Ðó không phải lòng tốt mà là lòng tự trọng

08:09, 18/09/2017

"Nhiều người khen tôi tốt bụng khi biết tin tôi tìm cách trả lại tiền nhặt được cho người đánh rơi trên quốc lộ. Tôi bảo họ, đó không phải là lòng tốt, mà đó là lòng tự trọng. Lòng tự trọng của con người không cho phép tôi nhận về mình những thứ không phải của mình." 

“Nhiều người khen tôi tốt bụng khi biết tin tôi tìm cách trả lại tiền nhặt được cho người đánh rơi trên quốc lộ. Tôi bảo họ, đó không phải là lòng tốt, mà đó là lòng tự trọng. Lòng tự trọng của con người không cho phép tôi nhận về mình những thứ không phải của mình.” 
 
Anh Lê Đăng Linh trao lại tiền cho người đánh rơi. Ảnh: N.N
Anh Lê Đăng Linh (bìa trái) trao lại tiền cho người đánh rơi. Ảnh: Thế Anh

Từ anh thợ hồ thành lính quân y
 
Lần lữa mãi, cuối cùng tôi cũng hẹn gặp được Thượng úy quân y Lê Đăng Linh ở một quán cà phê nhỏ nằm gần cổng cơ quan Tỉnh Đội Lâm Đồng, nơi anh đang công tác. Tên tuổi của anh đang được nhiều người dân Đà Lạt - Lâm Đồng nhắc đến với câu chuyện đẹp giữa đời thường: “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh rất nhiều điều đang diễn ra trong cuộc sống, những kỷ niệm của đời “binh nghiệp” nhưng chủ yếu là làm công tác y tế và hậu cần ở mảnh đất Nam Tây Nguyên đầy nắng gió khắc nghiệt. Khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười và cả giọng nói của anh, tất cả đều toát lên vẻ chân chất, mộc mạc. Bộ quân phục màu xanh quân đội càng tôn lên vẻ chân tình không lẫn vào đâu được của người lính bộ đội Cụ Hồ.
 
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nghệ An nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng, nên ngay từ khi còn trẻ ước mơ anh luôn ấp ủ là được khoác lên mình bộ quân phục bộ đội cụ Hồ. Nhưng để được mặc bộ quân phục màu xanh ấy đối với chàng trai thôn quê lại đầy trắc trở, anh kể: “Tốt nghiệp 12, tôi đăng ký thi vào Trường Sỹ quan Lục quân nhưng... rớt. Gia đình đông anh em, cũng chẳng khá giả nên tôi bắt đầu phải tìm đường mưu sinh sau khi thi rớt đại học. Ở quê nhà lúc ấy, ngoài làm ruộng và cày thuê ra thì cũng chẳng biết làm gì khác. Một hôm tình cờ người cô đang làm ăn ở Đơn Dương, Lâm Đồng gợi ý tôi theo cô vào Tây Nguyên tìm việc kiếm sống. Thế là tôi khăn gói vào nhà cô ở và xin được chân phụ hồ cho các công trình xây dựng ở trong huyện. Tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua, nhưng một lần cô khuyên và gợi ý tôi tìm nghề gì đó học để kiếm một công việc ổn định cuộc sống về lâu dài. Tôi suy nghĩ mãi trong đầu xem mình thích làm nghề gì, trong đầu chỉ hiện lên hình ảnh của bộ quân phục màu xanh bộ đội. Thế là tôi nói cô cho tôi đăng ký... đi nghĩa vụ quân sự. Năm ấy là năm 1995, và tôi bước sang tuổi 21. Ai cũng nói tôi gàn!”.
 
Sau khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, được rèn luyện và sống trong môi trường quân ngũ càng thôi thúc anh phấn đấu để có cơ hội chuyển sang chuyên nghiệp. Sau 2 năm nghĩa vụ, anh làm đơn xin đơn vị ở lại phục vụ trong quân ngũ và may mắn là một trong số ít người được đơn vị chọn giữ lại đào tạo thành lính chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đầu tiên khi chuyển sang chuyên nghiệp của anh là làm trinh sát. Sau đó, nhờ một số tài lẻ anh tiếp tục được đơn vị chọn gửi đi đào tạo quân y và bắt đầu gắn bó với nghề y từ đó.
 
Lính đã tôi thế đấy!
 
Khác với những y tá làm việc ở các bệnh viện dân sự, nghề y tá quân đội là những chuyến đi dài ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng địa phương” với bà con vùng sâu, vùng xa. Thời gian được điều về công tác ở huyện Đam Rông những năm đầu huyện thành lập là thời gian đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng là thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời quân ngũ của anh. Những va vấp, cực khổ, tình cảm của người dân… đã giúp anh trưởng thành cả về suy nghĩ lẫn nhận thức. Trong thời gian này, với quá trình nỗ lực phấn đấu rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, anh cũng đã được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng.
 
Trở thành đảng viên, anh càng ý thức rèn luyện bản lĩnh và khí chất của người lính. Suốt thời gian công tác ở Đam Rông, giao thông thời đó đi lại vô cùng khó khăn, hai vợ chồng anh lại có con nhỏ, nhưng chưa lúc nào anh nao núng trước nhiệm vụ mà đơn vị giao hay tìm cách né tránh xin về để gần vợ con. 
 
Cuộc sống hiện tại của gia đình Thượng úy Lê Đăng Linh cũng còn khá khó khăn, vợ qua nhiều năm đi dạy vẫn chỉ là giáo viên mầm non diện hợp đồng. Chị đang làm việc ở một trường mầm non huyện Lạc Dương. Vợ - chồng - con cái vẫn phải chia hai nơi để sống: vợ và 2 con anh vẫn phải ở nhà thuê ở Lạc Dương để tiện cho chị đi làm; còn anh Linh mới được chuyển về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, hiện ở nhà tập thể của đơn vị tại Đà Lạt. Vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng qua trò chuyện, anh vẫn luôn cho thấy là người sống lạc quan và luôn giữ khí chất của người lính Cụ Hồ - không ngại khó, ngại khổ.
 
Việc anh nhặt được bọc tiền vài tháng trước, trong đó có 47 triệu đồng và 6 chỉ vàng giữa quốc lộ và đã chủ động tìm cách đăng tin lên mạng xã hội để tìm kiếm người để trả lại gây ấn tượng mạnh đối với không chỉ đồng đội và gia đình người được trả lại của rơi mà còn gây ấn tượng mạnh đối với cộng đồng xã hội. Hình ảnh của người lính Cụ Hồ nhờ đó mà đẹp hơn rất nhiều trong mắt nhân dân.
 
“Với tôi, vật chất tiền tài là những thứ quý giá và cần thiết trong cuộc sống. Cái gì mình quý và cần trong cuộc sống thì người khác cũng cần và quý tương đương. Chính vì vậy mà tôi càng không thể giữ lấy của họ. Lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó. Tôi cho rằng, cách làm của tôi không có gì to tát, chỉ là ý thức trách nhiệm của một công dân, thấy cái không phải của mình thì trả lại cho chủ và hơn hết, đó là lòng tự trọng của một con người” - anh Linh chia sẻ.
 
Sau khi được nhận lại số tài sản bị rớt, vợ chồng ông bà Huỳnh Tịnh, quê Khánh Hòa, hiện đang làm nghề chạy xe ôm và bán chuối ở Đà Lạt đã tìm đến nhà, biếu vợ chồng Thượng úy Lê Đăng Linh 5 triệu đồng, nhưng vợ chồng anh Linh từ chối. Anh Linh tâm sự: “Trả lại được gói đồ quý giá ấy cho hai cụ già vẫn đang ngày ngày phải chạy xe, bán chuối bên vệ đường kiếm ăn hàng ngày đó là niềm vui, hạnh phúc đối với tôi rồi”.
 
Có lẽ vùng đất quê hương nhiều khó khăn gian khổ cộng với những ngày được đào tạo, học tập, làm việc dưới mái trường quân ngũ đã tôi thêm trong anh khí chất của người lính Cụ Hồ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tuyên dương Thượng úy Lê Đăng Linh và phát động cán bộ, chiến sỹ học tập việc làm đẹp của Thượng úy, y sỹ Lê Đăng Linh.
 
NGUYỄN NGHĨA