Lạc Dương: Hiệu quả 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

06:09, 24/09/2019

Hiệu quả từ các chương trình, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Hiệu quả từ các chương trình, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để áp dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và cơ hội tìm kiếm việc làm nhằm góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
 
Trồng atiso mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Ảnh: H.Thắm
Trồng atiso mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Ảnh: H.Thắm
 
Tạo việc làm cho lao động nông thôn
 
Ông Kon Sơ Ha Vương - Chủ tịch UBND xã Đa Nhim cho biết, với địa bàn đặc thù nông nghiệp lại có trên 80% là người DTTS nên trong những năm qua, xã Đa Nhim tập trung vào các lớp đào tạo nghề phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Các lớp trồng nấm, kỹ thuật trồng atiso... thu hút bà con tham gia. 
 
Sau khi học xong, đa phần học viên đều chấp hành tốt, từ đó trở thành lao động đi làm trong các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, những hộ gia đình nhờ các buổi hội thảo, tập huấn... đã nắm vững kỹ thuật, tiến hành chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, xây dựng mô hình kinh tế tại gia đình. Như gia đình anh Rơ Mu Ha Mi, sau khi tham gia học lớp kỹ thuật trồng atiso đã chuyển đổi 2 sào cà phê, đến nay anh đều đặn thu hoạch 1 tháng 2 lần, mỗi lần thu được khoảng 5 triệu đồng từ việc cắt lá, hoa, thân... 
 
“Công tác đào tạo nghề tại địa phương cũng còn gặp phải một số khó khăn bởi trình độ nhận thức của bà con đã phần nào được cải thiện nhưng chưa mang tính bền vững. Với các loại cây trồng mới như nấm, atiso... thì chúng tôi sau khi được tham gia lớp tập huấn ở Đạ Sar đã phải xin mở thêm lớp cho bà con địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ đảng viên ở địa phương cũng gương mẫu đi trước cho bà con nhìn vào làm theo. Đến nay đã có 20 hộ phát triển mô hình trồng nấm tú trân, 6 hộ gia đình tham gia liên kết trồng atiso với công ty Ladophar, được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ, hỗ trợ giống, thu mua tại vườn... Hiệu quả chuyển đổi rất rõ”, ông Ha Vương cho biết thêm.
 
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Lạc Dương, trong 10 năm trở lại đây đã mở được 115 lớp nghề, đào tạo hơn 6.400 lao động, trong đó nghề nông nghiệp chiếm 85%. 
 
Hơn 60 buổi tuyên truyền được tổ chức cho hơn 6.000 lượt người, góp phần không nhỏ vào công tác đào tại nghề trên địa bàn. Từ đó đã giải quyết việc làm cho hơn 3.700 lao động, trong đó giới thiệu vào làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh 1.200 lao động và hơn 2.000 lao động có việc làm từ sản xuất, chăn nuôi tại hộ gia đình và các mô hình liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động, ngành nghề thích hợp để mở lớp đào tạo nghề, cung ứng lao động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích canh tác, mở rộng các mô hình chăn nuôi...
 
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
UBND huyện Lạc Dương đề ra mục tiêu hằng năm đào tạo nghề cho 500 - 800 lao động. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đào tạo được 3.000 lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2020. 
 
Kết quả từ năm 2010 đến nay, huyện đã lồng ghép các chương trình, đề án, dự án để triển khai đào tạo nghề cho người lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động được đào tạo tăng từ 18% năm 2012 lên 44,53% năm 2018 (trung bình hằng năm tăng 3%), qua đó góp phần cải thiện kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Đối tượng đào tạo chủ yếu vẫn là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi tại hộ gia đình nâng cao giá trị sản phẩm và cơ hội tìm kiếm việc làm nhằm góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Rà soát hằng năm cho thấy tỉ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 80%, từ đó góp phần đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Huỳnh Bá Hữu, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện cho biết: Địa bàn Lạc Dương có thế mạnh phát triển về nông nghiệp nên tập trung đào tạo các nghề nông nghiệp. Trong đó, công tác tuyên truyền được xác định là việc làm quan trọng, thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan trọng là làm cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc tham gia học nghề của người lao động trong việc phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 
 
Tuy nhiên, với tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao, chiếm trên 70%, mặt bằng dân trí thấp, lao động có tay nghề chưa cao, tính kỷ luật của người lao động còn hạn chế đã phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu tạo việc làm cho người lao động. Một số lao động tham gia học nghề chưa thực sự nghiêm túc, tham gia để nhận tiền hỗ trợ. Một số đơn vị tham gia dạy nghề thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ, đội ngũ giáo viên còn ít so với nhu cầu thực tế. Kinh phí thực hiện cho công tác đào tạo nghề nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Thời điểm cấp kinh phí còn chậm phần nào đã ảnh hưởng đến việc triển khai mở lớp.
 
HỒNG THẮM