Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ phía giáo viên (kỳ 1)

09:09, 25/09/2018

(LĐ online) - Việc đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải từ nhiều phía, bắt đầu từ giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội; trong đó giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu. 

[links()] (LĐ online) - Việc đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải từ nhiều phía, bắt đầu từ giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội; trong đó giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo … và nhân dịp bước vào năm học mới, chúng tôi xin đề cập một số nội dung xung quanh vấn đề này.
 
Giáo viên yếu tố quyết định hàng đầu
 
Đặt vấn đề giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là bởi: (1) Giáo viên là những người được đào tạo bài bản, toàn diện về tri thức và kỹ năng sư phạm, họ hội đủ các điều kiện để thực hiện quá trình đổi mới giáo dục. Điều kiện trước tiên là sự nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm, đức tính nghề nghiệp và sự quyết tâm cao ở người giáo viên; kế đến là kỹ năng tổ chức, hướng dẫn học sinh trong lớp học, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học và các kỹ năng liên quan khác. Đó là những phẩm chất được hình thành thông qua đào tạo, tu dưỡng, rèn luyện ở trong môi trường sư phạm. 
 
(2) Người giáo viên vừa có kiến thức chuyên môn vừa có kiến thức sư phạm, đồng thời có kỹ năng truyền tải kiến thức cho học sinh một cách đơn giản, dễ hiểu; giúp học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các bài tập trong sách, cũng như các tình huống thực tế đặt ra trong cuộc sống. 
 
(3) Người giáo viên xác định được yêu cầu cần đổi mới giáo dục theo mục tiêu đào tạo những con người phát triển toàn diện, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần dân tộc, có ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật tốt, chủ động sáng tạo.... Từ đó, họ ý thức được sự cần thiết và lợi ích của việc đổi mới nội dung giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức và phương thức đánh giá học sinh, sử dụng phương tiện dạy học… để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. 
 
Là yếu tố quyết định hàng đầu, trước hết người giáo viên cần phải thấu suốt quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, đổi mới phương pháp dạy học nói riêng không phải từ bỏ hoàn toàn phương pháp cũ, mà thực chất là tiếp tục kế thừa, phát huy những nhân tố tích cực của cái cũ đồng thời tạo ra những nhân tố mới tiến bộ hơn, tốt hơn nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển trong giai đoạn mới. Nếu phương pháp dạy học cũ nặng về phát huy trí nhớ, ghi nhớ được nhiều kiến thức, tuân thụ tính khuôn phép máy móc, làm cho học sinh thụ động, tiếp thu một chiều, thì phương pháp mới yêu cầu phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, thông qua sự tác động, hướng dẫn của giáo viên… Qua đó khơi dậy trong học sinh khát vọng tìm tòi, khám phá cái mới, tìm hiểu tri thức để mở rộng tầm hiểu biết và cao hơn là sáng tạo ra cái mới. Điều cốt lõi của phương pháp dạy học mới là biết vận dụng hợp lý, sáng tạo các phương pháp dạy học đã có, tạo ra “các tình huống có vấn đề” trong các giờ học, tạo sự hứng thú và kích thích nhu cầu sáng tạo trong học sinh. Mà muốn phát huy tính sáng tạo của học sinh, trước hết giáo viên cần có sáng tạo trong dạy học và chất lượng giáo viên sẽ là nhân tố quyết định chất lượng học sinh.
 
Đồng thời, giáo viên phải tiên phong đổi mới phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi giáo viên phải thực hiện nhiều việc, nhiều công đoạn, trong đó cần lưu ý: (i) Lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho một tiết học (môi trường dạy học), đảm bảo thúc đẩy hoạt động của tiết học đạt hiệu quả cao nhất; (ii) Giáo viên phải nắm vững kiến thức và kỹ năng cần truyền đạt đến học sinh để thiết kế dẫn dắt học sinh đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều; không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người hỗ trợ, hướng dẫn học sinh tìm chọn và xử lý thông tin. (iii) Khéo kéo, sáng tạo trong việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; chuyển học sinh từ đối tượng chịu tác động trở thành chủ thể của giáo dục. (iv) Khai thác và tận dụng nội lực của học sinh để tạo thói quen trí tuệ, kỹ năng phân tích vấn đề, khả năng tiếp thu, diễn đạt, tổ chức xử lý thông tin; qua đó hình thành năng lực tự học và học suốt đời.
 
Mỗi khi giáo viên thấu suốt và thực hiện hiệu quả những vấn đề nêu trên, thì họ thực sự là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
Nâng cao chất lượng giáo viên tạo khâu đột phá trong đổi mới giáo dục
 
Từ chỗ xác định giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu, dẫn đến phải đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và coi đây là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục. Bởi lẽ, không có thầy giỏi về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt thì không thể có nền giáo dục chất lượng. Hiện nay, chất lượng của đội ngũ giáo viên đang đặt ra những lo ngại trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều đó đòi hỏi vừa phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo từ trường sư phạm, vừa phải bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có.
 
Trước hết, cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, bởi muốn có những giáo viên tương lai tốt thì phải tốt bắt đầu từ khâu đào tạo, tức là từ “máy cái” là trường sư phạm. Hiện nay, chương trình đào tạo ở nhiều trường sư phạm chưa thật sự đổi mới cho phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học ở bậc phổ thông. Dẫn đến sinh viên ra trường thường lúng túng, bỡ ngỡ khi đứng trước bục giảng, khi tham gia các hoạt động ở trường phổ thông. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do: Phương pháp đào tạo nặng về coi trọng khoa học cơ bản (chuyên ngành đào tạo), xem nhẹ kỹ năng nghề nghiệp (khoa học giáo dục - nghiệp vụ sư phạm); cách dạy học chủ yếu thuyết trình, truyền thụ kiến thức một chiều; chưa thực sự coi trọng xây dựng nền tảng tri thức của nghề dạy học và việc rèn luyện để hình thành và phát triển các kỹ năng thực hành nghề dạy học; chưa xem dạy học là một nghề mang tính đặc thù, chỉ cần có kiến thức khoa học là có thể đi dạy học... Khắc phục được những mặt hạn chế hiện nay sẽ đào tạo ra những giáo viên tương lai hội đủ các tiêu chuẩn để tham gia chương trình, phương pháp dạy học đổi mới. 
 
Thứ hai, cần thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên trên cơ sở khảo sát, đánh giá chính xác, khách quan thực trạng năng lực của đội ngũ giáo viên để xây dựng chương trình bồi dưỡng sát với từng đối tượng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn; khắc phục trình trạng bồi dưỡng chung chung, thiếu thiết thực, kiểu đến hẹn lại lên như lâu nay thường làm. Phương thức bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên phải căn cứ vào yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, thực tế năng lực và nhu cầu của từng giáo viên để có các hình thức phù hợp như: học tập trung; tập huấn, bồi dưỡng theo từng đợt, từng chuyên đề; tổ chức sinh hoạt chuyên môn (qua dự giờ, thao giảng, thực hiện chuyên đề…) để tạo giáo viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tự bồi dưỡng lẫn nhau... Để công tác bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả thiết thực, cần mời các chuyên gia, các giảng viên có trình độ cao để trực tiếp bồi dưỡng, tập huấn; đồng thời biên soạn tài liệu theo hướng khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, gắn với cách thức đánh giá kết quả của từng giáo viên một cách khoa học, chặt chẽ và thực chất...
 
Mỗi khi sinh viên sư phạm được đào tạo có hệ thống, có năng lực sáng tạo, giáo viên được bồi dưỡng, đào tạo lại đạt chuẩn thì họ sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng sáng tạo các phương pháp dạy học để phát triển trí tưởng tượng phong phú của học sinh; biết tạo môi trường lớp học thú vị, từ đó kích thích sự nảy sinh ý tưởng khám phá, tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh.
 
KHÁNH LINH