Tinh gọn bộ máy - bước ngoặt trong đổi mới của lực lượng Công an Nhân dân

08:09, 26/09/2018

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của bộ máy chính trị, Bộ Công an đã chủ động đi đầu trong việc tổ chức tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong lực lượng ngành...

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của bộ máy chính trị, Bộ Công an đã chủ động đi đầu trong việc tổ chức tinh gọn bộ máy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong lực lượng ngành. Chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng nhận định, cùng với công an cả nước, Công an Lâm Đồng đang từng bước hoàn thiện việc sắp xếp lực lượng tinh gọn, tập trung hướng về địa bàn cơ sở và tiến tới ổn định bộ máy tới năm 2021.
 
PV: Thưa Thiếu tướng, việc Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành giải thể, sáp nhập số lượng lớn nhân sự thời gian vừa qua khiến số đầu mối cấp phòng, cấp phó các cấp thay đổi ra sao?
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hữu Túc
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn
Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Hữu Túc
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Ngày 15/3/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tới ngày 28/3/2018, Đảng ủy Công an Trung ương có Kế hoạch số 76-KH/ĐUCA về thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó Đảng ủy Công an Trung ương đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, giới thiệu các nội dung cơ bản của Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
 
Để thực hiện các nội dung trên, Công an Lâm Đồng đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tiến hành triển khai thực hiện. Đồng thời, căn cứ hướng dẫn và được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt, Công an tỉnh đã sáp nhập, hợp nhất, giải thể 4 đầu mối cấp phòng, tương ứng với giảm 4 phòng so với mô hình cũ. Đặc biệt là việc sáp nhập Cảnh sát PCCC tỉnh vào Công an tỉnh với số lượng rất lớn lên đến gần 500 người nên dư 10 phó phòng và 4 trưởng phòng. Tuy nhiên, việc sắp xếp đã được tiến hành ổn thỏa, đảm bảo số lượng đầu mối cấp phòng và cơ bản đi vào nề nếp hoạt động trong thời gian tới. 
 
Tôi đưa ra ví dụ, sau khi Cảnh sát PCCC sáp nhập vào Công an tỉnh, số lượng phó giám đốc Công an tỉnh từ 5 tăng lên 9 người. Tuy nhiên, năm 2019 sẽ có 4 đồng chí tới tuổi nghỉ hưu, năm 2020 có thêm 1 đồng chí phó giám đốc nghỉ hưu và không tiến hành bổ nhiệm thay thế. Chính vì vậy, đến năm 2021 Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ còn 1 giám đốc, 4 hoặc 5 phó giám đốc và cơ bản ổn định về mặt số lượng, theo đúng định hướng của Bộ Công an. 
 
PV: Như vậy, việc điều chỉnh, tinh gọn bộ máy có làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng?
 
Vấn đề tinh gọn vẫn đảm bảo đầy đủ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, không làm giảm sức mạnh, vị thế của lực lượng công an. Đồng thời, lực lượng ngành sẽ được bố trí tập trung hơn, chỉ huy chỉ đạo nhanh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Ngày 30/8/2018, Công an tỉnh đã tổ chức Lễ công bố quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị nêu trên cũng như quyết định điều động, bố trí công tác đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc các đơn vị. Đến nay, bộ máy của Công an tỉnh đã tinh gọn từ 42 đầu mối chỉ còn 39 đầu mối (27 phòng; Công an 12 huyện, thành phố).

 
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Công an, Công an tỉnh và Cảnh sát PCCC tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, trao đổi, họp bàn thống nhất phương án bố trí, điều động 4 đồng chí lãnh đạo Cảnh sát PCCC đến công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh; bố trí công tác đối với 2 đồng chí giữ chức vụ trưởng phòng, 30 đồng chí giữ chức vụ phó trưởng phòng, phó trưởng Công an cấp huyện; 32 đồng chí giữ chức vụ chỉ huy cấp đội, 206 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) không giữ chức vụ và 208 chiến sỹ nghĩa vụ (CSNV). Đồng thời, Công an tỉnh sáp nhập, hợp nhất, giải thể 4 đầu mối cấp phòng. 
 
Sáp nhập Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ vào Phòng Tổ chức cán bộ; Hợp nhất Phòng Công tác đảng, công tác quần chúng và Phòng Công tác chính trị thành Phòng Công tác đảng và công tác chính trị; Giải thể Phòng Tình báo và Phòng Truy nã tội phạm. Quyết định bố trí công tác đối với 2 đồng chí giữ chức vụ trưởng phòng; 17 đồng chí giữ chức vụ phó trưởng phòng, 28 đồng chí giữ chức vụ chỉ huy cấp đội, 71 CBCS không giữ chức vụ, 22 CSNV.
 
Vấn đề tinh gọn do đó vẫn đảm bảo đầy đủ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, không làm giảm sức mạnh, vị thế của lực lượng công an. Đồng thời, lực lượng ngành sẽ được bố trí tập trung hơn, chỉ huy chỉ đạo nhanh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
 
Cụ thể là giảm tầng nấc trung gian trong quản lý, điều hành; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở tinh giản sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở; từ đó lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh trật tự ngay từ cơ sở; khắc phục được tình trạng chồng chéo, chia cắt; góp phần cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu.
 
PV: Tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tổ chức tinh giản bộ máy ra sao, thưa Thiếu tướng?
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Việc nghiên cứu, dự thảo, triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy lực lượng công an diễn ra trong thời gian dài gây tâm tư, thắc mắc cho CBCS là điều khó tránh khỏi. Điều này có phần ảnh hưởng đến chất lượng công tác của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đặc biệt là các cán bộ từ trưởng xuống phó các phòng, đội. Tuy nhiên, theo lộ trình đến 2021, chúng tôi sẽ bố trí cán bộ theo hướng kiện toàn đúng quy định về số lượng cấp trưởng, cấp phó.
 
Về việc đưa cán bộ, chiến sĩ về cơ sở, khi có chủ trương các cán bộ không muốn về cũng là chuyện dễ hiểu về mặt tâm tư tình cảm. Chính vì vậy, trên tinh thần tuyên truyền, vận động là chính, Công an khuyến khích sự xung kích đi đầu của lực lượng cán bộ trẻ để đáp ứng chủ trương cũng như nhu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở địa phương. 
 
Bên cạnh đó, các cán bộ có người thân, gia đình tại địa phương nào sẽ được tổ chức ưu tiên để bố trí công tác về địa phương đó. Việc này để động viên người được điều động vừa có điều kiện gần gia đình vừa an tâm thực hiện nhiệm vụ. Nhờ làm tốt công tác quản lý cán bộ để điều động hợp lý, đảm bảo đủ số lượng làm nhiệm vụ công an xã nên về cơ bản số cán bộ trên đã ổn định tư tưởng, an tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Cảnh sát PCCC tỉnh sáp nhập vào Công an tỉnh Lâm Đồng ngày 30/8.
Cảnh sát PCCC tỉnh sáp nhập vào Công an tỉnh Lâm Đồng ngày 30/8.
PV: Thời gian tới, lực lượng công an cấp xã sẽ được bố trí, thay đổi như thế nào trong khi Luật chưa có quy định cụ thể về đối tượng này?
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Việc sắp xếp sẽ theo hướng không tăng thêm biên chế ngành, chỉ sắp xếp trong nội bộ theo hướng từ trên xuống. Tức là bộ phận dôi dư cấp trên sẽ tăng cường cho cấp dưới, lực lượng tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã để đảm bảo đủ cơ số cho việc vận hành công an xã trong thời gian tới. 
 
Về giải thể, sáp nhập ở cấp tỉnh, cấp huyện đến nay cơ bản đã xong chỉ còn thực hiện lộ trình đi vào hoạt động hiệu quả. Điểm lưu ý là ở cấp xã thì chúng ta phải đợi Quốc hội, Chính phủ ra các văn bản Luật cụ thể để triển khai thực hiện. Do vậy, hiện nay Lâm Đồng đang tiến hành đánh giá tất cả các xã và triển khai trước ở các xã trọng điểm, trước mắt bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh khi có Luật thông qua.
 
Công an tỉnh cũng tiến hành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh rà soát và xây dựng cơ sở vật chất làm việc tại các xã nơi điều động lực lượng công an chính quy về. Thống nhất với cấp ủy, chính quyền cấp huyện để bố trí cho lực lượng công an cơ sở không chính quy. Hoặc có thể lực lượng công an chính quy sẽ xây dựng cơ sở từ chính lực lượng này. Quá trình sắp xếp đã giải quyết được vấn đề “gọn”. Tuy nhiên, cũng sẽ nảy sinh khó khăn trong việc bố trí cán bộ sao cho “tinh”. Và để cho “tinh” thì cán bộ sẽ được bố trí các nhiệm vụ chuyên môn theo đúng lĩnh vực, chuyên ngành công tác của cán bộ.
 
Trên tinh thần chủ trương của Bộ Công an, Công an tỉnh sẽ đưa lực lượng công an chính quy về tăng cường cho các xã đảm bảo thực hiện công an 4 cấp. Đến nay, Công an Lâm Đồng đã tiến hành thí điểm ưu tiên ở 21 xã trọng điểm. Cụ thể, đã bố trí được 13 xã, còn 8 xã tiếp tục khảo sát, nghiên cứu về điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện con người...
 
PV: Xin cám ơn Thiếu tướng!
 
NGỌC NGÀ - CHÍNH THÀNH (thực hiện)