Bảo Lộc chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

08:06, 10/06/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn TP Bảo Lộc đã ghi nhận hơn 60 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, từ tháng 5 đến những ngày đầu tháng 6 đã ghi nhận 34 ca mắc bệnh. Ðiều này cho thấy, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP bảo Lộc đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, bùng phát trên diện rộng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn TP Bảo Lộc đã ghi nhận hơn 60 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, từ tháng 5 đến những ngày đầu tháng 6 đã ghi nhận 34 ca mắc bệnh. Ðiều này cho thấy, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP bảo Lộc đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, bùng phát trên diện rộng.
 
Cán bộ TTYT Bảo Lộc phun xịt khống chế các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh tại Phường 2. Ảnh: K.Phúc
Cán bộ TTYT Bảo Lộc phun xịt khống chế các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh tại Phường 2. Ảnh: K.Phúc
 
Nguy cơ tái diễn “chu kỳ 3 năm”
 
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) Bảo Lộc, trong 2 năm (2017 và 2018), bệnh sốt xuất huyết được kiểm soát tốt khi số ca mắc bệnh chỉ dừng lại từ 20 - 30 ca/năm. Tuy nhiên, trước đó, vào năm 2016, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát tại Bảo Lộc, với gần 300 người mắc bệnh; trong đó, có 1 người tử vong.
 
Ngành Y tế Bảo Lộc dự báo, năm nay, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 4 và có thể kéo dài đến hết tháng 11. Hiện nay, thời tiết ở Bảo Lộc diễn biến phức tạp (nắng, mưa thất thường) là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn Aedes sinh sôi, nảy nở tạo thành các ổ dịch. So với năm 2016 thì năm nay, diễn biến của bệnh sốt xuất huyết xảy ra tại Bảo Lộc có những sự tương đồng nhất định khi số người mắc bệnh và số ổ dịch đến thời điểm này là tương đương nhau (đều tăng số ca mắc bệnh và ổ dịch).
 
Cụ thể, theo thống kê của ngành Y tế Bảo Lộc đến ngày 5/6, trên toàn thành phố đã ghi nhận 61 trường hợp bị sốt xuất huyết (tăng tới 47 ca so với cùng kỳ năm 2018). Theo đó, bệnh sốt xuất huyết đã và đang xảy ra tại hầu hết các xã, phường. Những địa phương có số ca sốt xuất huyết tăng mạnh như xã Đại Lào (12 ca,) Phường 2 (10 ca), Lộc Tiến (7 ca), Lộc Châu (6 ca), Lộc Sơn (5 ca) và Lộc Nga (5 ca)… Cùng với đó, thời gian qua, ngành Y tế địa phương cũng đã phát hiện và xử lý 25 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó, Phường 2 có 7 ổ dịch, Lộc Sơn có 3 ổ, Lộc Nga có 3 ổ, Lộc Tiến có 3 ổ và Đại Lào có 2 ổ dịch…
 
Bác sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó Giám đốc TTYT Bảo Lộc, dự báo: “Thống kê cho thấy, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao và diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, diễn biến thời tiết biến động thất thường cũng là điều kiện để côn trùng sinh sôi, phát triển. Cùng với đó, do đặc thù của địa phương tập trung nhiều trục đường giao thông quan trọng; có nhiều khu, cụm công nghiệp, du lịch, làng nghề và trường học, vì vậy, tình hình di biến động dân cư cơ học diễn ra hết sức phức tạp, làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Vấn đề vệ sinh môi trường, thu gom rác thải còn nhiều bất cập cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Vì thế, nếu không được phòng, chống có hiệu quả thì nguy cơ tái diễn dịch sốt xuất huyết theo chu kỳ “3 năm 1 lần” như năm 2016 là rất cao”.
 
Chủ động phòng, chống
 
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì sự chủ quan “xem nhẹ” công tác phòng, chống sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết có thể lây lan, bùng phát trên diện rộng. Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người dân tại Bảo Lộc vẫn chưa hiểu biết về triệu chứng, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết; còn buông lỏng cách phòng bệnh, chưa chủ động khai báo với cơ sở y tế khi phát hiện bệnh…
 
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết, ngành Y tế Bảo Lộc đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (các trạm y tế) thực hiện tốt phương châm “Không có loăng quăng, không có muỗi sẽ không có sốt xuất huyết”. Từ đó, tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phát hiện và tiêu diệt loăng quăng tại hộ gia đình; thực hiện vệ sinh môi trường, diệt muỗi và chống muỗi đốt... 
 
Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Trưởng Trạm Y tế Phường 2, cho biết: “Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, chúng tôi đang huy động tối đa mạng lưới cộng tác viên, với 52 người tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kiến thức phòng bệnh, diệt loăng quăng xử lý các ổ dịch. Đồng thời, chủ động triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng một cách triệt để, bao phủ 100% các hộ gia đình tại các khu vực đã và đang xuất hiện ổ dịch”.
 
Hiện, ngành Y tế Bảo Lộc đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết; đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ cao; sẵn sàng, bảo đảm không để thiếu vật tư, hóa chất xử lý ổ dịch mới phát sinh…
 
“Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Y tế và chính quyền địa phương, thì người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình. Khẩu hiệu hành động “Không có loăng quăng, không có muỗi sẽ không có sốt xuất huyết” thì ai cũng thấy quen thuộc, nhưng người dân phải làm cho khẩu hiệu này thật sự đi vào cuộc sống thì mới có ý nghĩa trong phòng bệnh. Vì vậy, để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết thì việc làm sạch môi trường, diệt loăng quăng là biện pháp phòng, chống hiệu quả và lâu dài nhất” - Bác sĩ Nguyễn Minh Hòa khẳng định.
 
KHÁNH PHÚC