Mỗi trường tiểu học phải tạo ra một dấu ấn mới

06:09, 25/09/2019

"Để chuẩn bị tốt tâm thế cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong năm học 2019 - 2020, mỗi trường tiểu học trên toàn tỉnh phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới...",...

“Để chuẩn bị tốt tâm thế cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong năm học 2019 - 2020, mỗi trường tiểu học trên toàn tỉnh phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới...”, bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới đối với cấp tiểu học. 
 
Giờ Tin học tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch (Đà Lạt). Ảnh: Phan Nhân
Giờ Tin học tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch (Đà Lạt). Ảnh: Phan Nhân
 
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ
 
Lâm Đồng là địa phương có tỷ lệ trường tiểu học triển khai dạy học ngoại ngữ và tin học khá cao, với 194/251 trường dạy học tiếng Anh chương trình 4 tiết/tuần (73,3%) và môn Tin học được triển khai tại 210/251 trường (83,6%). Đây là tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. 
 
Trong đó, thành phố Bảo Lộc được đánh giá thực hiện khá hiệu quả việc dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. Theo bà Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng Phòng Giáo dục thành phố Bảo Lộc, từ việc thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh tự chọn vào năm học 2011 - 2012, đến năm học 2019 - 2020 tất cả các trường tiểu học trên địa bàn đều đã thực hiện. Tuy nhiên, để có được kết quả này, Bảo Lộc gặp không ít khó khăn vào những năm đầu thực hiện, từ giáo viên tiếng Anh đến cơ sở vật chất...
 
Để tháo gỡ khó khăn này, Phòng Giáo dục thành phố Bảo Lộc đã làm một “cuộc cách mạng” trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, từ cán bộ quản lý đến giáo viên tiếng Anh. Phòng đã tổ chức nhiều chuyên đề dạy tiếng Anh; đặc biệt, thành lập tổ chuyên môn tiếng Anh tại các trường lớn và theo cụm đối với những trường nhỏ để giáo viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trong đó, linh hoạt mỗi tiết dạy như tạo trò chơi, giờ học hát, kể chuyện, có phương pháp phù hợp với từng độ tuổi, khối lớp... để truyền cảm hứng cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời, tăng ứng dụng cho môn học này. Do vậy, chất lượng dạy học môn tiếng Anh bậc tiểu học ở Bảo Lộc ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn thành phố có 25/26 trường thực hiện dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, số lượng giáo viên tiếng Anh tăng lên từ 15 lên 60 người, trong đó có 54 giáo viên đạt trình độ B2. “Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bảo Lộc tự tin thực hiện môn tiếng Anh bắt buộc trong trường tiểu học”, bà Hương khẳng định.
 
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2019 - 2020, Sở GDĐT yêu cầu tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm tiếng Anh cấp tiểu học. Trong đó, tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 3, 4, 5 ở những trường đảm bảo điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; ở các trường chưa đảm bảo điều kiện dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, có thể linh hoạt lựa chọn các nội dung của chương trình phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của địa phương và thời lượng có thể sắp xếp được. Khuyến khích tổ chức dạy làm quen tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 ở những nơi có nhu cầu, đủ điều kiện trên tinh thần tự nguyện tham gia của cha mẹ học sinh và học sinh...
 
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học từ năm học 2020 - 2021. Ảnh: T.Hương
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học từ năm học 2020 - 2021. Ảnh: T.Hương
 
Chuẩn bị các điều kiện
 
Năm học 2019 - 2020 là năm học bản lề quan trọng để toàn ngành Giáo dục chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới, trước hết chuẩn bị các điều kiện áp dụng triển khai sách giáo khoa mới đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021. Vì vậy, Giáo dục tiểu học đang tập trung vào các nội dung trọng tâm của năm học này để sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT mới. 
 
Trước hết, rà soát, sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên tiểu học, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để đề xuất kế hoạch tuyển dụng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới đảm bảo định biên 1,5 giáo viên/lớp; trong đó, môn Tin học và tiếng Anh là hai môn bắt buộc từ lớp 3. Căn cứ trẻ 5 tuổi đang học mầm non, các Phòng GDĐT dự kiến số lớp 1 và chọn cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021. 
 
Đồng thời, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Theo đó, thực hiện rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và sẵn sàng triển khai Chương trình GDPT mới từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Đặc biệt chú ý điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo tối đa các trường tiểu học đủ điều kiện thực hiện tổ chức dạy học 9 - 10 buổi/tuần và đảm bảo tỷ lệ phòng học văn hóa đạt 1 phòng/lớp. 
 
TUẤN HƯƠNG