôn 3, người dân phải đi bằng đường sông trên những chiếc xuồng, 2 ngày mới có một chuyến. Năm 2005, công trình thanh niên mở đường mòn dẫn từ trung tâm xã vào thôn 3 nhưng phải đến năm 2010 thì mới chấm dứt việc đi xuồng. 
 
Con đường bê tông dẫn vào thôn chỉ mới được hoàn thành cách đây một năm nên đến giờ, niềm vui vẫn còn thể hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân nơi đây.
 
Bây giờ, trong thôn đã có đường, có trường, có trạm - tất cả đều nhờ vào sự đồng thuận, tích cực đóng góp của người dân, cuộc sống bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đến nay,  điện vẫn chưa vào được với thôn 3, nhiều hộ dân vẫn phải dùng đèn dầu hoặc dùng điện phát từ máy mô tơ bắc ở suối. Già làng Điểu K’Mốt đã qua gần 70 mùa rẫy, phấn khởi bảo rằng giờ đây mọi người trong thôn siêng năng làm ăn, chăm lo cuộc sống, phát triển kinh tế. Bây giờ ốm đau đã có trạm xá, trẻ con được học trong trường lớp khang trang. Mắm muối hết cũng không lo nhiều như trước. Nhưng buổi tối ngồi trên căn nhà sàn, dưới ánh đèn tù mù phát ra từ chiếc bóng đèn nhỏ xíu, ông vẫn thở dài ao ước, rằng mình sẽ được nhìn thấy ánh điện thắp sáng cả thôn trước khi nhắm mắt xuôi tay. 
 
Đó có lẽ không chỉ là ước ao của người lớn tuổi nhất làng, mà là ước ao chung của những đứa trẻ ngày ngày đùa giỡn trên sân trường mới xây, của người bác sĩ 20 năm gắn bó với thôn nghèo, và của cả những con người sẵn sàng hiến đất xây trường, xây trạm mà không hề đắn đo, tính toán thiệt hơn.
 
VIỆT QUỲNH