Tân Lâm phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

09:09, 11/09/2017

Về xã Tân Lâm (Di Linh) trong những ngày này, ngoài việc làm đường giao thông nông thôn, không khí xây dựng hội trường thôn cũng đã và đang rộn ràng khắp các thôn. Người dân không chỉ góp tiền mua đất, mà còn góp công lao động, kinh phí xây dựng…, nên nhiều công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, mang tính thẩm mỹ và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân tại địa phương. 

Về xã Tân Lâm (Di Linh) trong những ngày này, ngoài việc làm đường giao thông nông thôn, không khí xây dựng hội trường thôn cũng đã và đang rộn ràng khắp các thôn. Người dân không chỉ góp tiền mua đất, mà còn góp công lao động, kinh phí xây dựng…, nên nhiều công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, mang tính thẩm mỹ và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân tại địa phương. 
 
Hội trường Thôn 2, xã Tân Lâm mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.Brừm
Hội trường Thôn 2, xã Tân Lâm mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.Brừm
Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới(NTM), thời gian qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã Tân Lâm đã ý thức, tích cực đóng góp tiền của, công lao động để phấn đấu hoàn thành lộ trình xây dựng NTM đúng thời hạn.
 
Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, như: các trục đường chính, trường, trạm…, người dân nơi đây còn hiến đất, đóng góp kinh phí nâng cấp, xây dựng các đường nhánh, ngõ xóm và hội trường thôn... Ngay từ khi triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định việc xây dựng NTM là việc làm của toàn dân và người dân là chủ thể hưởng lợi. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường và thực hiện sâu rộng đến từng thôn, xóm và từng hộ dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
 
Ông Vũ Hồng Phúc - Bí thư Đảng bộ xã Tân Lâm cho biết: “Năm 2016, việc chỉ đạo xây dựng NTM ở xã Tân Lâm gặp rất nhiều khó khăn. Khi thành lập mới, 5/10 thôn không có quỹ đất xây dựng hội trường sinh hoạt. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân đóng góp kinh phí mua đất xây dựng hội trường. Qua tuyên truyền, vận động, đến nay 3 thôn đã xây dựng xong, 2 thôn còn vướng về đất và phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành. Những nguồn vốn trên đều do nhân dân đóng góp”. 
 
Ông Vũ Hồng Phúc cho biết thêm: Để việc xây dựng hội trường thôn được thực hiện có hiệu quả, Đảng bộ xã đã quán triệt cán bộ, đảng viên phải là người noi gương trước, với các đảng viên sinh hoạt ở chi bộ, ngoài việc gia đình đóng góp tiền xây dựng hội trường theo qui định thì mỗi đảng viên phải ủng hộ 500 ngàn đồng để xây dựng hội trường, trên cơ sở đó làm động thái để người dân học tập, noi theo. Nhờ vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay xã Tân Lâm đã có 8/10 thôn có hội trường sinh hoạt và xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí về NTM. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền còn lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch - đẹp… luôn được bà con tích cực hưởng ứng. Vì vậy, chương trình này đã có sức lan tỏa rộng khắp, khích lệ tinh thần nhân dân nâng cao ý thức cùng chung tay góp sức với Nhà nước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội và từng bước làm thay đổi diện mạo của địa phương.
 
Chúng tôi đến tham quan Hội trường thôn 4, toàn thôn có 232 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Ông K’Điệp - Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi cho biết: “Người dân thôn chúng tôi luôn đoàn kết thực hiện các phong trào triển khai tại địa phương. Hội trường này được xây dựng năm 2016, diện tích 136 m2, kinh phí xây dựng là 160 triệu đồng. Người dân không chỉ góp tiền, họ còn đóng ngày công. Hơn nữa, những ai là thợ hồ của thôn là những thợ xây chính trong quá trình xây dựng công trình”. 
 
Không chỉ riêng thôn 4, mà tất cả các thôn trên địa bàn xã, bà con đều đồng tình hưởng ứng xây dựng NTM. “Từ ngày thôn 2 tách ra từ Thôn 5, trong năm 2016, bà con thôn 2 đã đóng góp làm được 4 km đường giao thông nông thôn, với trị giá 551 triệu đồng; nhân dân còn đóng góp 61 triệu đồng làm đường điện thắp sáng. Bên cạnh đó, nhân dân còn đóng góp trên 400 triệu đồng mua đất làm hội trường” - ông Vũ Đình Phung - Bí thư chi bộ thôn cho biết.
 
Có thể thấy, chương trình xây dựng NTM đã đến với từng hộ dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Những biện pháp thực hiện tích cực, hiệu quả đã từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo nơi đây. 
 
Cùng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân; UBND xã đã vận động nhân dân chú trọng chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân. Trong số 3.600 ha cà phê, đến nay người dân đã chuyển đổi bằng hình thức ghép cải tạo và trồng mới khoảng 1.000 ha; trồng xen gần 135 ha cây trồng khác, trong đó có 17 ha chè, 38 ha hồ tiêu, sầu riêng 17 ha, bơ 35 ha, mắc ca 5 ha, dâu tằm 12,9 ha và 10 ha mít. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, số hộ nghèo giảm dần qua các năm. Toàn xã hiện có 2.105 hộ dân với 9.389 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 6,3% (132 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm.
 
NDONG BRỪM