Thôn 4 đoàn kết đi lên

09:06, 02/06/2017

Thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh hiện có 420 hộ, với trên 1.250 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Những năm trước đây, do dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, số hộ đói, nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao. 

Thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh hiện có 420 hộ, với trên 1.250 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Những năm trước đây, do dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, số hộ đói, nghèo luôn chiếm tỷ lệ cao. 
 
Một góc khu dân cư Thôn 4. Ảnh: L.P
Một góc khu dân cư Thôn 4. Ảnh: L.P
Đến Thôn 4, xã Tam Bố những ngày cuối tháng 5, điều mà chúng tôi dễ nhận thấy là một số tuyến đường đã được nhựa, bê tông hóa, rộng rãi, sạch đẹp, nhiều ngôi nhà xây kiên cố, khang trang đã xuất hiện khắp thôn. 
 
Chia sẻ về sự thay đổi trong buôn, ông K’Breo cho biết: “Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, như 134, 135, 167, 30a… và sự nỗ lực của bà con, nên người dân đã từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, người dân ở đây đã chú trọng chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Nhờ đó, đời sống của bà con đã tương đối ổn định, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể”. 
 
Theo thống kê, hiện Thôn 4 không còn tình trạng hộ đói, số hộ nghèo còn 46 hộ, 22 hộ cận nghèo và đã có 30% số hộ khá giả. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 25 - 28 triệu đồng/người/năm. 
 
Điều đáng ghi nhận ở Thôn 4 là nhiều hộ dân, dòng tộc đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo để vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình cho phong trào này là phải kể đến hộ ông K’Bội... Tuy đời sống của gia đình ông chưa phải là giàu có, nhưng nhiều năm qua, ông K’Bội đã giúp đỡ bà con trong buôn với số tiền trên 300 triệu đồng không tính lãi để tạo điều kiện cho bà con có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, ông cùng với một số hộ dân thường xuyên chia sẻ với bà con về kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức của bà con trong việc chú trọng đầu tư thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. 
 
“Bên cạnh các loại cây công nghiệp lâu năm, như cà phê, lúa nước, bắp và cây hoa màu khác, bà con còn chú trọng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhận thức còn kém, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các gia đình cũng ý thức trong việc cho con em được đi học chữ để nâng cao dân trí, nên 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường nhưng nhiều thanh niên khi bước sang bậc THPT, cao đẳng, đại học vẫn bỏ học dở chừng” - ông K’Tuyên, Trưởng Thôn 4 trăn trở.
 
Song song với việc phát triển kinh tế, người dân cũng đã chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Bà con không những đã xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, mà còn nâng cao ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, nhất là trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, bà con đã chú trọng đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, giữ cho đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. 
 
Có thể khẳng định rằng, đồng bào Thôn 4 đã nỗ lực đáng kể, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ và cùng nhau thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, thôn 4 đã duy trì, giữ vững danh hiệu là thôn văn hóa, chung sức cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cộng đồng dân cư.
 
LAM PHƯƠNG