Điểm tựa cho Đưng K'Nớ

06:10, 02/10/2019

Đối với địa bàn vùng sâu khó khăn như xã Đưng K'Nớ (Lạc Dương), việc nhận được các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chính sách phát triển của địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển...

Đối với địa bàn vùng sâu khó khăn như xã Đưng K’Nớ (Lạc Dương), việc nhận được các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chính sách phát triển của địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. Đặc biệt, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thể xem là một trong những đòn bẩy lớn, tạo động lực mạnh đối với địa bàn có hơn 95% dân số là người đồng bào DTTS này.
 
Hiện nay, các chương trình hỗ trợ vẫn đang là điểm tựa lớn cho sự phát triển của Đưng K’Nớ. Ảnh: N.Ngà
Hiện nay, các chương trình hỗ trợ vẫn đang là điểm tựa lớn cho sự phát triển của Đưng K’Nớ. Ảnh: N.Ngà
 
Xã Đưng K’Nớ hiện có 526 hộ/2.236 khẩu; trong đó có 79 hộ nghèo và 124 hộ cận nghèo, số hộ này đều là người DTTS. Địa phương còn nhiều khó khăn bởi người dân chủ yếu sản xuất độc canh cây cà phê trong khi khu vực này có địa hình đồi núi dốc, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa nên diện tích cà phê luôn bị đe dọa. Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Dân cư sinh sống không tập trung và cách xa trung tâm xã nên việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể còn có trở ngại, hạn chế nhất định. Trình độ dân trí không đồng đều, có nhiều nơi còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của huyện, do đó ảnh hưởng đến nhận thức cũng như hành động của bà con, nhất là ý chí vươn lên thoát nghèo, áp dụng KHKT vào sản xuất. Sự đầu tư của người dân cho giáo dục và tham gia đóng góp vào tiến trình phát triển của địa phương còn thấp. Bởi vậy nhiều năm qua, địa phương này đi lên nhờ sự “hà hơi tiếp sức” từ các nguồn vốn hỗ trợ của các cấp, đặc biệt là nguồn hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS.
 
Theo thống kê của UBND xã Đưng K’Nớ, hiện địa phương này đang được thụ hưởng nguồn vốn từ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về: phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, khu rừng đặc dụng; Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi... cùng các quyết định của tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương để cụ thể các nội dung này. Nguồn vốn này đã tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ, hình thành điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của vùng Đưng K’Nớ.
 
Phó Bí thư Đảng ủy xã Phi Srỗn Ha Nràng nhắc tới những con số cụ thể: Về việc hỗ trợ đất ở, hiện nay trên địa bàn xã Đưng K’Nớ đang triển khai dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Đưng K’Nớ 5 (Tiểu khu 74) do Trung tâm Khai thác công trình công cộng huyện Lạc Dương làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào năm 2018. Tổng diện tích quy hoạch 11,66 ha, dự kiến bố trí đất ở cho khoảng 120 hộ. Như vậy mỗi hộ dao động từ 300 - 350 m 2. Hiện dự án đã thi công xong phần san gạt mặt bằng, đường giao thông, điện, nước, phân lô. Dưới sự chỉ đạo thường xuyên của UBND huyện, hiện xã đang phối hợp với các đơn vị liên quan để bình xét đối tượng. Ưu tiên các hộ nhà sập hoàn toàn trong đợt lũ vừa qua, hoặc các hộ ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa lũ. Về việc hỗ trợ nước sinh hoạt, qua các chương trình nêu trên, năm 2018 nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đã nâng cấp hệ thống nước tự chảy của xã. Thay hệ thống ống nước chảy qua Thôn 1 và xây dựng bể lắng lọc thôn Đưng Trang. Từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài việc nâng cấp hệ thống nước tự chảy toàn xã, Đưng K’Nớ tiếp tục xây dựng hệ thống nước sinh hoạt thôn Lán Tranh... Tổng nguồn vốn từ các chương trình trên đầu tư vào Đưng K’Nớ đạt 35 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 được phê duyệt 14,9 tỷ đồng đã được giải ngân đến năm 2018. Năm 2019 đã giải ngân được 3 tỷ đồng. 
 
Ngoài vốn từ các chương trình mục tiêu, huyện Lạc Dương cũng như xã Đưng K’Nớ đã dồn lực để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, trong tổng số trên 800 ha diện tích đất canh tác của người dân, nay có gần 100 ha cây ăn quả và các loại hoa màu khác. Hàng năm, UBND xã Đưng K’Nớ vẫn tích cực vận động người dân dần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có giá trị thấp sang một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như cây ăn quả, nấm, hoa cẩm tú cầu, cây dược liệu... Nhờ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn, người dân có động lực thực hiện chăn nuôi, tăng thu nhập. Theo đó, tổng đàn bò của người dân trên địa bàn xã đạt trên 300 con, tăng 40,27% so với trước năm 2015. Ngoài ra, một số đàn khác như heo, dê, gia cầm và việc nuôi trồng thủy sản cũng đều tăng vượt trội. 
 
Bên cạnh đó, người dân ở Đưng K’Nớ còn được hưởng lợi rất lớn từ chính sách về giao khoán quản lý bảo vệ rừng, nhất là bà con DTTS. Hơn 321 hộ đồng bào DTTS ở Đưng K’Nớ đang quản lý, bảo vệ hơn 8.900 ha rừng. Diện tích giao khoán được chia thành 10 tiểu khu cho 10 tổ nhận khoán. Bình quân, mỗi hộ hiện nhận giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 27,7 ha. Ông Bon Niêng Ha Sào, người dân Thôn 2, xã Đưng K’Nớ khẳng định: Số tiền nhận được từ việc nhận quản lý, bảo vệ rừng hằng năm của các hộ gần 14 triệu đồng/hộ. Số tiền này đảm bảo cho các hộ không còn lo đói giáp hạt. Những điều này đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 15,01%. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Đưng K’Nớ đạt 30 triệu đồng/người/năm. Suốt giai đoạn 2015 - 2019, việc thu chi ngân sách trên địa bàn xã luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. 
 
Ngoài ra, việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư và lồng ghép vốn các chương trình dự án như: Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình trợ giá, chương trình hỗ trợ các thôn thuộc Vùng đệm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà... đã đưa về Đưng K’Nớ tổng nguồn vốn trên 57 tỷ đồng từ năm 2015 - 2019. Đây là cơ sở để địa phương này tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, giao thông trọng điểm, đồng bộ phục vụ nhu cầu cấp thiết của địa phương. Đến nay, trụ sở làm việc của xã, nhà sinh hoạt các thôn, trường học 3 cấp: mầm non, tiểu học, THCS và trung tâm y tế đều đã được hoàn thiện. Hai công trình thủy lợi trên địa bàn gồm Liêng Pó Băng và Đưng Trang cơ bản đáp ứng nhu cầu canh tác của người dân. Các trục đường trong các thôn đều đã được bê tông hóa. Tuyến đường vào thôn xa nhất Đưng Trang đang được nâng cấp nên việc đi lại cũng như thông thương, mua bán của người dân thuận lợi hơn. Đưng K’Nớ hiện đã đạt 12 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
 
Thực tế cho thấy, nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ là điểm tựa lớn để Đưng K’Nớ đi lên. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng vẫn nằm ở chính nỗ lực của địa phương và người dân trong việc chủ động vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển địa phương.
 
N.NGÀ