Nhiều thách thức đối với người làm báo Ðảng địa phương thời bùng nổ thông tin

07:06, 21/06/2019

Cuộc cách mạng 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang khiến báo chí truyền thống, đặc biệt là báo Ðảng địa phương phải chịu sức ép rất lớn...

Cuộc cách mạng 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã và đang khiến báo chí truyền thống, đặc biệt là báo Ðảng địa phương phải chịu sức ép rất lớn. Ðiều này đòi hỏi những người làm báo phải sớm thay đổi cả về tư duy và cách thức làm báo để kéo độc giả về với mình, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng thông tin và dư luận xã hội, là cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân.
 
Nhà báo Lê Hoa - Báo Lâm Đồng trong một lần tác nghiệp ghi hình về lĩnh vực du lịch. Ảnh: N.Thi
Nhà báo Lê Hoa - Báo Lâm Đồng trong một lần tác nghiệp ghi hình về lĩnh vực du lịch. Ảnh: N.Thi
 
Rõ ràng chúng ta đều thấy rằng, xu hướng tiếp cận với thông tin của bạn đọc hiện nay, kể cả độc giả lớn tuổi đã khác rất nhiều so với trước đây. Theo thống kê, lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2018 vào khoảng 64 triệu người, đạt 67% dân số. Một thống kê đáng chú ý nữa là thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Việt Nam hiện cũng đang xếp ở vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, tỷ lệ này cho thấy xu hướng tăng cả về lượng người dùng lẫn độ tuổi tham gia sử dụng mạng xã hội này. 
Nhà báo Chu Quốc Hùng - Trưởng cơ quan Thông tấn xã Việt Nam  (TTXVN) tại Lâm Đồng chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, sự cạnh tranh trong báo chí là điều tất yếu không tránh khỏi và ngày càng khốc liệt. Trong đó có cả sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với nhau, lẫn cạnh tranh giữa báo chí với mạng xã hội. Sự cạnh tranh lành mạnh là rất cần thiết, nó thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí hiện đại, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc, người xem. Đồng thời cũng đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên luôn học hỏi, đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của độc giả. Tuy nhiên, sự cạnh tranh “bẩn” lại đem lại những kết quả ngược lại”.
 
Rõ ràng sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho nghề báo ngày nay khác hẳn so với trước kia, vừa thuận lợi vừa đầy thách thức. 
 
Chính vì vậy mà nhiều nhà báo bây giờ do chạy theo thông tin nhanh, mới nên ít dành thời gian để đầu tư cho những bài viết, những chuyên đề, những đề tài chuyên sâu. 
 
Và, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông tin trên mạng, nhiều nhà báo sa vào việc làm báo salon, ngồi nhà tra cứu tư liệu để viết bài, lười đi cơ sở, thậm chí lười suy nghĩ, tìm tòi thông tin, kiến thức mà thường xuyên copy, pass từ các báo khác.
 
Chứng minh cho điều này, nhà báo Chu Quốc Hùng kể về vụ việc cạnh tranh không lành mạnh mà anh vừa trải qua. Vào ngày 6/5/2019, nhóm phóng viên của TTXVN tại Lâm Đồng bắt đầu đăng tải loạt phóng sự về vụ hạ độc hàng ngàn cây thông để chiếm đất tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Để có được những thông tin này, trước đó vài ngày, phóng viên đã phải bí mật tiếp cận hiện trường ghi lại hình ảnh, gặp gỡ các nhân chứng, tới các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở truy tìm, kiểm chứng thông tin cho phóng sự của mình. 
 
Đáng buồn thay, khi các thông tin, hình ảnh của TTXVN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì đã bị chia sẻ, xào xáo, thậm chí đánh cắp không thương tiếc. Cụ thể, một cơ quan báo chí Trung ương rất lớn, không biết bằng cách nào đã lấy được hình ảnh có giá trị, nhất là đoạn clip quay cả khu rừng thông rộng lớn đã chết cháy vì bị lâm tặc hạ độc. Tuy nhiên, khi đăng tải hình ảnh này, cơ quan báo chí nọ đã điềm nhiên đóng dấu tên đơn vị lẫn tên phóng viên của họ lên các khuôn hình mà họ đã đánh cắp. Điều này khiến cho nhóm phóng viên, những người thực sự quay các hình ảnh trên sững sờ, bởi thất vọng trước một sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo kia.
 
Đáng buồn hơn nữa là khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng điều tra, xử lý vụ việc, thì lại căn cứ vào thông tin mà cơ quan báo chí nọ đăng tải. Và đương nhiên, công lao của những người trực tiếp thực hiện phóng sự trên đã bị những người làm báo “bẩn” cướp mất. 
 
Vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong môi trường cạnh tranh báo chí hiện nay ở nước ta, khi mà Internet đang phủ sóng khắp nơi và có sức lan tỏa vô cùng nhanh và rộng.
 
Nhà báo Võ Trang, công tác tại Báo Lâm Đồng chia sẻ rằng, là người làm báo Đảng địa phương, anh không ngại khó, ngại khổ, ngại cạnh tranh để thực hiện những tin nóng, tin hay từ cơ sở mà chỉ sợ sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ các cộng tác viên báo chí, phóng viên “cào tin” chạy theo số lượng, thiếu chiều sâu, bất chấp đạo đức nghề nghiệp. 
 
Và cho dù mạng xã hội có nhiều ưu điểm nhưng cũng đang bộc lộ không ít những yếu tố “mặt trái”, khiến thông tin trên mạng xã hội bị độc giả đánh giá thấp. Đó là tính chính xác, độ tin cậy không cao. Ngược lại, báo Đảng và báo chí chính thống vẫn được bạn đọc đánh giá cao về chuẩn mực thông tin. Bằng chứng là rất nhiều vụ việc xảy ra sau khi đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, sau đó được báo chí chính thống thẩm định thông tin, đăng tải lại, luôn được người dân đánh giá cao, tin tưởng chia sẻ, truyền tai nhau để mọi người có thông tin, nhận định chính xác hơn. Điều đó chứng minh rằng, giá trị cơ bản của nghề báo không bao giờ mất đi hay suy giảm. 
 
Đối với nghề báo, vị trí nghề nghiệp do chính các nhà báo tạo ra. Và đối với một tờ báo cũng vậy, tên tuổi của tờ báo đó được đánh giá như thế nào do những gì tờ báo đó mang đến cho độc giả. Vì vậy, việc định hướng và tạo ra được lớp người làm báo đáp ứng được những tiêu chí về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, song song đó thích nghi nhanh với những biến chuyển về cách thức làm báo, phù hợp với xu thế tiếp cận thông tin của đa số công chúng trong từng giai đoạn phát triển của xã hội nhưng vẫn đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao là vô cùng cần thiết và quan trọng.         
 
NGUYÊN THI