"Tổ may gia công 1B"

08:06, 04/06/2019

Về xã Triệu Hải (Ðạ Tẻh), tôi khá bất ngờ khi đến thăm Tổ phụ nữ may gia công ở Thôn 1 B (tôi gọi tắt là "Tổ may gia công 1B"). Ðây là mô hình sáng tạo giải quyết việc làm mang lại thu nhập khá và ổn định cho những người phụ nữ nơi đây…

Về xã Triệu Hải (Ðạ Tẻh), tôi khá bất ngờ khi đến thăm Tổ phụ nữ may gia công ở Thôn 1 B (tôi gọi tắt là “Tổ may gia công 1B”). Ðây là mô hình sáng tạo giải quyết việc làm mang lại thu nhập khá và ổn định cho những người phụ nữ nơi đây…
 
Các thành viên Tổ may gia công 1B đang say sưa làm việc. Ảnh: T.D.H
Các thành viên Tổ may gia công 1B đang say sưa làm việc. Ảnh: T.D.H
 
Từ sự tình cờ
 
Chị Lê Thị Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Triệu Hải đã đưa chúng tôi “diện kiến” mô hình Tổ phụ nữ (PN) may gia công được đặt tại nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Chi hội phó PN Thôn 1B. Tại đây, ngoài hai vợ chồng chủ nhà - phụ trách tổ may, còn có 5 PN khác đang miệt mài trên các bàn máy khá nhộn nhịp. Tiếng cười nói của những người PN trẻ (đa số khá trẻ) hòa với tiếng máy may tạo thành thứ âm thanh đều đều và khá vui trong một buổi sáng hè Đạ Tẻh nắng khát...
 
Trả lời “thắc mắc” của khách về sự ra đời Tổ may gia công này? Chị chủ nhà chỉ tay sang người chồng trông rất hiền ngồi bên cạnh - anh Mã Văn Tài. Anh cười tươi cho biết, đầu năm 2018, nhờ quen một người bạn làm việc ở TP HCM đã giới thiệu về Công ty TNHH may mặc xuất nhập khẩu Quỳnh Anh (Trụ sở tại TP HCM). Người bạn cho biết, Công ty này chuyên sản xuất và kinh doanh quần áo; sau khi cắt vải gia công, Công ty cần các cơ sở nhận may thành sản phẩm, sẽ nhận lại hàng và trả công theo thành phẩm… Anh Tài thấy với cách làm này, PN ở địa phương có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập; và, anh đã “mách nước” với vợ…
 
Với vai trò Chi hội phó PN thôn, là người khá nhạy bén trong cách làm ăn mới, chị Hoàng Oanh (vợ anh Tài) thông tin trong Chi hội PN thôn và chị đã trao đổi, xin ý kiến Hội LHPN xã Triệu Hải về việc hợp đồng với Công ty nhận hàng về để chị em may gia công kiếm thêm thu nhập…
 
 Nhận thấy công việc phù hợp với PN, tranh thủ thời gian nông nhàn làm việc; công việc lại ổn định và có thu nhập khá, tháng 8/2018, Hội LHPN xã Triệu Hải đã ra quyết định thành lập “Tổ phụ nữ may gia công Thôn 1B”, ban hành quy chế hoạt động và giao Chi hội PN Thôn 1B chịu trách nhiệm quản lý hoạt động tổ may này...
 
Mô hình giải quyết việc làm ổn định
 
Chi hội phó PN Thôn 1 B - Hoàng Oanh cho biết, lúc mới thành lập, Tổ chỉ có 9 thành viên, đến nay đã nâng lên 15 người. Đa số thành viên đều làm việc tại nhà riêng. Đã thành lệ, tất cả việc nhận hàng, may thành sản phẩm, giao nộp và nhận tiền công… đều tập trung một đầu mối là Chi hội PN Thôn 1B, do chị Hoàng Oanh đảm nhiệm.
 
Sau khi nhận vải (Công ty cắt sẵn) từ chị Hoàng Oanh, các thành viên mang về nhà tự may và giao lại sản phẩm. Cứ mỗi đợt Công ty nhận hàng sẽ chuyển tiền qua tài khoản ATM chị Oanh, chị Oanh chi trả đầy đủ cho các thành viên. Những thành viên chưa sắm được máy may thì đến làm tại nhà chị Oanh (hiện tại nhà chị Oanh có 5 người làm việc, máy do chị Oanh bỏ tiền mua). Đặc biệt, những ai chưa biết may, đến đây được chị em dạy nghề và được trực tiếp làm việc, kiếm tiền thu nhập...
 
Bởi vậy, không chỉ trung bình mỗi tháng, mỗi thành viên thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng tiền công mà “Tổ may gia công IB” còn là nơi gặp gỡ, dạy nghề, giúp nhau làm việc, trao đổi kinh nghiệm, sẻ chia chuyện sản xuất, chuyện gia đình...
 
Chị Bùi Thị Thu chia sẻ, chị đang nuôi con nhỏ không làm được việc nặng nhọc ngoài trời, do vất vả nên đã tìm đến nhà chị Hoàng Oanh may gia công kiếm tiền phụ giúp gia đình. Còn em Nguyễn Thị Huyền Chinh (Thôn 3a) bị khuyết tật bẩm sinh (câm điếc) được tổ may dạy nghề, hiện làm việc tại “Tổ may gia công 1 B”... 
 
Điều đặc biệt nữa cũng khá thú vị, 100% thành viên đều là nữ, có một thành viên nam duy nhất tham gia tổ may gia công này nhưng giữ vai trò khá quan trọng - anh Mã Văn Tài! Các phần việc nặng nhọc nhất để duy trì hoạt động tổ may gia công đều do anh đảm nhận. Đó là việc nhận nguyên liệu từ Công ty TNHH may mặc về, phân phối cho từng thành viên của Tổ thực hiện; nhận lại, kiểm tra và giao thành phẩm cho Công ty ở TP HCM đều do anh làm... Anh là tài xế, kiêm khuân vác. Anh chỉ tay ra ngoài sân, chiếc “xe rùa” anh tự chế nằm chờ những chuyến vận chuyển hàng đi - về!
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Hải - Lê Thị Dung thông tin, Chi hội PN Thôn 1 B có 55 hội viên sinh hoạt. Ngoài tổ PN may gia công hoạt động hiệu quả, Chi hội cũng duy trì khá tốt tổ PN tiết kiệm và tổ hùn vốn xoay vần giúp nhau sản xuất theo mô hình “Dân vận khéo” đã được Ban Dân vận Huyện ủy Đạ Tẻh biểu dương...
 
Chị chia sẻ thêm, từ mô hình “Tổ may gia công Thôn 1 B”, sắp tới Hội LHPN xã sẽ nhân rộng đến các chi hội khác; trước mắt thành lập Tổ may gia công Thôn 1 A (đã có 4 hội viên đăng ký). Theo chị, cái khó đối với một số chị em là chưa mua được máy may (8 triệu đồng/máy). Vấn đề này, Hội LHPN xã sẽ đề xuất địa phương hỗ trợ chị em được vay vốn ưu đãi để mua sắm phương tiện làm việc, tăng thu nhập...
 
Tận dụng thời gian nhàn rỗi, làm việc trong nhà, ít tốn sức lao động, tạo việc làm giúp chị em PN có thu nhập khá và ổn định như mô hình “Tổ may gia công IB” - xã Triệu Hải rất đáng ghi nhận, cần nhân rộng trong PN các địa phương khác... 
 
THANH DƯƠNG HỒNG