Chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc tế kết nối việc làm cho sinh viên

05:09, 09/09/2019

Theo ông Chris Ho - Giám đốc dự án thí điểm tại Việt Nam của Học viện Chisholm (Úc), chương trình đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Theo ông Chris Ho - Giám đốc dự án thí điểm tại Việt Nam của Học viện Chisholm (Úc), chương trình đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 
 
Bà Jennie Dehn - Giám đốc các dự án quốc tế, Học viện Chisholm (Úc) trao Giải Sao sáng cho 4 sinh viên lớp Công nghệ sinh học - Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt có thành tích xuất sắc tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: A.N
Bà Jennie Dehn - Giám đốc các dự án quốc tế, Học viện Chisholm (Úc) trao Giải Sao sáng cho 4 sinh viên lớp Công nghệ sinh học - Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt có thành tích xuất sắc tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: A.N
 
17 sinh viên lớp đào tạo thí điểm Công nghệ sinh học thuộc Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt vinh dự là những sinh viên của lớp học đầu tiên nhận bằng tốt nghiệp trong chương trình Đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc cho 25 Trường Cao đẳng Nghề cả nước với 41 lớp học. 
12 nghề đào tạo bao gồm: Thiết kế đồ họa; Công nghệ sinh học; Quản trị nhà hàng; Quản trị khu resort; Hướng dẫn du lịch; Quản trị lữ hành; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Cơ điện tử; Điện tử công nghiệp; Quản trị mạng máy tính; Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Chương trình đào tạo thí điểm trong thời gian 2,5 năm; trong đó 2 năm đào tạo nghề và 6 tháng đào tạo tiếng Anh đạt chuẩn B1 trở lên, nhằm đảm bảo điều kiện khi tốt nghiệp ra trường sinh viên được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Úc.
 
Bằng kinh phí chương trình mục tiêu đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bố trí, các trường thí điểm đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu trong chương trình chuyển giao của Học viện Chisholm, Úc. Trong 3 năm (2015 - 2018), chương trình đã tổ chức 2 đợt đưa 318 giáo viên giảng dạy chuyên môn 12 nghề của 25 trường đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc để đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Số giáo viên này đã được Học viện Chisholm kiểm định, đánh giá và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thí điểm, đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy chuyên môn cho đào tạo thí điểm 41 lớp của 12 nghề. 
 
Công tác kiểm định chất lượng được Học viện Chisholm tổ chức thực hiện 2 đợt kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Trong quá trình đào tạo, Học viện Chisholm tiếp tục cử chuyên gia đến làm việc tại từng lớp, từng nghề tại từng trường để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo của các trường. Qua đó, đánh giá, kiểm định và duy trì việc bổ sung, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như việc hoàn thiện hồ sơ năng lực của giáo viên theo yêu cầu.
 
Sinh viên các lớp đào tạo thí điểm phải có năng lực tiếng Anh đầu vào trình độ A2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu; để học các nội dung chuyên môn bằng tiếng Anh, sinh viên phải có trình độ B1 tiếng Anh. Tuy nhiên, do chất lượng tuyển sinh đầu vào của các lớp đào tạo thí điểm tại các trường thấp và không đồng đều, nhất là năng lực tiếng Anh nên sau 6 tháng đầu, số sinh viên đạt trình độ B1 tiếng Anh chỉ đạt khoảng 25%. Do đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thống nhất với Học viện Chisholm lùi thời gian bắt đầu học chuyên môn và đồng ý để các trường tiếp tục tổ chức dạy bổ sung thêm 6 tháng tiếp theo. 
 
Kết quả đào tạo đến nay, tổng số sinh viên chính thức của 41 lớp tại 25 trường là 731 sinh viên, số sinh viên có chứng chỉ trình độ tiếng Anh B1 trở lên là 707 sinh viên. Theo kế hoạch, đến tháng 12/2019, toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm sẽ kết thúc. Vào đầu tháng 1/2020, sẽ tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện chương trình thí điểm và có hướng nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo.
 
Chương trình đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Sinh viên sau tốt nghiệp đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp FDI, hoặc tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động kỹ sư hoặc liên thông lên đại học ở nước ngoài.
 
Do vậy, để chuẩn bị kết thúc chương trình đào tạo nghề thí điểm chất lượng cao này, nhiều hoạt động xúc tiến các giải pháp việc làm cho sinh viên được triển khai như: Khảo sát nhu cầu việc làm và học liên thông lên trình độ cao hơn của tất cả sinh viên trong các lớp đào tạo thí điểm. Kết quả khảo sát có 336 sinh viên có nguyện vọng làm việc tại doanh nghiệp trong nước; có 424 sinh viên có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài qua xuất khẩu lao động tại các nước Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; có 171 sinh viên có nhu cầu học liên thông lên đại học trong nước hoặc nước ngoài. 
 
Giới thiệu với một số doanh nghiệp, đối tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp như: Samsung, Denso, Wingroup, FLC, Daikin Việt Nam, Văn phòng Đài Bắc, một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động... về các chương trình dạy nghề chuyển giao từ Úc thông qua các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo để các doanh nghiệp, đối tác có thông tin, thực hiện tuyển dụng lao động. Các trường chủ động trong công tác kết nối tìm kiếm việc làm ở các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động có tay nghề chất lượng cao. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Học viện Chisholm, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC bàn các giải pháp hỗ trợ các trường trong việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
 
Với chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc tế thí điểm này, mục tiêu đảm bảo xác định được 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có hướng đi rõ ràng về việc làm, nghề nghiệp. Vì vậy, dự kiến vào tháng 1/2020, hội nghị tổng kết đánh giá kết quả toàn bộ dự án đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc trong đó kết hợp trao bằng tốt nghiệp, công bố kết quả giải quyết đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp. Câu chuyện thành công bước đầu đã được ghi nhận, trong số 41 sinh viên tốt nghiệp nghề Công nghệ sinh học trong tháng 8/2019 đã có một sinh viên - Lê Văn Kỳ (lớp Công nghệ sinh học - Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt) đã được chấp nhận tiếp tục học liên thông tại Queensland (Úc).
 
AN NHIÊN