Nỗ lực đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống

08:10, 04/10/2019

Năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ban hành, làm cơ sở quan trọng để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực này tại Lâm Đồng. Từ đó đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tích cực đưa hoạt động SHTT vào đời sống với nhiều hoạt động như hỗ trợ xác lập quyền SHTT, thực thi, bảo vệ quyền SHTT...

Năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được ban hành, làm cơ sở quan trọng để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực này tại Lâm Đồng. Từ đó đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tích cực đưa hoạt động SHTT vào đời sống với nhiều hoạt động như hỗ trợ xác lập quyền SHTT, thực thi, bảo vệ quyền SHTT...
 
Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, địa phương đã được bảo hộ trở thành những thương hiệu mạnh. Ảnh: Q.Uyển
Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, địa phương đã được bảo hộ trở thành những thương hiệu mạnh. Ảnh: Q.Uyển
Xác lập nhiều thương hiệu mang lợi thế cạnh tranh
 
Nhận thức rằng, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, thế giới phẳng cho phép người ta nhanh chóng sao chép bất cứ sản phẩm nào mang hàm lượng trí tuệ cao; vì thế SHTT ngày càng trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Mỗi năm, Sở KH-CN đã hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho khoảng 50 tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), qua đó các doanh nghiệp đã nhận thức rõ vai trò của SHTT và bảo hộ quyền SHCN trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ xác lập quyền SHCN chỉ tập trung ở nhóm đối tượng về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm trà, cà phê, rượu, dịch vụ ăn uống...
 
Việc thực thi quyền SHTT có vai trò rất quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người tiêu dùng và xã hội, công tác thanh tra, kiểm tra được Sở KH-CN quan tâm, qua đó đã phát hiện và xử lý đúng quy định đối với các hành vi vi phạm về SHTT, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, thu hút các nguồn đầu tư vào hoạt động sáng tạo. Sở đã thực hiện hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, thương hiệu; mỗi năm hướng dẫn khoảng 40 - 60 lượt tổ chức, cá nhân về thủ tục đăng ký xác nhận quyền SHCN; tiếp nhận và xử lý kịp thời đơn yêu cầu liên quan đến khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu. Phối hợp với các ngành, các huyện, thành triển khai kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh đến năm 2020 của UBND tỉnh (25/11/2014). Đã xây dựng được 24 thương hiệu, trong đó 21 nhãn hiệu đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận độc quyền (trong đó 8 nhãn hiệu tập thể). Hiện nay 2 nhãn hiệu chứng nhận Dâu tây Đà Lạt, Hồng Đà Lạt và 1 nhãn hiệu tập thể Rượu Cát quế Bảo Lâm đang đăng ký tại Cục SHTT.
 
Công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại địa phương đã mang lại lợi thế cạnh tranh.
 
Cụ thể: đã có 48 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt, 201 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hoa Đà Lạt; sản lượng bình quân các doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt - Hoa Đà Lạt tăng 25 - 30%, giá trị thương phẩm tăng 15%. Đã có 19 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Trà B’Lao”, thực hiện các thủ tục đăng ký thương hiệu Trà B’Lao tại thị trường Trung Quốc và Singapore. Đã xây dựng quy trình, quy định quản lý, thiết kế tem nhãn, xây dựng phim tư liệu cho nông sản Dứa Cayenne Đơn Dương. 4 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”, xây dựng 6 phim tư liệu để tuyên truyền quảng bá, tiến hành phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” ra thị trường nước ngoài. 5 cơ sở được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa - gạo Cát Tiên”, mở rộng vùng sản xuất lúa giống với diện tích 300 ha, xây dựng cánh đồng mẫu 600 ha, thực hiện hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế tập thể để phát triển nhãn hiệu. “Diệp hạ châu Cát Tiên”: đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đang phát triển 150 ha trồng diệp hạ châu theo tiêu chuẩn VietGAP làm vùng nguyên liệu. 18 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Laba”, phát triển các mô hình sản xuất bằng nguồn giống nuôi cấy mô, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân... Đặc biệt, năm 2018, Sở KH-CN đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để sử dụng chung cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân sản xuất rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
 
Nâng cao hoạt động sở hữu trí tuệ vì phát triển và hội nhập
 
Tuy đạt được một số kết quả trên, nhưng thực tế, việc đưa Luật SHTT vào cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân đối với việc xác lập quyền SHTT có chuyển biến nhưng chưa cao, hệ thống tổ chức quản lý về SHTT trên địa bàn vẫn chưa đồng bộ, chưa có bộ phận quản lý chuyên trách, nhân sự ít và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực cho công tác quản lý SHTT vừa thiếu, vừa yếu, chuyên môn chưa sâu trong lĩnh vực SHTT, bởi vậy còn lúng túng khi giải quyết vụ việc. Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn dưới Luật SHTT còn chậm, gây khó khăn trong việc xử lý hành vi xâm phạm tên thương mại, tên miền, xâm phạm trong lĩnh việc sở hữu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký xác lập quyền SHCN cho đơn vị mình, mà chỉ tiến hành đăng ký khi có dấu hiệu bị xâm phạm đã gây khó khăn cho việc giải quyết; việc xác lập quyền SHTT đối với các đối tượng như sáng chế, chỉ dẫn địa lý, thiết kế, tên thương mại... rất ít được quan tâm. 
 
Qua thực tiễn đưa Luật SHTT vào cuộc sống ở Lâm Đồng cho thấy: các điều kiện bảo hộ đối tượng SHTT, quyền đăng ký, thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT, thời hạn xử lý đơn đăng ký được quy định một cách rõ ràng, cụ thể, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập như: việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng quy định một cách chung chung, không rõ ràng, không định lượng được nên khó xác định nhãn hiệu như thế nào là nổi tiếng; tiêu chí để đánh giá dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn vẫn chưa được cụ thể hóa, do đó còn nhiều khó khăn khi xét nội dung nhãn hiệu; việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHTT của Cục SHTT còn quá chậm, có khi kéo dài 2 - 3 năm gây chán nản cho doanh nghiệp trong việc thực thi quyền SHTT. Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn chậm, chủ yếu áp dụng chế tài hành chính như: phạt tiền, đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh có thời hạn, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, tiêu hủy hàng hóa vi phạm... mức xử còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 
 
Để Luật SHTT thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh vì sự phát triển và hội nhập thì không chỉ các ban, ngành, đơn vị chức năng cần vào cuộc quyết liệt mà hơn cả cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của quyền SHTT để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, tự tin sáng tạo mà không lo ngại bị xâm phạm. 
 
QUỲNH UYỂN