Lâm Ðồng thực hiện mục tiêu 90-90-90

08:11, 29/11/2018

Nhân Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), PV Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn BSCKII Ðỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Ðồng về một số nội dung liên quan đến vấn đề này.

Nhân Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), PV Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn BSCKII Ðỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Ðồng về một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
 
PV: Thưa BS! Xung quanh chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, xin BS cho biết mục tiêu đó là gì?
 
BSCKII Đỗ Công Kim
BSCKII Đỗ Công Kim
BSCKII Đỗ Công Kim: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. 
 
Mặc dù các mục tiêu này đã được Việt Nam cam kết thực hiện từ năm 2014, tuy nhiên các mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút hiện đạt được còn thấp trong khi thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu không nhiều. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!”.
 
PV: Tại sao mục tiêu 90-90-90 lại quan trọng với công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở nước ta?
 
BSCKII Đỗ Công Kim: Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Bởi vì: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình: Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa, nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm HIV thì họ cũng không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ. Khi không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.
 
90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng HIV: Việc điều trị sớm bằng thuốc kháng HIV (hay còn gọi là thuốc ARV) sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, hiện nay các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = Không lây truyền” tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị thuốc kháng HIV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
 
90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác: Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
 
Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần phải được kết nối với dịch vụ điều trị thuốc kháng HIV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh. Khi các mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 sẽ tạo đà để từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
 
PV: Thực tế tại Lâm Đồng đã thực hiện mục tiêu này như thế nào và cần những giải pháp gì để tỉnh đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020?
 
BSCKII Đỗ Công Kim: Tại Lâm Đồng, đến hết quý III/2018 kết quả thực hiện trong công tác phòng chống HIV/AIDS theo mục tiêu 90-90-90 như sau: có 68% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, có 79% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV).
 
Riêng mục tiêu 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm  nguy cơ lây truyền HIV cho người khác thì hiện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS chưa đủ điều kiện triển khai được xét nghiệm đo tải lượng vi-rút mà phải gửi mẫu về Viện Pasteur TP HCM để xét nghiệm. Do hạn hẹp về kinh phí nên trong thời gian vừa qua, chúng tôi mới gửi được khoảng 100 mẫu xét nghiệm đo tải lượng vi-rút của bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng HIV, kết quả có 82% đạt số lượng vi-rút ở mức thấp. 
 
Để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 chúng ta cần những giải pháp sau đây: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và các mục tiêu 90-90-90 trong cộng đồng dân cư để mọi người nhận thức đúng và tích cực chủ động tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng và tạo sự thuận lợi trong công tác tư vấn xét nghiệm HIV để mọi người có nhu cầu đều tiếp cận được dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV nhằm đáp ứng mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của họ. Thực hiện tốt việc kết nối và chuyển tiếp các dịch vụ trong phòng chống HIV/AIDS để tất cả những người đã được phát hiện nhiễm HIV đều được tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng HIV theo quy định. Vận động và tạo điều kiện để người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh mua thẻ Bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi và giảm chi phí khi tham gia điều trị thuốc kháng HIV. Nâng cao chất lượng khám, tư vấn và chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, khuyến khích và tạo điều kiện để người nhiễm HIV tuân thủ điều trị tốt. Triển khai xét nghiệm đo tải lượng vi-rút cho bệnh nhân điều trị thuốc kháng HIV để theo dõi và đánh giá hiệu quả trong quá trình điều trị của bệnh nhân nhiễm HIV.
 
PV: Xin cảm ơn BS!
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)