Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ phía giáo viên (kỳ 2)

09:09, 26/09/2018

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền giáo dục phát triển cao, cũng đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới giáo dục và đào tạo để đáp ứng với xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và sự bùng nổ thông tin. 

[links()]
Đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông
 
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền giáo dục phát triển cao, cũng đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới giáo dục và đào tạo để đáp ứng với xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và sự bùng nổ thông tin. Khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng tăng lên gấp bội, đa dạng và phức tạp, trong khi thời lượng học tập của học sinh có hạn; từ đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới cách thức tiếp nhận, vận dụng tri thức một cách sáng tạo. Theo đó, phương pháp giáo dục nói chung và phương pháp dạy học nói riêng cũng phải đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh để từ đó bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, hình thành khả năng học tập suốt đời là một nhu cầu tất yếu trong các nhà trường.
 
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện đổi mới theo hướng chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung bài học sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh làm được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải đổi mới cách tiếp cận các thành tố của quá trình dạy học: Mục tiêu dạy học chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học; Chương trình dạy học chuyển từ tập trung, bao cấp sang phân cấp trên cơ sở chương trình khung của Bộ; Nội dung dạy học chuyển từ nội dung nặng kiến thức hàn lâm sang tinh giản, chọn lọc, tích hợp, đáp ứng yêu cầu ứng dụng vào thực tiễn và hội nhập quốc tế; Phương pháp dạy học chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều, học sinh tiếp thu thụ động sang tổ chức hoạt động học cho học sinh, học sinh tự lực, chủ động trong học tập, lấy hoạt động học của học sinh là trung tâm; Hình thức dạy học các giờ học chuyển từ chủ yếu diễn ra trên lớp học truyền thống sang việc đa dạng hóa các hình thức dạy học, kết hợp cả trong và ngoài lớp học, ngoài nhà trường, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…, từ chủ yếu dạy học toàn lớp sang kết hợp giữa dạy học nhóm nhỏ, cá nhân với toàn lớp học; Kiểm tra đánh giá từ chủ yếu kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức sang đánh giá năng lực; từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập sang kết hợp đánh giá kết quả học tập với đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ của học sinh; Các điều kiện dạy học chuyển từ việc chủ yếu khai thác các điều kiện giáo dục trong phạm vi nhà trường sang việc tạo điều kiện cho học sinh vừa sử dụng các điều kiện trong nhà trường vừa được học tập qua các nguồn học liệu đa dạng, phong phú trong xã hội, nhất là qua Internet; ...; phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và chuẩn bị tâm thế cho học tập suốt đời.
 
ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRƯỜNG HỌC
 
Đổi mới dạy học có thành công hay không ngoài yếu tố quyết định của giáo viên trực tiếp đứng lớn, còn liên quan rất lớn đến công tác quản lý trường học, nghĩa là cũng phải đổi mới công tác quản lý nhà trường một cách tương thích. Từ yêu cầu đổi mới quá trình dạy học, nhất là đổi mới phương pháp dạy học, đòi hỏi công tác quản lý trong nhà trường cũng phải thay đổi cho phù hợp; chuyển từ kiểu quản lí tập trung, bao cấp, áp đặt mệnh lệnh từ trên xuống, thực hiện theo các quy định rập khuôn, máy móc của cấp trên, làm hạn chế, dẫn đến thủ tiêu năng lực sáng tạo của giáo viên và học sinh, đánh mất yếu tố cá nhân, đặc trưng vùng miền,... sang cách quản lý theo định hướng phát huy dân chủ, phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên và phù hợp thực tế của các nhà trường. 
 
Đổi mới công tác quản lý nhà trường tương thích với đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi người quản lý phải tạo được môi trường thuận lợi, giúp giáo viên có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng cần thiết, có được thái độ, tâm thế hứng thú và tạo cảm giác an toàn để giáo viên sẵn sàng đổi mới phương pháp dạy học; xác định mục tiêu, kế hoạch, lộ trình thực các mục tiêu; chuẩn bị cơ sở vật chất, các nguồn lực đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu dạy học theo phương pháp đổi mới (phù hợp điều kiện nhà trường); thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời hỗ trợ, khuyến khích kết quả đổi mới, xóa bỏ các rào cản, tư tưởng bảo thủ nhằm hỗ trợ thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học; sử dụng các biện pháp nhằm duy trì các kết quả đổi mới đã đạt được, đảm bảo sự phát triển bền vững ...
 
Việc đổi mới công tác quản lý nhà trường phù hợp với yêu cầu đổi mới dạy học cần lưu ý một số vấn đề như: (1) Đánh giá chính xác, khách quan thực trạng dạy học của nhà trường, thực trạng học sinh và điều kiện nhà trường - xã hội… để xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học. Kế hoạch phải xác định rõ mục tiêu, các yếu tố cần phải thay đổi, các điều kiện - nguồn lực đảm bảo, đề ra lộ trình và các biện thực hiện cụ thể, rõ ràng, phù hợp thực tế.
 
(2) Tuyên truyền, phổ biến kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao nhận thức trong giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, phụ huynh và các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương trên địa bàn về sự cần thiết và lợi ích của việc đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của những người liên quan và của toàn xã hội, lôi kéo mọi thành viên trong nhà trường, mọi lực lượng trong và ngoài trường cùng tham gia quá trình đổi mới phương pháp dạy học của nhà trường.
 
(3) Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, kịp thời khuyến khích những nhân tố mới, tích cực; nhận diện, xử lý những vướng mắc, khó khăn, xóa bỏ các rào cản của đổi mới phương pháp dạy học. Tùy theo tính chất, mức độ của các nhân tố cản trở để có các biện pháp và mức độ giải quyết phù hợp. Những nhân tố cản trở thường gặp trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học như: tâm lý, động cơ; hạn chế về chuyên môn; thiếu điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; nội dung, phương pháp hiện hành; cách thức nhận xét, đánh giá giáo viên theo lối áp đặt; cách thức kiểm tra, thi cử …Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, rào cản sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. 
 
(4) Sử dụng các biện pháp nhằm duy trì các kết quả đã đạt được, đảm bảo quá trình đổi mới được duy trì và phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các nhà trường phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt thông tin từ giáo viên, học sinh về kết quả đổi mới phương pháp dạy học… Thông qua đánh giá các mặt, khẳng định những mặt đạt được cần tiếp tục duy trì; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh, bổ sung ở các bước tiếp theo. Khuyến khích, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân đạt kết quả tốt; phổ biến, nêu gương, nhân rộng và chia sẻ kinh nghiệm những gương dạy tốt, học tốt theo phương pháp mới; đồng thời uốn nắn, thậm chí phê bình những tư tưởng bảo thủ ngăn cản quá trình đổi mới; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ…Cần lưu ý rằng, không đổi mới công tác quản lý trường học nói riêng và quản lý giáo dục nói chung thì không thể đổi mới phương pháp dạy học.
 
Quá trình đổi mới nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông là một quá trình liên tục, không có điểm dừng; kết quả của giai đoạn trước là tiền đề cho giai đoạn sau. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên luôn tự tin và không bao giờ thỏa mãn; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; thường xuyên rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, kịp thời bổ sung, điều chỉnh để không ngừng hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI đã đề ra.
 
KHÁNH  LINH